Choáng kho đồ cổ vô giá của đại gia Ninh Bình

Google News

(Kiến Thức) - Hơn 40 năm sưu tầm đồ cổ, ông Đinh Văn Dần (phố Vạn Thịnh, phường Bích Đào, TP Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình) sở hữu hàng trăm đồ vật quý giá. 

Hơn 40 năm sưu tầm đồ cổ, ông Đinh Văn Dần (phố Vạn Thịnh, phường Bích Đào, TP Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình) sở hữu hàng trăm đồ vật quý giá. Ông bảo, nếu ông chỉ bán một phần cổ vật sẽ trở thành tỷ phú. Nhưng ông không làm điều đó, ông sưu tầm đồ cổ  với mong muốn sẽ lưu giữ những giá trị của thời gian.
Gia đình cổ vật
Ông Dần cho biết, gia đình ông vốn có truyền thống làm nghề chụp ảnh lâu đời. Gia đình tôi quê gốc ở xã Trường Yên, huyện Hoa Lư về vùng đất này sinh sống nhờ nghề nhiếp ảnh. Ngày đó, bố tôi mê đồ cổ lắm. Nhiều hôm chụp ảnh được đồng nào bố dành cả vào mua đồ cổ. Cụ chơi để thỏa ý thích, giữ lại trong nhà để làm kỷ niệm. Gặp bạn tâm giao, ông sẵn sàng tặng chứ không bán. Bố tôi đã truyền thú chơi đó cho tôi và mọi người trong nhà. Những năm trước, tôi vừa sưu tầm cổ vật, vừa làm nghề chụp ảnh, nhưng thời gian gần đây, thời đại máy ảnh kỹ thuật số lên ngôi. Vì thế, tôi không làm nghề chụp ảnh nữa mà tập trung chơi đồ cổ", ông Dần kể.
Ông Dần cho biết, đồ cổ rất đa dạng về chất liệu như: Đồng, gỗ, sành, sứ... mỗi cái có giá trị nhất định. Ông không quan trọng nó là chất liệu gì, mà điều ông quan tâm là nó mang giá trị thẩm mỹ cao, có giá trị về mặt lịch sử. Do đó, đi đâu thấy đồ vật nào đẹp ông cũng muốn sở hữu. 
Trong kho đồ cổ của ông Dần có hàng trăm món đồ quý giá, ông bảo nhiều món đồ được xếp vào danh sách là bảo vật quốc gia. 
Choang kho do co vo gia cua dai gia Ninh Binh
Ông Dần cho biết, chiếc ấm gốm sứ này được làm từ thời Lý, mang tính thẩm mỹ cao. 
Cắm sổ đỏ để mua đồ cổ
"Hơn 40 năm qua, tôi vẫn rong ruổi trên xe máy về nhiều nơi để sưu tầm đồ cổ. Tôi đến nhiều nhất là các tỉnh Hòa Bình, Thanh Hóa, Tuyên Quang. Đây là nôi của đồ cổ đất Việt. Vì thế, ở các vùng đất này còn rất nhiều đồ quý", ông Dần cho biết.
Ông Dần bảo, có chuyến đi ông mang theo gạo, thức ăn vào sinh sống cùng dân bản. Nhiều gia đình nơi đây rất quý trọng ông. Ông đến là giết gà, mổ lợn thiết đãi. Khi ai đó trong vùng đào được món đồ quý, cũng gọi để nhượng lại cho ông.
Ông Dần kể: "Năm ngoái, người dân một xã huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa đào được một chiếc ấm bằng gốm sứ. Tuy nhiên,  do sơ ý họ làm vỡ chiếc nắp bình. Nhiều người định vứt đi, nhưng khi biết thông tin tôi đã về mua lại của họ. Về rửa sạch, lau chùi tôi mới biết đó là chiếc ấm rất quý. Chiếc ấm này cao 45cm, rộng 60cm. Hoa văn chiếc ấm được phân ra thành nhiều tầng. Tầng đầu là những hoa văn vẽ bằng hoa, tầng thứ hai là những chiến binh cầm giáo, khiên chiến đấu, tầng cuối là người dân lao động sản xuất. Từ những dữ liệu đó nhiều người đánh giá chiếc ấm này có từ thời nhà Lý cách đây hàng nghìn năm".
Ông Dần cho biết, "Quý vật tìm quý nhân" đồ vật quý cũng chọn những người biết quý trọng nó. Có một đồ vật mà ông Dần cho rằng, chỉ may mắn ông mới được sở hữu nó.
Choang kho do co vo gia cua dai gia Ninh Binh-Hinh-2
Chiếc ấm men ngọc được cho là có từ hàng nghìn năm trước và là vật dụng của vua chúa. 
