Sudico: Đại hội cổ đông vô tiền khoáng hậu

Google News

Đại hội đồng cổ đông của Sudico tổ chức thực sự đã trở thành một trong những đại hội cổ đông kỳ lạ nhất mà người viết từng chứng kiến.

 

Đại hội đồng cổ đông của Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Đô thị và Khu công nghiệp Sông Đà (Sudico) tổ chức ngày 30/6 thực sự đã trở thành một trong những đại hội cổ đông kỳ lạ nhất mà người viết từng chứng kiến.
Đoàn chủ tịch Đại hội đồng cổ đông Sudico.
Đoàn chủ tịch Đại hội đồng cổ đông Sudico.
Kéo dài ngoài dự kiến

“Sau đây, đề nghị ban tổ chức bố trí đồ ăn nhẹ để chúng ta có thể tiếp tục đại hội”, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Sudico, ông Hồ Sĩ Hùng đã yêu cầu như vậy vào lúc gần 2 giờ chiều, mặc dù theo kế hoạch, đại hội sẽ kết thúc vào lúc 12h30.

Dù bắt đầu từ rất sớm, song đến phần thảo luận, bỏ phiếu biểu quyết, một số nội dung đã vượt khỏi tầm kiểm soát của chủ tịch đoàn, khi có quá nhiều ý kiến phát biểu và ý kiến nào cũng rất đáng chú ý.

Một trong những vấn đề đáng quan tâm nhất là liệu có tổ chức bầu cử Hội đồng Quản trị mới thay cho Hội đồng Quản trị đã được bầu tại Đại hội đồng cổ đông bất thường vào ngày 16/4 hay không.

Trong nội dung này, một vấn đề nổi bật là hiện tại tập đoàn Sông Đà nắm khoảng 44% cổ phần có quyền biểu quyết của Sudico và đang có 2 thành viên trong Hội đồng Quản trị. Tuy nhiên, tập đoàn này muốn có tối đa 3 thành viên trong hội đồng quản trị.

Đến cuối cùng, Hội đồng Quản trị Sudico đã xin lấy phiếu tín nhiệm đối với 5 thành viên Hội đồng Quản trị hiện nay để tránh phải tiến hành đại hội đồng cổ đông bất thường nhằm bầu hội đồng quản trị mới.

Với các nội dung khác cũng ghi nhận nhiều ý kiến khác nhau. Thậm chí khi ông Ngô Văn Tuấn, Phó tổng giám đốc Sudico, đại diện cho tập đoàn Sông Đà, cổ đông lớn nhất của Sudico phát biểu ý kiến cũng nhận được sự phản đối của một số cổ đông.

Sau rất nhiều tranh luận, đại hội cũng đã đi đến quyết định cuối cùng là giữ nguyên Hội đồng Quản trị như hiện nay.

Dường như những diễn biến tại đại hội đã vượt ra ngoài tầm kiểm soát của Ban tổ chức, mặc dù các bên đều muốn đại hội “thành công tốt đẹp” sau nhiều “lình xình” trong thời gian qua.

Giật mình với báo cáo của Ban kiểm soát

Đáng chú ý nhất là trong các báo cáo được công bố tại đại hội, báo cáo của Ban kiểm soát Sudico đã đưa ra những thông tin rất đáng chú ý về tình hình hoạt động của công ty trong năm 2011.

Cụ thể, Sudico đã phát hành trái phiếu hai đợt với tổng giá trị 1.200 tỷ đồng để đầu tư hạ tầng và công trình kiến trúc tại dự án Nam An Khánh, nhưng trong số này có 1.127 tỷ đồng đã được sử dụng “sai mục đích”, chủ yếu là dùng để trả nợ và đảo nợ.

Việc sử dụng sai mục đích đã “dẫn đến các dự án triển khai chậm trễ, chi phí vốn cao, tiềm ẩn nguy cơ không cân đối được nguồn trả nợ, khả năng thanh toán không được đảm bảo”.

Đến nay, công ty vẫn chưa cung cấp được toàn bộ chứng từ chuyển tiền sử dụng trái phiếu đối với giá trị hai đợt phát hành trên.

Ban kiểm soát cũng bày tỏ sự “băn khoăn” trước một số thương vụ đầu tư của Sudico. Cụ thể, Sudico đã chi 220 tỷ đồng để mua 60% cổ phần Công ty Cổ phần Đầu tư bất động sản và thương mại Thăng Long để thực hiện dự án Khu đô thị Phố Nối (Hưng Yên). Theo tính toán, giá mua cổ phần là 148.400 đồng/cổ phần. Ban kiểm soát cho rằng cần xem lại toàn bộ hồ sơ liên quan đến việc chuyển nhượng cổ phần này, để đảm bảo rằng việc nhận chuyển nhượng là đúng quy định, không gây thất thoát vốn.

