Chồng bồ bịch, nợ nần để vợ oằn lưng trả nợ

Google News

Bố của cô gái ấy đã gửi đơn kiện vào đơn vị, tố cáo chồng tôi bồ bịch và chiếm đoạt 1 nghìn đô la của con gái ông. 

Năm nay, tôi 45 tuổi. Chồng tôi nguyên là bộ đội và đã nghỉ hưu 3 năm nay. Anh ấy hơn tôi 2 tuổi. Chúng tôi lấy nhau đã hơn 20 năm và có với nhau 2 mặt con: cháu lớn hiện đang là sinh viên năm thứ 4, còn cháu bé vừa vào THCS. Vợ chồng tôi đều là quân nhân, đồng lương ổn định. Hai con đều khỏe mạnh, thông minh, học giỏi. Gia đình như thế là niềm ao ước và ngưỡng mộ của mọi người.
Do điều kiện công tác nên từ khi lấy nhau, thời gian chúng tôi xa nhau thì nhiều, gần nhau thì ít. Khi sinh đứa con đầu lòng, suýt chút nữa, mẹ con tôi đã bước vào cánh cửa tử. Vì chuyện đó, chồng tôi lo lắng và nhìn già hẳn đi. Chăm vợ đẻ được một tháng thì chồng tôi được cử đi học một năm. Một mình tôi vừa đi làm vừa trông con.
Chong bo bich, no nan de vo oan lung tra no
 Ảnh minh họa.
Sau một năm học, chồng tôi quay về công tác ở đơn vị nhưng nơi đó cũng cách nhà tôi 15 cây số. Vì thế, anh cũng không có điều kiện đỡ đần vợ con. Đến năm 1999, chồng tôi tiếp tục được cử đi học xa với thời gian 2 năm. Năm 2001, anh được về đơn vị công tác. Tôi nghĩ anh đã ổn định rồi thì gia đình cũng nên hòa hợp về một mối để tập trung kinh tế. Thế nên, tôi xin chuyển công tác về cùng đơn vị với anh.
Vợ chồng về gần nhau được nửa năm thì tôi có mang cháu thứ hai. Khi cháu bé trong bụng tôi được gần 6 tháng, một người bạn nói muốn giới thiệu chồng tôi về Hà Nội làm. Tôi nghĩ công tác dưới Hà Nội thuận lợi nhiều mà lại không tốn kém gì nên cũng nhất trí cho chồng về đó. Nhưng có lẽ đó là quyết định sai lầm nhất của tôi!?
Tôi sinh cháu thứ hai được gần một năm thì chồng tôi chuyển đơn vị về Hà Nội. Vậy là tôi một nách nuôi hai con ăn học. Còn chồng tôi cứ đến cuối tuần là lại về thăm vợ con. Năm 2005, anh được cấp một suất mua nhà chung cư. Vì số tiền mua nhà quá lớn nên chúng tôi đã nhượng lại cho người khác. Thời điểm đó, bất động sản đóng băng nên số tiền chênh lệch không nhiều.
Chúng tôi dùng một phần trong chỗ tiền ấy mua sắm trang thiết bị, đồ dùng trong nhà. Số còn lại thì đem gửi tiết kiệm, định bụng tới khi tìm được miếng đất vừa tiền thì mua. Được một thời gian ngắn, chồng tôi bảo tôi đi rút cho anh 10 triệu đồng. Tôi hỏi để làm gì thì anh không nói mà còn nổi khùng lên và bảo rằng nhà anh được cấp nên số tiền bán nhà ấy là của anh.
Tôi giận quá nên ra ngân hàng rút toàn bộ 80 triệu đồng về đưa cho anh. Anh sử dụng một ít rồi đem chỗ còn lại đi gửi ngân hàng dưới tên anh và cầm luôn sổ. Một năm sau đó, tôi tình cờ trông thấy cuốn sổ tiết kiệm của anh. Trong đó ghi rõ anh đã rút gần hết tiền. Tôi hỏi thì anh bảo rút ra để lo việc.
