Dùng tiền lẻ qua trạm thu phí BOT: Đừng truy cứu dân!

Google News

(Kiến Thức) - Thay vì truy cứu trách nhiệm của người dân, hãy truy trách nhiệm của người quản lý nhà nước để tồn tại nhiều vấn đề về BOT gây bức xúc trong dư luận…

Những ngày qua, từ vụ việc các tài xế dùng tiền lẻ qua trạm BOT Cai Lậy (Tiền Giang), trạm thu phí QL5 (Hưng Yên), Trạm thu phí tuyến tránh Biên Hòa… đến việc Thanh tra Chính phủ công bố thông báo kết luận thanh tra tại hàng loạt dự án BOT tại Hà Nội, TP HCM và Bộ GTVT đã thu hút nhiều ý kiến trái chiều của dư luận, từ người dân đến các chuyên gia GTVT và nhà chức trách.
Những ý kiến đó đã thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý kiểm soát năng lực tài chính, vấn đề đầu tư, thu phí BOT, cũng như góp phần đưa ra những giải pháp để giải quyết những mặt trái của BOT.
Để có thêm góc nhìn về những vấn đề xung quanh các dự án BOT giao thông, PV Kiến Thức đã có cuộc trao đổi với Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội – ông Bùi Danh Liên với hi vọng góp thêm ý kiến để dư luận có cái nhìn toàn diện về công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng và quản lý thu phí BOT.
Dung tien le qua tram thu phi BOT: Dung truy cuu dan!
Nhiều lái xe dùng tiền lẻ trả phí qua trạm thu phí QL 5. 
Những bất cập làm méo mó chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước
- Tại buổi Tọa đàm khoa học các dự án BOT - Chính sách và giải pháp được tổ chức vừa qua, ông cho rằng, việc đầu tư BOT là “rất tốt” đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, quá trình thực hiện đã tạo ra những bất cập làm méo mó chủ trương của Đảng và Nhà nước, ông có thể nói rõ hơn ý kiến này không?
Ông Bùi Danh Liên: Việc xây dựng các dự án BOT trên các tuyến quốc lộ nằm trong phương án của Bộ GTVT để đầu tư xây mới, nâng cấp đường quốc lộ, cao tốc. Tất nhiên, các trạm BOT không phải tự nhiên mọc lên mà là có phương án tài chính để hoàn vốn cho doanh nghiệp đầu tư. Việc đó đúng quy trình.
Tôi vẫn cho rằng, BOT là rất tốt đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, quá trình thực hiện đã tạo ra những bất cập làm méo mó chủ trương của Đảng và Nhà nước.
Trên thực tế, cần phải cân nhắc khi quy hoạch xây dựng các dự án BOT, nhất là trong lúc kinh tế khó khăn, thu nhập người dân còn thấp, các doanh nghiệp làm ăn cũng gặp nhiều khó khăn. Việc đầu tư ồ ạt, nâng cấp cơ sở hạ tầng cùng một lúc, một thời điểm mọc lên nhiều trạm BOT sẽ ảnh hưởng đến giá thành vận tải, chi phí vận tải tăng lên, làm cho đời sống người dân gặp nhiều khó khăn.
"Phát biểu của một vị đại biểu Quốc hội mới đây khi cho rằng BOT không tác động đến người nghèo là không thỏa đáng. BOT miễn phí cho người đi xe máy nhưng thực tế cao tốc cấm xe máy… Mà đi xe máy thì cũng chỉ đi gần thôi, đi xa người ta phải đi ô tô khách chứ. Tác động của BOT đến toàn xã hội, làm giá cả hàng hóa tăng lên.
Câu nói BOT không ảnh hưởng đến người nghèo cũng tương tự bản chất như câu nói của lãnh đạo Bộ Tài chính khi cho rằng việc thuế giá trị gia tăng không ảnh hưởng đến người nghèo" - Ông Bùi Danh Liên.
