Những đại gia “thú dữ” Việt Nam

Google News

(Kiến Thức) - Mốt nuôi thú dữ làm cảnh đang là thú chơi được nhiều đại gia lắm tiền ưa chuộng. Nhiều người còn biến nó thành cơ hội kinh doanh đầy tiềm năng.

Chơi chó ngao Tây tạng tốn kém
To cao, trông hơi dữ dằn, với bờm lông bao quanh mặt như sư tử, những con chó ngao Tây Tạng đang trở thành một biểu tượng của sự quyền quý trong giới nhà giàu Trung Quốc và du nhập sang Việt Nam từ năm 2008.
Ngao Tây Tạng được xếp vào dòng chó quý hiếm đang được các đại gia Việt săn lùng. Đây là vật nuôi thông minh, cực kỳ trung thành và đặc biệt sống rất tình cảm. Ông Triệu (ở phố Đại La, Hà Nội) người đang sở hữu 3 chú chó ngao Tây Tạng cho biết, chó ngao tuyệt đối chỉ nghe lời một người chủ. Nếu không phải là chủ nhân thực sự thì không ai có cơ hội cho ăn hay chơi đùa với chúng bởi giống chó này không bao giờ ăn thứ gì từ tay người lạ.
Ba chú chó của ông Triệu đều thuộc hàng "khủng", có con cao tới 85 cm, nặng khoảng 81 kg với bộ lông 2 lớp tuyệt đẹp: lớp ngoài mềm và dài, còn lớp trong trông như bông len. Chó ngao có 5 màu: đen, đen nâu, đen vàng, xám hoặc vàng đều rất thu hút đại gia.
 Anh Kiều Văn Hoàng bên chú chó ngao Tây Tạng "cưng" của mình.
Cũng gắn bó với ngao Tây Tạng từ lâu, anh Kiều Văn Hoàng (ở phường Yên Giang, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh) đang sở hữu một trang trại chó rộng 200 m2. Tốt nghiệp thạc sĩ sư phạm tại một trường đại học danh tiếng ở Trung Quốc nhưng anh Hoàng không làm nghề dạy học mà lại chuyển sang nuôi chó. Và giống chó anh chọn là loài chó rất hấp dẫn các đại gia - được mệnh danh là "thần khuyển" - ngao Tây Tạng. Theo anh Hoàng, tiêu chuẩn của một con chó ngao đẹp khi trưởng thành là phải có trọng lượng 60 - 70 kg đối với chó đực và 55 - 60 kg đối với chó cái.
Anh Hoàng thường đùa vui rằng "có lẽ mình chăm chó hơn cả chăm vợ", bởi lẽ mỗi năm, chó chỉ sinh sản một lứa. Việc giao phối giữa chó cái và chó đực cũng cần phải có 2 người giữ, lúc chó cái chửa thì phải có chế độ ăn không khác gì bà đẻ. Anh Hoàng đã thành công trong công việc của mình khi một chó ngao của anh sinh hạ 7 con nhỏ mà không có con nào chết hay gầy gò, ốm yếu vào đầu năm 2013.
Theo những chuyên gia về chó ngao, giá của một chú chó ngao trưởng thành ở mức vài trăm triệu đồng, có con được nhập về Việt Nam với giá tỷ đồng. Mới đây, một con chó ngao Tây Tạng ở tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc) được bán với giá gần 2 triệu USD trong hội chợ thú cưng cao cấp hôm 18/3. Trước đó, một chú chó ngao có tên "Đốm lớn" ở Trung Quốc cũng được bán với giá 10 triệu nhân dân tệ (tương đương 1,5 triệu USD) vào thời điểm năm 2011.
Đốt tiền chơi "siêu khuyển"
Đại gia Sài Thành Lê Chính (quận Tân Phú, TP HCM) đã không tiếc công sức và tiền của, chi ra cả trăm triệu đồng để được sở hữu chú chó Alaska. Năm 2006, anh Lê Chính đã phải chi ra một khoản tiền không nhỏ để bay qua Mỹ, đến tận vùng Alaska để "truy lùng" cho bằng được chú chó Alaska.
 Đại gia Lê Chính bên siêu khuyển của mình. 
Nhẩm tính sơ sơ để mua được chú khuyển này, anh đã phải chi gần 25.000 USD (gần 500 triệu đồng). Mới đây anh lại bỏ ra thêm 10.000 USD để đưa về chú Summo khổng lồ cũng thuộc giống Alaska Malamute và mua một siêu khuyển khác. Ba siêu khuyển trên cùng với một "hoàng hậu Angel" nữa hợp thành... "tứ đại mỹ khuyển" trong "vương quốc" của anh Chính. Mỗi tháng mỗi chú Alaska phải tiêu tốn đến 5 triệu đồng tiền thức ăn.
"Tậu" Pit Bull máu lạnh hung dữ
Pit Bull là giống chó được mệnh danh là "sát thủ máu lạnh", nổi bật với khả năng chiến đấu "giáp lá cà", kiên cường, không chịu đầu hàng và là dũng sĩ của những loài chó. Pit Bull cũng được xếp ngang hàng với cả chó sói xám, linh cẩu, khỉ đột lưng bạc, trâu rừng châu Phi, sư tử...
