Thẻ tín dụng “siêu VIP” của đại gia Việt có gì đặc biệt?

Google News

Điều kiện để được cấp thẻ tín dụng "siêu VIP" không hẳn là người sở hữu tài sản lớn mà còn phải dựa vào nguồn thu nhập cũng như uy tín cá nhân...

Khách hàng VIP – “bé hạt tiêu”
Tin tức trên báo Trí thức trẻ, nhóm khách hàng ưu tiên (VIP) tuy chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trong danh mục của các ngân hàng nhưng là phân khúc quan trọng, nhiều tiềm năng với việc đem lại nguồn tài sản ổn định. Chính vì vậy, việc cung cấp các sản phẩm dịch vụ trọn gói, có tính đặc thù dành cho đối tượng khách hàng này được các ngân hàng đặc biệt quan tâm trong thời gian qua.
Cách thức cạnh tranh giữa các ngân hàng trong nước với nhau hay giữa các ngân hàng trong nước và ngân hàng ngoại cũng rất đa dạng và dưới nhiều hình thức khác nhau. Có ngân hàng nước ngoài tung ra dịch vụ “Ngân hàng ưu tiên” dành cho khách hàng cao cấp tại Việt Nam với chuỗi các dịch vụ và lợi ích toàn cầu. Có ngân hàng thương mại khác phục vụ khách hàng VIP dưới cái tên “VIP banking”, "Imperial', "Priority", hay “Private banking”...Tất cả đều nhắm tới mục tiêu: bảo đảm tính riêng tư, đem lại tiện ích tối ưu và tính bảo mật giao dịch cao.
Ngoài thẻ tín dụng "siêu VIP" ra, một số ngân hàng còn có nhiều sản phẩm cho khách hàng như vay mua nhà, đầu tư, bảo hiểm, quản lý tài sản,… với cam kết sẽ giải quyết nhu cầu tài chính tức thời và tận nơi, ưu đãi đặc biệt về phí dịch vụ và lãi suất, chính sách ưu đãi với dịch vụ thấu chi và thẻ tín dụng…
Theo thống kê, với ưu thế có kinh nghiệm lâu năm và mạng lưới rộng khắp toàn cầu, quy mô, tiềm lực tài chính lớn, các ngân hàng ngoại đang chiếm đến 70% thị phần phân khúc khách VIP. Vì vậy, các ngân hàng nội đang gặp nhiều áp lực trong cuộc đua này.
Theo chia sẻ của đại diện ngân hàng TPbank, khách hàng VIP tại ngân hàng này không chiếm số đông trong tổng số khách hàng cá nhân (chỉ chiếm khoảng 1% tỷ trọng) song lại là nhóm khách hàng rất quan trọng và được ngân hàng tập trung chăm sóc.
Hiện nay, mỗi chi nhánh của TPbank đang quản lý hàng trăm khách hàng VIP, một số chi nhánh quản lý lên tới 500-600 khách hàng VIP.
Một quản lý cao cấp của ngân hàng Techcombank tiết lộ, mỗi chi nhánh chuẩn của nhà băng này có khoảng 700 – 800 khách VIP, trong đó khách siêu VIP khoảng 20 – 30 người.
Còn đại diện VPBank cho hay, hiện VPBank Gold Club có khoảng 10.000 khách hàng VIP, bao gồm các khách hàng ưu tiên có các tiêu chí như: Tài khoản tiết kiệm trung bình từ 1 tỷ đồng/tháng, tài khoản thanh toán trung bình 3 tháng từ 80 triệu, tài khoản vay trung bình từ 1-2 tỷ (tùy loại vay) và không có nợ xấu, khách hàng có hợp đồng bảo hiểm và đầu tư lớn…
Mặc dù về số lượng là rất ít, song tỷ trọng doanh số huy động của nhóm khách hàng này chiếm tới 70% huy động khách hàng cá nhân toàn ngân hàng. Doanh số chi tiêu thẻ tín dụng cũng rất tốt và gần như không phát sinh nợ xấu, qua đó đóng góp vào sự tăng trưởng lợi nhuận ổn định cho ngân hàng.
Thẻ tín dụng
The tin dung “sieu VIP” cua dai gia Viet co gi dac biet?
Điều kiện để được cấp thẻ tín dụng "siêu VIP" không hẳn là người sở hữu tài sản lớn mà còn phải dựa vào nguồn thu nhập cũng như uy tín cá nhân của họ. (Ảnh minh họa).
