“Mồng Năm Tết trận thắng to“

Google News

(Kiến Thức) - Mồng Năm Tết của 228 năm về trước, Vua Quang Trung cùng đại quân tiến vào thành Thăng Long, kết thúc cuộc kháng chiến hiển hách chống quân xâm lược nhà Thanh.

Thế hệ chúng tôi biết đến Vua Quang Trung và trận đánh lịch sử Ngọc Hồi - Đống Đa không phải qua những bài học lịch sử khô khan mà chính từ bài thơ của nữ sĩ Hằng Phương trong chương trình cấp 1 (bậc tiểu học bây giờ). Tôi xin chép lại nguyên văn:
GÒ ĐỐNG ĐA
Đống Đa xưa bãi chiến trường
Ngổn ngang giặc chết vùi xương thành gò
Mùng Năm Tết trận thắng to
Gió reo còn vẳng tiếng hò ba quân
Mùng Năm giỗ trận tưng bừng
Nhớ ngày chiến thắng vang lừng núi sông
Nước còn đang chống ngoại xâm
Quang Trung sống mãi trong lòng chúng ta!
Hai câu thơ "Mùng Năm Tết trận thắng to/Gió reo còn vẳng tiếng hò ba quân" như một lời ca bất hủ, theo suốt cuộc đời tôi. Bài học lịch sử về Vua Quang Trung, về trận thắng Ngọc Hồi - Đống Đa bắt đầu từ những câu thơ giản dị như thế. Tôi nghĩ, đó có lẽ là cách dạy sử cha ông hiệu quả nhất.
Vậy mà không hiểu sao, chương trình Tiểu học 2000 (áp dụng từ 2001 đến nay) lại loại bỏ bài thơ này. Còn chương trình trước đó dù vẫn đưa vào sách giáo khoa nhưng lại bị cắt xén, sửa chữa:
Đống Đa xưa bãi chiến trường
Ngổn ngang xác giặc vùi xương thành gò
Mùng 5 tết trận thắng to
Gió reo còn vẳng tiếng hò ba quân
Noi gương chiến đấu anh hùng
Quang Trung sống mãi trong lòng chúng ta
(Gò Đống Đa, Hằng Phương, in trong sách giáo khoa Tập đọc lớp 2, quyển 2 trang 47, năm 2000)
Đấy là nói chuyện sách vở giáo khoa, mong các nhà làm chương trình, làm sách lưu tâm chuyện "nhỏ như con thỏ" này trong cách dạy học sinh tiếp cận lịch sử nước nhà - một vấn đề mà dư luận xã hội đang hết sức quan tâm hiện nay.
“Mong Nam Tet tran thang to“
Hội gò Đống Đa ngày Mùng 5 Tết Đinh Dậu, 2017. Ảnh: Zing.vn
Trở lại trận đánh Ngọc Hồi - Đống Đa, một trong những trang sử vẻ vang của dân tộc.
Lịch sử chống ngoại xâm của cha ông ta đã từng chứng kiến những số phận thảm hại của kẻ xâm lược. Thời Trần chống quân Nguyên, đại tướng giặc là Thoát Hoa phải chui vào trong ống đồng cho quân lính khiêng để chạy trốn về nước. Thời Lê chống quân Minh, đô đốc Thôi Tụ phải "lê gối dâng tờ tạ tội", thượng thư Hoàng Phúc "trói tay để tự xin hàng", bao tướng giặc khác "bị cầm tù như hổ đói vẫy đuôi xin cứu mạng".(*)
(* Lấy ý trong Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi, bản dịch)
Và trong trận Ngọc Hồi - Đống Đa lừng lẫy, tướng giặc là Sầm Nghi Đống phải treo cổ tự tử.
Âu cũng là cái kết đáng đời cho những kẻ lang sói, luôn say mộng xâm lăng nước người.
Cùng với các bậc tiền nhân, Quang Trung Nguyễn Huệ đã viết tiếp trang sử chói ngời, lưu danh muôn đời cho con cháu.
Ngày giỗ trận năm nay, cũng là năm Dậu, ngỡ như còn nghe văng vẳng:
Rung trời tiếng trống trận, dậy đất tiếng reo hò
Của đại quân Quang Trung
Tiến vào Thăng Long chiều mùng Năm Tết
“Đánh cho chúng phiến giáp bất hoàn
Để chúng biết nước Nam anh hùng là có chủ”**
(** Lời Vua Quang Trung hạ dụ xuất quân lên đường ra Bắc tiêu diệt quân xâm lược)
Số phận đặt đất nước mình ở vị thế địa chính trị đặc biệt. Bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của tổ quốc luôn là nhiệm vụ hàng đầu của mọi thế hệ. Lịch sử luôn nhắc nhở chúng ta điều đó.
Viết ngày Mồng 5 Tết Đinh Dậu
Nguyễn Duy Xuân

>> xem thêm

Bình luận(0)