Một thương vụ khác là nhận chuyển nhượng dự án của ông Ngô Áng Hùng tại Khu đô thị Hòa Hải, Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng với số tiền 963 tỷ đồng từ năm 2010. Với chi phí lãi vay 20%, hiện nay giá vốn của dự án đã tăng thêm 400 tỷ đồng.

Các dự án này đều không đưa ra được sản phẩm mới để có thể bán và thu hồi vốn, từ đó dồn gánh nặng về tài chính cho công ty và Ban lãnh đạo mới của Sudico đang phải tìm mọi cách để “khắc phục”.

Với những điểm bất cập như trên, Ban kiểm soát thậm chí bày tỏ sự nghi ngờ đối với kết quả kiểm toán được lập bởi một công ty kiểm toán trong nước. Công ty này đã phát hành báo cáo kiểm toán vào ngày 15/2/2012 nhưng đến ngày 31/5/2012 vẫn chưa phát hành thư quản lý.

Hơn nữa, khi so sánh số liệu trong báo cáo tài chính đã được công ty kiểm toán này tiến hành kiểm toán với số liệu hiện còn lưu tại Sudico, Ban kiểm soát cho rằng kết quả kiểm toán “chưa phản ánh trung thực và hợp lý trên các khía cạnh trọng yếu tình hình tài chính của công ty tại thời điểm ngày 31/12/2011, kết quả sản xuất kinh doanh và lưu chuyển tiền tệ cho năm tài chính kết thúc cùng ngày”.

Việc quản lý các khoản chi khác của Sudico cũng khá “tù mù”, chẳng hạn có “một số cá nhân” đã tạm ứng tới 4 tỷ đồng để làm “chi phí giao dịch công ty” trong năm 2011 nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thiện chứng từ.

Đặc biệt, trong vòng một ngày (8/12/2011), Hội đồng Quản trị công ty đã ký ban hành các quyết định khen thưởng với số tiền lên tới 46,7 tỷ đồng, ngay giữa thời điểm công ty đang gặp khó khăn, doanh thu chỉ đạt 6% và lỗ tới 42 tỷ đồng.

Tương lai vẫn là bất động sản

Nhìn về tương lai, Sudico vẫn sẽ tập trung vào lĩnh vực bất động sản như là lĩnh vực kinh doanh chính.

Báo cáo của Tổng giám đốc Ngô Vĩnh Khương cho hay, các dự án mà công ty sẽ tập trung đầu tư vẫn là dự án Khu đô thị mới Nam An Khánh, dự án Khu đô thị Nam An Khánh mở rộng, dự án Khu nhà ở Văn La - Văn Khê, dự án Khu đô thị mới Tiến Xuân… Về cơ bản, doanh thu và lợi nhuận đều đang “nhìn” hết về các dự án bất động sản.

Để khắc phục những khó khăn về tài chính, Sudico đã đàm phán và đạt được thỏa thuận với Ngân hàng Việt Á về việc vay 2.000 tỷ đồng phục vụ kinh doanh.

Bên lề đại hội, ông Đặng Văn Bình, Phó chủ tịch Hội đồng Quản trị cho biết sẽ sử dụng khoản vay này để trả nợ cho các chủ nợ chính, bao gồm 500 tỷ đồng vay của Công ty Tài chính Sông Đà, 700 tỷ đồng cho ngân hành Techcombank và 700 tỷ đồng cho ngân hàng Maritime Bank.

Các chỉ số tài chính mà Sudico đặt ra cho năm 2012 là 1.018 tỷ đồng doanh thu, 719 tỷ đồng giá trị đầu tư, 206 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, 155 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế và cổ tức sẽ ở mức 10-15%.

Ông Bình nói sau đại hội, Hội đồng Quản trị và Ban giám đốc sẽ tập trung “xốc” lại Sudico cũng như các dự án để nhanh chóng thoát ra khỏi tình trạng khó khăn. “Nếu làm tốt, dự án Nam An Khánh có thể đưa lại nguồn lợi nhuận cao, trong khi dự án Tiến Xuân thì ai cũng thấy là tiềm năng, là dự án có quy mô thuộc loại lớn nhất tại Hà Nội”, ông Bình nói.

Trong khi đó, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, ông Hồ Sỹ Hùng cho hay, trong kế hoạch tái cấu trúc Tập đoàn Sông Đà, Sudico đã được xác định sẽ trở thành một tổng công ty chuyên về bất động sản và “nhà nước có thể sẽ giữ 51% cổ phần tại tổng công ty này”.
 
(Theo Thời báo Kinh tế VN)

Bình luận(0)