Báo VnExpress đưa tin, khi sở hữu chiếc thẻ "siêu VIP" này, người dùng ngoài việc được sử dụng hạn mức thanh toán lớn còn được hưởng dịch vụ chăm sóc 24/7, các chương trình tặng thưởng du lịch, được tặng miễn phí gói hội viên Priority Pass, giúp cho những chuyến bay không cần mua vé máy bay hạng cao cấp vẫn được quyền vào hơn 700 phòng chờ VIP của các sân bay khắp thế giới.
Khi đi du lịch, chủ thẻ của dòng Infinite được bảo hiểm tai nạn du lịch toàn cầu lên đến một triệu USD (21 tỷ đồng) cùng những hỗ trợ khác về bảo hiểm như khi mất hành lý, chuyến đi bị trì hoãn, cần di chuyển y tế khẩn cấp...
Ngoài dòng thẻ "siêu VIP" trên, hiện nay tại thị trường Việt Nam cũng chứng kiến cuộc đua phát hành thẻ tín dụng cao cấp hạng bạch kim (Platinum) của nhiều ngân hàng. Không chỉ là loại thẻ có hạn mức tín dụng cao lên đến hàng tỷ đồng (chỉ thấp hơn dòng Infinite), thẻ này còn mang đến những ưu đãi hấp dẫn về các dịch vụ hàng không, du lịch, sức khỏe, làm đẹp, mua sắm… trên phạm vi toàn thế giới.
Trao đổi với VnExpress, đại diện của ngân hàng phát hành loại thẻ "siêu VIP" Infinite cho biết, nắm bắt xu hướng giới trung và thượng lưu của Việt Nam đang gia tăng nhanh nên ngân hàng đã hợp tác với hãng thẻ quốc tế để phát hành loại thẻ này nhằm thu hút lượng khách hàng cao cấp.
Điều kiện để được cấp không hẳn là người sở hữu tài sản lớn mà còn phải dựa vào nguồn thu nhập cũng như uy tín cá nhân của họ (tương tự như xét điều kiện để cho vay) và sau đó sẽ quyết định hạn mức tín dụng. Có người thì hạn mức thẻ vài tỷ, có người vài chục tỷ, vài trăm tỷ đồng hoặc là nhiều hơn nữa nhưng không vượt quá 15% vốn điều lệ.
"Thẻ ra đời từ năm 2013 và đến nay thì tỷ lệ người sở hữu cũng đang gia tăng khả quan. Tuy nhiên, đây là loại thẻ cao cấp nên chúng tôi không quá chú trọng đến số lượng mà ưu tiên chất lượng nhiều hơn", ông nói và cho biết, hiện tại những người sở hữu thẻ này đa phần là những doanh nhân thành đạt, một số nghệ sĩ nổi tiếng với số thu nhập khá cao.
Nhìn nhận về việc này, một chuyên gia kinh tế cho rằng, chìa khóa tăng trưởng của ngân hàng ở thời điểm này chính là dịch vụ bán lẻ. Hướng tới phân khúc khách hàng VIP với những dịch vụ cao cấp là xu hướng chính của các nhà băng trong tương lai. Vì thế, bỏ cuộc trong cuộc đua chinh phục khách VIP, coi như ngân hàng đó cũng... thua cuộc.
Và cuộc rượt đuổi thị phần của các ngân hàng sẽ giúp các khách hàng VIP ngày càng có nhiều lựa chọn hơn từ các giá trị cộng hưởng của ngân hàng để tích lũy cho cuộc sống tiện nghi. Những năm gần đây, nhiều ngân hàng trong nước đang từng bước triển khai các dịch vụ cao cấp, trong đó việc phát hành thẻ tín dụng VIP để giành thị phần ở phân khúc khách hàng có thu nhập cao này là điều tất yếu.
Theo chia sẻ của một phó tổng ngân hàng ở khối khách hàng cao cấp, mỗi lời phàn nàn của khách có thể khiến tiền tỷ "đội nón ra đi", nên mỗi ngân hàng đều có cách riêng tận dụng ưu thế để chiều chuộng khách VIP. Do đó, dù thế nào thì rất nhiều ngân hàng (ngay cả vừa và nhỏ trong nước) cũng đầu tư mạnh vào lĩnh vực thẻ có nhiều tiện ích cao cấp.
Các chuyên gia nhìn nhận, tăng số lượng phát hành thẻ tín dụng là xu hướng phát triển của hệ thống bán lẻ mà các ngân hàng muốn hướng đến. Ngoài ra, việc phát hành thẻ tín dụng, khuyến khích tiêu dùng cũng góp phần giúp đẩy nhanh tăng trưởng tín dụng hiện nay và hạn chế việc thanh toán không dùng tiền mặt. Với nhiều sản phẩm và ưu đãi khác nhau, người tiêu dùng là người được hưởng lợi nhiều nhất khi lựa chọn dịch vụ tốt nhất, phù hợp với mình.
Theo ĐSPL

Bình luận(0)