Nhiều người đam mê Pit Bull không thể không biết đến đại gia Mai Quang Tuấn (tức Tuấn "trắng", ở phường Đông Hải, quận Hải An, Hải Phòng). Hiện tại, đại gia này có trang trại nuôi chó rộng 1.000m2 ở phường Đông Hải, chuyên cung cấp các loại chó cảnh cho dân chơi trong và ngoài TP Hải Phòng. Ban đầu, ý tưởng xây dựng "trường đấu chó" trong chính trang trại của mình của Tuấn "trắng" gặp nhiều ý kiến phản đối. Tuy nhiên, năm 2009, dù tốn kém và khó khăn nhưng Tuấn "trắng" vẫn mua bằng được một cặp Pit Bull với giá hàng chục nghìn USD. Sau này, anh phát triển thành hẳn trang trại nuôi chó với hàng trăm con.
 Tuấn "trắng" với thú nuôi chó chiến Pit Bull. 
Hiện tại, đại gia này đã nhân giống thành công và cho ra đời thế hệ thứ 2. Những con Pit Bull Việt Nam gốc Mỹ được Tuấn "trắng" cung cấp cho nhiều người chơi chó trên cả nước với giá rẻ nhất từ 500, 700 đến 1.000 USD, mỗi năm anh kiếm cả trăm ngàn USD.
Tuy nhiên, một thực tế cho thấy, cho Pit Bull hiện nay đang được nhiều người nuôi dưỡng, huấn luyện sai cách, có thể sẵn sàng tấn công một người nào đó đến chết. Theo anh Tuấn Hùng, một người đam mê huấn luyện những giống chó dữ ở phường Đức Giang (quận Long Biên, Hà Nội), chủ nhân của những con chó Pit Bull phần lớn là dân chơi có máu mặt, bởi họ muốn coi Pit Bull như một thứ vũ khí để phòng thân. Sự nguy hiểm và ham mồi của giống chó này thể hiện ở chỗ: đã ngoạm vật gì thì chỉ khi vật đó bị đứt lìa nó mới nhả ra và chuyển sang ngoạm vào chỗ khác. Vết thương để lại sẽ rất sâu và rộng, vì hàm răng của chúng rất dài, sắc nhọn, khi bị cắn, nhẹ có thể mang tật, nặng có thể mất mạng.
Mê nuôi hổ, máu chơi hà mã
Vườn thú của Khu du lịch Đại Nam của đại gia Huỳnh Uy Dũng (Dũng lò vôi) là vườn thú quý hiếm bậc nhất không chỉ ở Việt Nam. Với diện tích 12,5 ha, vườn thú Đại Nam có khoảng 100 loài thú quý hiếm từ hổ Đông Dương, tê giác, các loài voọc...
 Hà mã nuôi ở khu du lịch Đại Nam.
Thậm chí, thú quý khỉ sóc giống Nam Mỹ, ngựa vằn và hà mã sinh nở tại đây như ở thiên nhiên hoang dã. Một số loài sinh nở thành công như voọc bạc, linh dương đầu bò, linh dương sừng kiếm, linh dương sừng xoắn, linh trưởng...
Một cặp hà mã tại khu du lịch này được mua từ Israel, mỗi con có giá 17 ngàn Euro (chưa tính tiền vận chuyển). Sau hơn 3 năm nuôi thuần dưỡng theo mô hình bán hoang dã trong diện tích 200 m2, trong đó có 50% mặt nước tại khu du lịch Đại Nam, hà mã sinh trưởng tốt.
Nuôi cá sấu gai góc đáng sợ
Là người đầu tiên đưa cá sấu về nuôi ở Đan Phượng (Hà Nội), đến nay anh Nguyễn Quang Hiển đã trở thành một tỉ phú và được nhiều người gọi với cái tên "Vua cá sấu" Hà Thành.
Quyết định dứt nghề sửa chữa điện, chuyển sang nuôi cá sấu vào năm 2003, anh Hiển đã cất công vào tận miền Tây xa xôi để học hỏi kinh nghiệm nuôi cá sấu. Sau khi nghe nhiều chủ cá sấu phân tích, anh Hiển quyết định về lập chuồng trại và tính toán kỹ lưỡng để đảm bảo môi trường thích hợp cho cá sấu ở.
Sau hơn 10 năm gắn bó với cá sấu, giờ đây, trang trại của anh Hiển xuất mỗi năm 10.000 con cá sấu, thu lãi 6 tỷ đồng/năm. Hơn nữa, anh cũng thành lập công ty làm đồ thủ công mỹ nghệ từ da cá sấu và cũng mở rộng mô hình nuôi cá sấu cho các hộ dân xung quanh.
 Nuôi cá sấu không chỉ là thú chơi mà còn mang lại thu nhập ngất ngưởng cho nhiều người. Ảnh minh họa.
Tại TP HCM, ông Trần Văn Nga (còn gọi là Sáu Nga) có trang trại rộng 7 ha nuôi cá sấu, được chia làm 2 khu nằm xa nhau: khu chăn nuôi và khu xử lý da cá sấu.
Hiện tại, trong trang trại của ông Nga nuôi khoảng 2.000 con cá sấu bố mẹ làm giống, 7 - 8 năm tuổi, cá đực được đánh số lẻ, cá cái đánh số chẵn và hơn 10.000 con cá sấu con. Mỗi tháng, ông Nga "hóa kiếp" cho 300 - 500 con cá sấu tầm 2 - 3 tuổi, dài 1,2 - 1,5 m, nặng 10 - 20 kg. Những sản phẩm da của ông xuất sang nhiều nước trên thế giới, còn những sản phẩm làm từ da cá sấu thường tham gia nhiều hội chợ và được người tiêu dùng ưa chuộng. Ông Nga cũng lập công ty Tồn Phát để bảo tồn và phát triển loài cá sấu. Với những đàn cá sấu của mình, mỗi năm ông Nga thu về gần 10 tỷ đồng.
Diên Lệ (tổng hợp)

Bình luận(0)