“Thầy bói” xem... lạm phát 2013

Google News

(Kiến Thức) - Hai kịch bản dự báo lạm phát 2013 công bố từ Học viện Ngân hàng là 7,24% và 11,2%. Một số quan chức cũng cho rằng, lạm phát năm nay sẽ khó “kìm cương” ở mức 6,8% như 2012. 

Liệu những dự báo về lạm phát thời điểm này có như thầy bói xem voi, khi năm ngoái, nhiều dự báo đã không đúng thực tế. 

Dự báo chỉ là... đoán mò

Mới đây, Viện nghiên cứu khoa học ngân hàng, Học viện Ngân hàng cũng đưa ra hai kịch bản cho lạm phát năm 2013 tương ứng với mức 7,24% và 11,2%. Một số chuyên gia kinh tế và quan chức cũng bày tỏ nhận định khó giữ mục tiêu lạm phát 2013 ở mức 6,8% như năm 2012. 

Thẳng thắn nhìn nhận về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho rằng: "Những chuyện dự báo hiện nay chỉ là đoán mò, điều quan trọng là chính sách của Nhà nước sẽ điều chỉnh ra sao trong năm tới, nhất là chính sách tiền tệ". 

“Doanh nghiệp đã chết hàng loạt, hàng chục vạn đang không biết sống chết ra sao, cả nền kinh tế đang khát vốn, nếu Chính phủ không giải quyết, các ngân hàng thương mại cứ hoạt động vô kỷ luật như hiện nay không biết nền kinh tế Việt Nam phát triển thế nào”, ông Thành nói. 

Theo ông Thành, việc đoán chỉ số CPI, lạm phát hiện nay chỉ là thầy bói xem voi, không đem lại lợi ích cho nền kinh tế và người lao động. Dự báo giá tiêu dùng sang năm tùy thuộc rất nhiều điều kiện phát triển của nền kinh tế với rất nhiều tác nhân. 

"Chính phủ phải có nhiệm vụ ngồi lại xem cái gì làm được, cái gì chưa được để làm cho đời sống nhân dân tốt hơn. Năm vừa rồi, cần phải rút kinh nghiệm sâu sắc, đầu năm, giữa năm, cuối năm, các chỉ số phát triển kinh tế liên tục bị điều chỉnh, chính người quản lý Nhà nước không biết nền kinh tế đi đâu về đâu. Họp Quốc hội, Quốc hội yêu cầu phải đảm bảo nhưng Chính phủ không có chính sách thực sự tạo cho nền kinh tế phát triển bền vững", ông Thành nói. 

Bình luận về mục tiêu kiềm chế lạm phát trong năm tới, ông Thành đưa quan điểm: "Ưu tiên kiềm chế lạm phát nhưng giết chết hàng loạt doanh nghiệp thì không nên. DN chết hết, không còn hoạt động, người dân không có việc làm, lạm phát bằng 0 cũng không còn ý nghĩa. Chính phủ phải tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển bền vững, người dân có công ăn việc làm, tạo điều kiện cho nông nghiệp, là ngành thế mạnh bấy lâu của đất nước được phát triển. Hiện chưa thấy Nhà nước có đường lối, chính sách, cơ chế rõ ràng để làm việc đó. 

Làm gì kiềm chế lạm phát?

Tuy nhiên, có cách nhìn nhận khác, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh bày tỏ quan điểm ủng hộ mục tiêu kiềm chế lạm phát trong năm 2013. 

 Y tế, giáo dục được coi là "thủ phạm" chính của lạm phát năm qua.

Không đưa ra con số dự báo cụ thể, ông Doanh cho rằng, năm tới Chính phủ cố gắng giảm nữa nhưng giảm được nữa hay không tùy thuộc vào chính sách tiền tệ và tín dụng. Chính phủ có xu hướng nới rộng khả năng cấp tín dụng nên cần xem xét rất thận trọng. Nếu Chính phủ tăng cấp tín dụng, rất có thể lạm phát lại tăng. 

Theo ông Doanh, trong năm tới, kiềm chế lạm phát vẫn là mục tiêu cần được ưu tiên như kế hoạch của Chính phủ vì nếu kiềm chế lạm phát tốt sẽ giúp các vấn đề liên quan đến giá trị đồng tiền, tỷ giá và rất nhiều các lĩnh vực khác. Thế nên, tất cả các nước khác đều đặt mục tiêu kiềm chế lạm phát và năm tới, Chính phủ coi kiềm chế lạm phát là mục tiêu trọng tâm là đúng.