Cùng năm ấy, tôi biết tin chồng mình có bồ. Bố của cô gái ấy đã gửi đơn kiện vào đơn vị, tố cáo chồng tôi bồ bịch và chiếm đoạt 1 nghìn đô la của con gái ông. Đơn vị vào cuộc điều tra, kết luận là chồng tôi thật sự có quan hệ tình cảm với cô gái kia nhưng không có căn cứ chứng minh cô ấy đã gửi tiền về cho anh.
Vì chuyện này tôi đã mất ngủ và suy sụp trong một thời gian dài. Có điều nghĩ các con còn cần mình nên tôi đành cố gắng cho qua mọi chuyện. Năm 2007, chiếc xe máy chồng tôi đi bỗng không thấy nữa. Tôi hỏi thì anh bảo mang xe đi cầm để lo tiền ôn thi cao học. Nghĩ chồng không có xe đi lại cũng bất tiện, tôi dốc hết số tiền mà mình có là 11 triệu đồng để cùng anh đi chuộc xe về.
Nhưng anh bảo để anh bắt xe ôm ra lấy xe rồi xuống đơn vị luôn. Tôi tin nên đã đưa 11 triệu cho chồng cầm. Vậy mà mãi vẫn không thấy xe đâu. Tôi hỏi thì anh lại khùng lên và vợ chồng lại to tiếng. Vì sĩ diện của chồng, của mình và vì con nên tôi đành phải nhịn. Nhưng rồi các chủ nợ xuất hiện tại nhà tôi. Họ gây sức ép bắt anh trả hết các khoản vay nếu không sẽ xuống tận đơn vị làm to chuyện.
Chồng tôi sợ quá nên bàn với tôi viết đơn xin ra quân. Gần 30 năm công tác, giờ chồng tôi mà ra quân thì coi như mọi công sức bao năm đổ xuống sông, xuống bể. Vậy là chúng tôi lại đi vay lãi để đập chỗ nọ, trả chỗ kia. Tất cả số tiền tôi vay lúc đó là 130 triệu (số tiền quá lớn với chúng tôi), lại thêm số tiền lãi ngày nhân lên nữa khiến tôi như điên dại, lo chạy hết chỗ nọ, chỗ kia vay vàng, đô la để đập vào chỗ đó.
Trong thời gian đó, chồng tôi chẳng những không lo làm ăn để trả nợ mà còn bán mất cả xe máy của tôi. Rồi chồng tôi quyết định về một cục để lấy tiền trả nợ và lấy vốn làm ăn. Có điều, tôi không đồng ý mà khuyên anh về hưu, nợ trả dần sẽ hết. Chồng tôi nghe theo nhưng vẫn hậm hực với tôi. Dù nghỉ hưu nhưng anh vẫn quyết ở trên Hà Nội để làm bảo vệ.
Con trai đầu của tôi cũng thi đỗ vào đại học nên chúng tôi thuê một căn hộ ở chung cư mini cho hai bố con ở. Nhưng chưa được một năm sau thì con tôi xin ra ngoài ở vì cháu không hợp với bố. Vậy là tôi lại oằn lưng để gánh hai khoản tiền nhà và cả tiền nuôi con. Tôi đành khuyên chồng chuyển về ở cùng tôi rồi đi làm gì thì làm để đỡ tốn kém kinh tế.
Ban đầu anh không chịu và còn bảo là vì lấy tôi nên cuộc đời anh mới ra nông nỗi như vậy. Sau vì không thể trả nổi tiền thuê nhà nên anh chuyển đồ về chỗ tôi với thái độ bất cần, hống hách. Anh em, bạn bè góp ý, anh không nghe mà còn sẵn sàng chửi rủa, nhục mạ họ và tôi. Tôi nói với chồng là tôi cần sự tôn trọng. Chúng tôi cần thời gian để suy nghĩ xem có nên tiếp tục cuộc hôn nhân này không.
Vậy là chồng tôi về quê ở gần một năm và trong thời gian đó, anh đã có quan hệ với một người lớn hơn anh 4 tuổi. Họ công khai mối quan hệ với hai gia đình, chỉ thiếu mỗi nước dọn về sống cùng nhau. Tôi thật sự rất sốc vì trong thời gian đó, tôi vừa đi làm nuôi con vừa phải gánh thêm nợ cho anh. Vì trả nợ, mỗi tối đi làm về, tôi đều nhận hàng về may để kiếm thêm thu nhập. Thế mà anh lại bội bạc tôi!
