TGĐ Nhật cúi chào khách vào đổ xăng: Điều người Việt cần nhớ lúc này

Google News

(Kiến Thức) - Từ hành động của ông TGĐ người Nhật cúi chào khách vào đổ xăng, ngẫm lại các doanh nghiệp xăng dầu Việt Nam đã đến lúc phải nhớ lại "Lời chào cao hơn mâm cỗ".

Mới đây, Công ty Idemitsu Q8 (Nhật Bản) đưa trạm bán lẻ xăng dầu vào hoạt động tại KCN Thăng Long (Hà Nội) – trạm xăng 100% vốn nước ngoài đầu tiên hoạt động tại Việt Nam.
Với việc tuyên bố đo lường chính xác đến 0,01 lít, giá xăng rẻ hơn 200đ/lít so với cây xăng nội địa, có thể thanh toán bằng thẻ và TGĐ Công ty Idemitsu Q8– ông Hiroaki Honjo đội mưa hàng tiếng đồng hồ, cúi đầu chào khách hàng vào đổ xăng, nhân viên của trạm xăng này cũng có hành động tương tự đã mang lại những điều mới mẻ.
Hầu hết khách hàng đều quan tâm đến chất lượng, giá cả. Tuy nhiên, khách hàng đã có những giây phút thực sự trở thành “thượng đế” trước sự cúi đầu chào hỏi đó.
TGD Nhat cui chao khach vao do xang: Dieu nguoi Viet can nho luc nay
Tôn trọng khách hàng bằng văn hóa ứng xử cũng là một cách chinh phục khách hàng hiệu quả bên cạnh 3 yếu tố số lượng, chất lượng, giá cả. Bởi khi đó, khách hàng có cảm giác họ sự thực là “thượng đế”. Ảnh Tuổi trẻ. 
Ai cũng biết, hành động cúi đầu là cách mà người Nhật Bản chào hỏi, đây cũng một trong những nét văn hóa truyền thống tại Nhật Bản.
Thực tế trên thế giới, với sự đa dạng của các nền văn hóa, hành động thể hiện sự chào hỏi cũng khác nhau như tại Trung Quốc, họ chỉ gật đầu và mỉm cười, tại Rio de Janeiro (Brazil), họ quy ước lời chào tương đương với ba nụ hôn lên má còn tại một số nơi ở châu Mỹ Latin, châu Âu và Trung Đông, hôn gió là cách chào phổ biến…
Ở Việt Nam ta, lời chào bằng ngôn ngữ chính là nét văn hóa truyền thống, ông cha để lại với câu tục ngữ khắc in trong tâm trí bao thế hệ: “Lời chào cao hơn mâm cỗ”.
Tuy nhiên, không phải ai cũng biết, từ lâu người Nhật Bản đã biết cách mang văn hóa truyền thống để phục vụ cho các hoạt động kinh doanh tạo nên văn hóa doanh nghiệp giúp họ đạt được nhiều thành công trong lĩnh vực kinh doanh.
Người Nhật cúi mình gập người chào khách hàng không phải họ thể hiện sự yếu đuối mà thể hiện sự trân trọng người khác và như một lời cam kết với những gì họ đã nói và sẽ thực hiện đúng như vậy. Tôn trọng khách hàng bằng văn hóa ứng xử cũng là một cách chinh phục khách hàng hiệu quả bên cạnh 3 yếu tố số lượng, chất lượng, giá cả.
Công ty Idemitsu Q8 được quyền kinh doanh xăng dầu tại thị trường Việt Nam do những điều khoản kèm theo khi doanh nghiệp này tham gia dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn và trở thành doanh nghiệp nước ngoài lập hệ thống bán lẻ xăng dầu.
Đến thời điểm trạm xăng dầu 100% vốn nước ngoài đầu tiên này hoạt động tại Việt Nam, giá xăng dầu tại thị trường Việt Nam vẫn do nhà nước quy định nên sẽ không có cuộc cạnh tranh về giá giữa trạm xăng này với hàng nghìn trạm xăng nội địa thuộc Petrolimex hay PVOil…
Tuy nhiên, với những lời cam kết đo lường chính xác, cùng những ứng xử văn hóa như hành động cúi chào khách hàng, lịch sự giao tiếp, lãnh đạo Công ty Idemitsu Q8 cho khách hàng thấy một sự chính xác, tôn trọng và sự biết ơn. Sự chinh phục ấy thời gian vừa qua đã được minh chứng khi những hình ảnh TGĐ Idemitsu Q8 cúi gập người chào khách vào đổ xăng được đăng tải lên mạng xã hội, đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo người dân Việt Nam.
Người tiêu dùng Việt Nam đã quá nhàm chán trước những thông tin liên quan tình trạng gian lận đo lường xăng dầu, nhân viên trạm xăng đối xử bất nhã, thậm chí pha chế xăng kém chất lượng tung ra thị trường như vụ việc Công an tỉnh Nghệ An vừa triệt phá vừa qua với khối lượng xăng dầu pha chế kém chất lượng lên đến 2 triệu lít…
Nay trước lời cam kết đo lường chính xác, trước cái gập mình cúi chào, trước sự chuyên nghiệp của các nhân viên cây xăng Idemitsu Q8, người tiêu dùng sẽ dễ bị thuyết phục. Và từ đó, biết đâu chỉ nay mai đây thôi, từ một trạm xăng, doanh nghiệp Nhật Bản này sẽ tạo nên một hệ thống trên cả nước. Một “đối thủ” đáng gờm của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trong nước.
Đã đến lúc, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trong nước cần đẩy mạnh hơn nữa những giải pháp nâng cao, bảo đảm chất lượng xăng dầu, xóa sổ triệt để tình trạng gian lận trong đo lường xăng dầu, nâng cao chất lượng nhân viên trong ứng xử văn hóa từ những hành động tưởng chừng như bình thường nhất mà ông cha ta đã truyền lại “Lời chào cao hơn mâm cỗ”.
Qua hành động cúi chào của doanh nghiệp Nhật Bản trong lĩnh vực xăng dầu trên, chắc hẳn nhiều doanh nghiệp Việt Nam ở nhiều lĩnh vực sẽ nhìn nhận lại, quan tâm hơn nữa đến cách ứng xử văn hóa với khách hàng, đối tác, có những hành động tri ân khách hàng đúng nghĩa, nâng cao chất lượng phục vụ bên cạnh những tiêu chí khác trong hoạt động kinh doanh thay vì chỉ nâng cao các khẩu hiệu.
Từ hành động cúi chào của người Nhật, nhiều doanh nghiệp Việt Nam sẽ nghĩ gì và hành động gì để đến đích của sự thành công?
Hải Ninh

>> xem thêm

Bình luận(0)