Nhà giàu HN đốt tiền, máy bay mô hình gầm rú biểu diễn

Google News

(Kiến Thức) - Để trở thành một tay chơi máy bay sành điệu, người chơi sẵn sàng chi hàng trăm triệu đồng để trang bị cho những chiếc máy bay xịn.

Thú chơi nhiều tiền…vẫn chưa đủ

Câu lạc bộ máy bay mô hình đầu tiên ở Việt nam ra đời cách đây 5 năm. Tuy nhiên, cho đến nay, rất ít người biết đến, bởi đây được xem là một thú chơi riêng của giới thượng lưu. Hầu hết những người dám theo đến cùng thú chơi này đa phần là dân kinh doanh có "máu mặt" ở Hà Nội.

Hiện nay, tại Hà Nội có khoảng ba nhóm bay khác nhau với hơn 100 thành viên, họ thường tụ tập với nhau hàng tháng dưới sự điều động của Quân chủng Phòng không không quân, và được gọi chung là CLB Hàng không phía Bắc.

Một mô hình máy bay điều khiển bằng vô tuyến điện không phải là món đồ chơi. Theo những người chơi lâu năm cho biết kỹ năng điều khiển máy bay là khó nhất bởi nó vận hành theo nguyên tắc như một máy bay thật, sự khác biệt chỉ là kích thước và trọng lượng. Một mô hình trung bình có thể bay với vận tốc 20 đến 60 dặm/giờ và nặng khoảng 2,8 - 3kg, lực va đập rất mạnh và nguy hiểm, nhất là đối với con người. Mô hình phải được điều khiển một cách thích hợp nhằm bảo đảm an toàn cũng như sự thú vị.
 Những thành viên trong CLB Hàng không phía Bắc được mệnh danh là những tay chơi máy bay mô hình sành điệu.
Chính vì vậy, muốn làm dân chơi máy bay mô hình đòi hỏi người ta phải tốn không ít công sức để trang bị kiến thức về cơ khí, điện tử và nhất là rất nhiều tiền. Trong giới máy bay mô hình cũng phân ra đẳng cấp rõ rệt. Dân trong ngành gọi những người mới chập chững biết chơi là dân chơi “amateur” vì những người này thường sử dụng máy bay ráp sắn. Loại này giá khá mềm, chỉ cần 300.000 đồng là người chơi đã có thể sắm được một chiếc. Còn những người được xếp vào hàng dân chơi "pro" thì không bao giờ chơi loại máy bay này, mà mua linh kiện về tự lắp rắp. Và có thể nói chơi loại này mới thực sự là  "đốt tiền" vì để có được một chiếc máy bay người chơi phải chi đến hàng nghìn USD.
 

Không chỉ vậy, để "độ" cho máy bay người chơi phải chi thêm một khoản tiền tương đương với giá trị của chiếc máy bay này. Đơn cử, mua một chiếc máy bay phản lực SU-30, mức giá bèo cũng phải 80 đến 100 triệu đồng (tuỳ hãng sản xuất). Để sắm một giàn phụ tùng bộ càng xếp bánh xe xịn từ châu Âu, người chơi phải bỏ ra ít nhất từ 2.500 đến 3.000 USD. Hay như bộ cervo lái để tăng sức mạnh độ kéo, giúp máy bay chạy nhanh, một con cần khoảng 10 đến 13 cái, với đơn giá trên dưới 100 USD. Tuy chơi máy bay mô hình đắt đỏ là vậy nhưng các thành viên của câu lạc bộ Hàng không phía Bắc ai cũng có ít nhất 5, 7 chiếc.

“Đập” một lần hết gần trăm triệu

Như một thông lệ, sáng chủ nhật hàng tuần tại sân bay Gia Lâm, câu lạc bộ Hàng không phía Bắc lại cùng nhau bay. Trong khoảng không rộng chừng 500m2, hàng chục chiếc máy bay mô hình thi nhau gầm rú, biểu diễn, độ khó tăng dần khi hạ thấp độ cao, ngược lại thì sự tán thưởng và thích thú tăng lên rất nhiều. Những cú nhào lộn, những pha xoắn vòng thót tim, bổ nhào tưởng đâm sầm xuống mặt đất rồi bất ngờ bật ngược trở lại không trung, tiếng gầm rú của động cơ mỗi khi tăng ga... trở thành niềm đam mê khó cưỡng lại của những người chơi.
  Những cú nhào lộn đẹp mắt nhưng cũng vô cùng nguy hiểm.

Trong giới chơi máy bay, không ai chưa được thấy hoặc nghe về bộ sưu tập máy bay phản lực hoành tráng của anh Nguyễn Văn Tân. Sau một thời gian ngắn gia nhập câu lạc bộ, anh đã nhanh chóng sắm được mười năm chiếc máy bay mô hình các loại trong đó chủ yếu là máy bay phản lực F18, F4, máy bay chuồn chuồn... Theo đánh giá của dân trong nghề, mỗi chiếc máy bay phản lực của anh đều ngốn của anh không dưới 100 triệu đồng. Khi được hỏi anh Tân không ngại ngần chia sẻ: "Chơi máy bay mô hình mang lại cảm giác mạnh khi làm chủ không gian, sự hài lòng, thậm chí là men chiến thắng khi vượt qua thử thách. Với dân chơi máy bay mô hình, đã "bay" là phải chấp nhận rớt, thậm chí rớt nhiều. Khác với những môn chơi mô hình khác như đua xe, máy bay hễ tai nạn là thiệt hại nặng. Bởi thế, nếu hầu bao không rủng rỉnh và lòng kiên nhẫn ít ỏi thì không thể theo đuổi lâu dài được”.

Khi máy bay hạ cánh không hoàn hảo, người chơi buộc phải dừng lại để chỉnh sửa, lắp ráp, thay thế phụ kiện. Dân chơi nói với nhau là máy bay bị “đập”, nếu may bay bị "đập" nhẹ thì mất vài phút, "đập" nặng phải đem về nhà. Chính vì vậy, người chơi mô hình máy bay vừa là phi công, vừa là bác sĩ về máy móc để có thể tự sửa chữa khi xảy ra sự cố. Và cũng khó có thể tránh khỏi trường hợp sẽ mất đứt chiếc máy bay gần trăm triệu nếu gặp phải sự cố nghiêm trọng. Điều này đối với người chơi thật kinh khủng vì , nhưng lại thôi thúc họ lòng chinh phục để máy bay của mình của mình có thể bay cao, bay xa và bay lâu hơn trên bầu trời.

Nguyễn Nguyên

Bình luận(5)

Minh Hiền

Phong Le

Không phải đại gia mới có điều kiện chơi được đâu. Ai đam mê đều chơi được mà.

Minh Hiền

Thiên Nhâm

Có đam mê thì chơi thôi có gì đâu, đâu nhất thiết là đại gia mới chơi được, làm cái máy bay tự chế cũng được vậy.

Minh Hiền

Công Sĩ

Mới sắm một giàn phụ tùng bộ càng xếp bánh xe xịn từ châu Âu thôi mà đã ngốn 3000 đôla rồi; trời ạ, chắc phải toàn đại gia mới dám đu theo cái môn này.

Minh Hiền

Tuấn Hưng

Chơi mấy cái này tốn tiền lắm, cái gì càng nhỏ thì lại càng mắc. Cơ mà có trò này thì giải tỏa niềm đam mê của anh em thích thú với tốc độ.

Minh Hiền

Quốc Khánh

Đang muốn chơi mà đọc bài này thấy gay rồi đó, đập 3-4 chiếc là chuyện bình thường hả? Mình muốn 1 con để chơi còn không có.