Tôi nhắn tin cho chồng rằng việc gì cần cố gắng thì tôi đã cố gắng rồi, cần làm tôi đã làm rồi. Anh đã có người đàn bà khác thì vợ chồng cũng nên kết thúc. Tôi cho anh thời hạn 10 ngày để viết đơn. Tôi sẽ về quê ký. Chồng tôi bảo không muốn. Tôi nói: “Nếu sau thời gian đó, anh không viết đơn thì tôi sẽ đơn phương ly hôn”. Nghe vậy, anh xin lỗi tôi và nói muốn hàn gắn gia đình. Tôi chấp nhận cho anh một cơ hội.
Sau đó, anh từ quê ra ở với mẹ con tôi. Mỗi cuối tuần, chúng tôi lại về quê thăm mẹ chồng. Tôi thuê thêm một gian nhà nữa và lấy ít hàng về cho anh bán. Anh em, bạn bè đều mừng cho tôi qua khổ ải lại tới ngày thái lai. Lúc vui vẻ, tôi bàn tới việc mỗi tháng vợ chồng tiết kiệm một khoản để trả nợ dần, anh cũng đồng ý.
Chúng tôi ở gần nhau được 5 tháng thì mẹ chồng tôi ốm nặng phải nằm viện, anh về chăm mẹ còn tôi chạy đi chạy lại giữa hai nơi. Sau khi mẹ chồng khỏi bệnh, anh ở quê với mẹ luôn, không có ý định ra với mẹ con tôi nữa.
Dịp nghỉ lễ 30/4 năm ngoái, tôi và con trai út về quê. Anh đón mẹ con tôi bằng thái độ lạnh nhạt. Mẹ con tôi muốn làm gì thì làm, nấu món gì thì nấu, anh chỉ cắm mặt vào điện thoại để nhắn tin. Tôi giận lắm nhưng cố kiềm nén. Tôi nói chuyện với mẹ chồng xem tình hình ở nhà thế nào, có gì mới không thì mẹ chồng bảo anh mới mua xe máy. Tôi hỏi anh có tin vui sao không cho vợ biết? Thế là anh khùng lên, bảo tôi về để gây sự và đuổi tôi đi…
Có ai lấy chồng mà khổ như tôi không? Một năm nay anh không thèm bước chân về thăm vợ con, không biết con học hành thế nào. Tiền trả nợ anh cũng chẳng thèm góp. Ở quê, ai cũng chê trách anh không chịu quan hệ với làng xóm. Suốt ngày anh lê la hàng quán, tối muộn mới về.
Bạn bè anh nói anh lên mạng làm nhiều thơ than thân trách phận, ủy mị, yêu đương. Anh đi khắp nơi nói là bị vợ bỏ rơi nên phải về chăm mẹ ốm… Và anh còn có nhiều mối quan hệ không lành mạnh nữa. Vậy là công lao và sự cảm hóa của tôi không thể tác động gì đến chồng. Chúng tôi không thể tìm được tiếng nói chung.
Anh em, họ hàng, bạn bè chẳng muốn tham gia ý kiến với chồng tôi nữa, bởi hễ ai nói gì là anh sẵn sàng chửi ngay lập tức. Tôi cố gắng tìm lại phần “đạo đức” từ con người chồng, để anh lấy lại sĩ diện, để các con tôi có bố. Thế nhưng chồng tôi cho là tôi chưa ly hôn vì anh vẫn chưa trả hết chỗ nợ.
Anh bảo rằng tôi bỏ rơi và không quan tâm anh. Mẹ con tôi sống khổ cực, nhục nhã, xấu hổ cũng vì anh. Giờ anh còn muốn tôi làm thế nào nữa? Tôi vẫn muốn giúp anh đứng dậy, là anh của ngày trước. Tôi cũng không muốn các con phải ngậm ngùi khi nhắc đến bố mẹ. Nhưng sức chịu đựng của con người có hạn. Tôi không biết mình phải làm gì trong hoàn cảnh này nữa.
Theo VOV News

Bình luận(0)