Tôi đã gặp một Dr Thanh rất khác!

Google News

(Kiến Thức) - Nếu thông điệp của bài hát đúng là như vậy, thì quả thật, tôi thực sự bất ngờ, bởi đã bắt gặp một ông Dr.Thanh hoàn toàn khác. Một Dr. Thanh rất tình, suy tư và lãng tử.

Một buổi chiều, tan giờ làm, tôi ghé qua chỗ anh bạn làm đồ họa, thiết kế tán gẫu. Vừa mở cửa, tôi thấy trong căn phòng ấm cúng vang ra giọng hát khàn đục, với giai điệu khá đẹp, được đệm bằng những nhịp guitar mộc luyến láy, phách nhịp khá ổn.
Đó là một giọng nam hơi vỡ, khá mỏng, khi lên cao bị đuối, khàn khàn. Nhưng, ẩn chứa trong từng câu chữ, lại thấy sự già dặn, từng trải. Và mỗi ca từ được cất lên, như là một sự gửi gắm, hoài niệm, trải lòng đầy tâm trạng.
Đang định cất tiếng hỏi xem chủ nhân của giọng hát đó là ai, thì anh bạn nhìn ra cười cười, vẫy tay vào ngồi cạnh, với hàm ý: "Nghe thử xem". Tôi lim dim mắt, cố thẩm từng ca từ, nhịp điệu của bài hát. Chất giọng miền Nam, nghe là lạ.
Bài hát này cũng vậy, hình như tôi chưa từng nghe, và cũng không biết nên xếp nó vào thể loại nhạc gì?!? Cuối buổi chiều mênh mang, tôi chỉ có cảm giác bài hát làm lòng mình lắng lại đôi chút, và trong đầu, thấp thoáng hiện lên hình ảnh người cha ở quê chắc giờ đang đi tập thể dục buổi chiều.
Toi da gap mot Dr Thanh rat khac!
 
- “Của ông Trần Quý Thanh đấy! Nghe ổn không?”- anh bạn cắt ngang mạch suy tư của tôi. “Trần Quý Thanh nào? Tên nghe quen quen mà là lạ” - Tôi hỏi lại anh bạn. “Thì ông Dr.Thanh ấy. Thấy thế nào?”.
Tôi hơi sững sờ một chút. Quả là tôi không có mấy thiện cảm với ông Dr.Thanh này ngoài đời thật. Đấy là cảm giác thôi. Khi ít có dịp tiếp xúc, người ta vẫn tự cho mình cái cảm giác được yêu, ghét ai đó. Nhưng khi thưởng thức nghệ thuật mà áp cái cảm giác ấy vào thì không được “đàng hoàng” lắm. Tôi nghĩ vậy.
Sau khi ngẫm nghĩ một lát, tôi trả lời anh bạn: “Nếu bài vừa rồi do chính ông Thanh thể hiện thì tôi nghĩ cũng ổn. Một doanh nhân, kẻ “tay mơ” về âm nhạc mà suy tư và hát được như vậy là “đủ dùng” rồi”.
Tôi chỉ muốn dùng từ “đủ dùng”, theo cái nghĩa, bài hát đó “nghe được” cả về nội dung, kết cấu, ca từ, nhịp điệu lẫn giọng ca của tác giả.
Đủ dùng nghĩa là người ta có thể hát trước đám đông, trước người thân, bè bạn. Người nghe ở đó chỉ thả hồn theo cảm xúc chứ không nghênh tai lên để xem nốt cao, nốt thấp, lúc lên, lúc xuống thế nào.
Bài hát "Ngọn lửa của cha" - Trần Quý Thanh.
Anh bạn cho tôi xem trang cá nhân của ông Thanh, có nói về hoàn cảnh ra đời và đầy đủ phần lời của bài hát Ngọn lửa khát vọng của cha. Tác giả cho biết, ông sáng tác khi nhớ về cha mình. Nhưng không hiểu sao, khi nghe tôi lại thấy ở đó là sự giãi bày cảm xúc bản thân nhiều hơn.
Trong bài hát mặc dù có nhiều đoạn nói về nỗi nhớ cha, về lời cha dặn, nhưng, tôi nghe và thấy điều tác giả gửi gắm lớn hơn nhiều. Đó vừa như sự đúc kết cảm xúc của bản thân qua một chặng dài những chông gai xen lẫn lung linh hào quang, ánh sáng. Vừa là lời nhắn nhủ với bản thân và đứa con thân yêu của mình.
Và bài hát cất lên, hình ảnh người cha trong đó đóng vai trò là chỗ dựa, là liều thuốc tinh thần để tác giả vượt lên chính mình, vượt qua khó khăn trước mắt. Ông muốn truyền lại cho thế hệ nối tiếp điều đó.
Nếu thông điệp của bài hát đúng là như vậy, thì quả thật, tôi thực sự bất ngờ, bởi đã bắt gặp một ông Dr.Thanh hoàn toàn khác. Một Dr. Thanh rất tình, suy tư và lãng tử.
Tôi bỗng có chút thương ông, bởi, sau những giây phút rạng rỡ trước ống kính máy quay, ông cũng có những góc rất riêng, đầy tâm trạng. Nếu không có bài hát này, thì mấy ai biết được những nỗi niềm sâu kín ấy?
Theo doisongvietnam

>> xem thêm

Bình luận(0)