Ông Doanh cũng bày tỏ hy vọng 2013 sẽ không lập lại kịch bản giống như giá ngành y tế, giáo dục tăng vọt trong 2012 vừa qua. “Tôi hy vọng Chính phủ tập trung vào chính sách tiền tệ và tín dụng thận trọng”, ông Doanh nói. 

Về vấn đề lãi suất, nếu lạm phát giảm, lãi suất nên tiếp tục giảm theo lạm phát nhưng chỉ theo khi lạm phát đã giảm xuống mức tương đối chắc chắn để tránh giảm lãi suất rồi lạm phát lại tăng lên dẫn đến lãi suất lai phải tăng trở lại. 

Dự báo về giá lương thực phẩm 2013, ông Doanh cho rằng sẽ không tăng lớn, nếu giá thế giới không tăng, hy vọng giá lương thực thực phẩm của Việt Nam sẽ giữ ổn định, Nhà nước hoạt động tốt, điều hành tốt thị trường để tránh việc giá cả tăng cao.

Nhân bàn về việc kiềm chế lạm phát, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cũng nêu quan điểm Chính phủ cần cân nhắc giữa mục tiêu kiềm chế lạm phát năm tới với những mục tiêu như sự phát triển bền vững của nền kinh tế, của doanh nghiệp, tạo công ăn việc làm của người lao động. Trong đó, ưu tiên vào phát triển những ngành là thế mạnh của đất nước là nông nghiệp và xuất khẩu. 



Theo ông Thành, hiện Việt Nam nhập về để gia công rồi xuất khẩu, cũng như tạm nhập tái xuất những sản phẩm của ngước ngoài. Tỷ lệ xuất khẩu thật của Việt Nam chỉ có 15% con số báo cáo hiện nay. Ví dụ, xuất khẩu 15 tỷ may mặc chỉ có 1,5 tỷ của Việt Nam, còn lại là xuất khẩu giùm cho những nước khác. Trong thời kỳ quá độ chúng ta phải làm thế. 

Tuy nhiên, hiện nay, những ngành là thế mạnh của Việt Nam ta như nông nghiệp, trong đó, xuất khẩu gạo, cà phê, ca cao, thủy sản... tỷ lệ nôi địa rất cao cần phải có chính sách ưu tiên phát triển riêng biệt. “Đất nước hơn 50% là nông dân, việc phát triển nền tảng nông nghiệp tốt, xây dựng thị trường trong nước, nông nghiệp, nông thôn phát triển tốt, thu nhập người nông dân tốt sẽ cùng ứng sức mua cho nền kinh tế, tạo nền tảng để phát triển. Với các nước như Mỹ, Nhật, chính sách cho tín dụng nông nghiệp, lãi suất rất thấp, chỉ 1 – 2”, ông Thành nói.

Ông Thành cho rằng, xuất khẩu của Việt Nam chưa có chính sách hỗ trợ thực sự, chưa hỗ trợ lãi suất. Hiện nay, những khu vực xung quanh ta như Bắc Á đến Nam Á đều cho doanh nghiệp vay với lãi suất tối đa 2 – 3%. Trong khi đó, Việt Nam lãi suất quá cao.

Doanh nghiệp làm hàng xuất khẩu đi vay lãi suất 18 – 19% làm sao cạnh tranh được với doanh nghiệp nước ngoài. Nhiều nước như Đài Loan, Hàn Quốc cho vay xuất khẩu chỉ từ 0%, 1%  đến 2% là nhiều, ngành xuất khẩu rất được tạo điều kiện cho phát triển.  Có những tổ chức của Chính phủ gửi đi trên toàn thế giới, hỗ trợ tạo thị trường xuất khẩu cho doanh nghiệp, Chính phủ, lãnh đạo mình chưa nghĩ tới những việc đó, đặc biệt là hỗ trợ trong xuất khẩu nông nghiệp. 

Vấn đề công ăn việc làm cũng từ doanh nghiệp mà ra, doanh nghiệp cá nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, cổ phần, sản xuất, kinh doanh , dịch vụ…cần phải được tạo điều kiện phát triển. “Chính phủ đang áp thuế hai mấy phần trăm, doanh nghiệp chết chứ sống làm sao. Các cơ quan chiến lược, quy hoạch chính sách phải xem nền kinh tế của mình đang thiếu gì, cần gì để cung cấp cho nó phục hồi và phát triển. Chúng ta chưa làm, thì tạo công ăn việc làm thế nào”, ông Thành nói. 


Bảo An

Bình luận(0)