"Mấy năm  trước, trong một lần tôi lên huyện Kim Bôi, Hòa Bình sưu tầm đồ cổ. Có một gia đình đào trên đồi được 1 chiếc bình, trên bình có chữ Nho. Ban đồi tôi gặng hỏi mua, nhưng gia chủ cương quyết không bán mà để làm kỷ niệm. Nhưng thời gian sau, họ báo muốn bán chiếc bình lấy tiền cho người thân đi chữa bệnh. Quá vui mừng, tôi phi xe máy một mạch lên tận nơi mua. Tôi gặp may mới mua được chiếc bình đó, vì chiếc bình đó rất quý hiếm nó có từ thời đại Minh - trên chiếc bình còn ghi chữ Nho với chữ  niên hiệu vua Tuyên Đức", ông Dần kể.
Ông Dần cho hay, tính ông đã mê cái gì thì không tài nào dứt ra được. Xưa nay, những đồ vật ông đã thích thì dù giá nào ông cũng muốn sở hữu bằng được. Cách đây mấy năm về trước trên ngã ba Mãn Đức (thị trấn Mường Khến, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình) người dân đào được chiếc chum cổ. Ông Dần lên tận nơi nhìn ngắm và rất thích chiếc chum đó. Nhưng khổ nỗi khi đó ông không có tiền để mua. Ông về nhà, xoay sở vay mượn bạn bè, người thân không được. Sau đó, ông quyết định mang sổ đỏ ra ngân hàng cắm để mua chiếc chum cổ đó. 
Choang kho do co vo gia cua dai gia Ninh Binh-Hinh-3
Đã có người buôn đồ cổ ngã giá chiếc bình này bạc tỷ, nhưng ông Dần quyết không bán. 
"Nếu tôi bán đồ cổ sẽ là tỷ phú"
Ông Dần cho biết: "Hiện ông sở hữu nhiều cổ vật có niên đại hàng nghìn năm. Nó mang giá trị thẩm mỹ và lịch sử cao. Những thứ đó là vô giá, bao nhiêu tiền tôi cũng không bán. Nếu tôi bán đồ cổ chắc sẽ là tỷ phú".
Những cổ vật ông Dần sở hữu như chiếc ấm gốm sứ Hoa Đâu thời Lý, hay chiếc bình thời đại Minh ngày đó ông mua với giá rất rẻ, cái nào nhiều lắm cũng chục triệu đồng là cùng. Thực sự khi đó, ông cũng không biết nó quý giá đến mức nào, yêu thích đồ cổ, thấy người dân đào được thì ông mua lại. Nhưng ông không ngờ, hiện nay những đồ vật đó có giá trị cao đến như vậy. 
"Vừa rồi, có nhóm buôn đồ cổ đến nhà xem các đồ vật của tôi. Xem xét một hồi rồi họ ngả giá chiếc bình gốm sứ Hoa Đâu giá hơn một tỷ đồng. Nhưng tôi không bán. Tôi đòi họ trả chục tỷ đồng mới bán. Thực ra tôi biết nó không đến mức giá như thế. Nhưng tôi không muốn bán nên đòi giá cao để họ không mua được", ông Dần cho hay.
Choang kho do co vo gia cua dai gia Ninh Binh-Hinh-4
Ông Dân luôn mong muốn, xây dựng ngôi nhà để trưng bày cổ vật. 
Ông Dần bảo, xưa nay ông sưu tầm về để ngắm nhìn chứ ít khi bán. Ông muốn lưu giữ tinh hoa của đất nước, tinh hoa của nhân loại. Đặc biệt, những đồ vật được ông xem là báu vật thì dù khách buôn ngã giá nghìn tỷ ông cũng không bán. Ông muốn để những cổ vật đó cho con cháu mai sau.
Khi chúng tôi hỏi, qua bao nhiêu năm chơi đồ cổ, đã khi nào ông bị người khác lừa không? Ông Dần nói lừa ông khó lắm. "Hơn 40 năm chơi cổ vật, đồ đắt tiền, rẻ tiền tôi đều có. Cổ vật thời nào tôi cũng sở hữu vài món đồ quý. Nhưng tôi chưa bao giờ bị người khác lừa. Trong giới đồ cổ, anh em rất quý tôi bởi sự chân thành, ngay thẳng. Tôi sống thật thà nên cũng không ai lừa tôi. Chơi đồ cổ thì không thể ai dạy cho mình được, mỗi người chơi phải tự mày mò, nghiên cứu cho mình kinh nghiệm để chơi. Để có kiến thức về đồ cổ như ngày hôm nay, tự tôi phải học. Đồ cổ có giá trị cao hay thấp phụ thuộc vào hoa văn, hình dáng, kích thước và chất liệu của đồ vật. Đặc biệt, nếu một đồ vật có giá trị cao phải có tính mỹ thuật lớn và nó phải gắn liền với một thời đại văn hóa nào đó của dân tộc, mang giá trị lịch sử lớn lao", ông Dần cho biết.
Ông Đinh Văn Dần cho biết: Tuy tuổi ông cao, nhưng ông vẫn thường xuyên đến nhiều nơi để sưu tầm đồ cổ. Hiện ông có trong tay hàng trăm món đồ cổ quý giá. Trong tương lai không xa, ông dự định sẽ xây dựng một ngôi nhà để trưng bày những món đồ ông đã dày công tìm kiếm.
Đức Lợi

Bình luận(0)