Có thể thấy, thời gian vừa qua, việc đầu tư BOT ồ ạt dẫn đến kiểm soát khó khăn. Ngay như kiểm soát suất đầu tư không kiểm soát được, vì thế, khi kiểm toán mức đầu tư không đến mức như vậy. Nên người ta mới đề nghị phải rút thời gian thu phí.
Bên cạnh đó, mức phí hiện nay cao, không phù hợp với đời sống người dân.
Thực tế đã chứng minh có nhiều bất cập trong các dự án BOT như bất cập về đầu tư, đường không xây mới mà sửa sang lại cũng thu phí. Ví dụ, đường Pháp Vân – Cầu Giẽ chỉ tân trang xong thu phí 4 làn đường là không đúng. Bắt dân phải nộp tiền phí bằng tiền cao tốc hoàn thiện là không đúng.
Bất cập nữa là việc đặt trạm thu phí cũng không phù hợp, xe không đi qua mà cũng thu phí. Đáng buồn việc này lại diễn ra nhiều rồi.
Ví như ở Xuân Mai – Hòa Bình, cầu Bến Thủy, Quảng Ngãi… Trong đó, nổi bật lên BOT Cai Lậy có đường tránh 12 km mà thu phí ở QL1 cao hơn để bù đắp vào 12km dù người dân không đi qua đường tránh vẫn phải nộp phí.
Phía chủ đầu tư khi đề xuất xin đặt vị trí trạm thu phí, họ đã tính toán để thu được nhiều phí nhất. Trách nhiệm trong việc cho phép điểm đặt trạm thu phí BOT thuộc cơ quan quản lý nhà nước gồm Bộ GTVT, chính quyền địa phương.
Một ví dụ đang nóng dư luận mấy ngày qua, tại QL5, người ta lý giải thu phí QL 5 để nâng cấp QL5 cũ nhưng lại trái với Nghị định của Chính phủ về sử dụng phí bảo trì đường bộ. Trong nghị định đó, phí bảo trì để nâng cấp sửa chữa đường bộ, nếu thiếu thì ngân sách bù vào hoặc khai thác từ các nguồn khác.
Tuy nhiên, về kinh tế phải rõ ràng khoản nào ra khoản ấy. Thu phí đường 5 để nâng cấp đường 5, tôi cho là đúng nhưng thu phí đường 5 để hỗ trợ đầu tư đường cao tốc Hà Nộ – Hải Phòng, làm như thế là không bài bản, không minh bạch. Dân người ta phản ứng là có lý do của họ.
Dung tien le qua tram thu phi BOT: Dung truy cuu dan!-Hinh-2
 Ông Bùi Danh Liên.  Ảnh: Tuấn Nam.
- Có doanh nghiệp vận tải từng nêu ý kiến, nếu mức phí BOT đường bộ cao, họ sẽ bỏ đường bộ, đi bằng đường sắt, đường thủy. Ông nghĩ sao về điều này?
Ông Bùi Danh Liên: Phí BOT hiện nay do Bộ Tài chính phê duyệt trên cơ sở báo cáo của Tổng cục đường bộ Việt Nam đề xuất. Bộ Tài chính nghiên cứu đề xuất đó để đưa ra mức phí.
Tuy nhiên, trách nhiệm chính vẫn thuộc Bộ GTVT. Mức phí năm thứ nhất nhưng đến năm thứ 2 lại nâng lên, năm thứ 3 lại hạ xuống nhưng vẫn rất cao so với sức chịu đựng của doanh nghiệp. Một container từ Bắc vào Nam trước là 9 triệu đồng/container nâng lên 13 triệu đồng/container, doanh nghiệp họ bỏ đường bộ, đi bằng đường thủy, đường sắt.
Đừng truy cứu trách nhiệm người dân
- Những bất cập của các dự án BOT đã được Thanh tra Chính phủ chỉ rõ, tuy nhiên, việc tháo gỡ những bất cập đó đến nay các cơ quan chức năng chưa thực sự quyết tâm dẫn đến bức xúc người dân kéo dài, quan điểm của ông thế nào về vấn đề này?
Ông Bùi Danh Liên: Vấn đề là xử lý của Bộ GTVT, các chuyên gia, tổ chức xã hội, người dân nhưng việc khắc phục những tồn tại của các dự án BOT từ các cơ quan chức năng rất chậm nên người dân bức xúc mới đẻ ra hệ quả tiền lẻ từ Hà Tĩnh, Cai Lậy, QL 5, Biên Hòa… tạo thành cao trào phản ứng với phí BOT.
>>> Mời độc giả xem video Không đi vẫn phải trả tiền: Vô lý như… BOT - Nguồn VTC:
- Việc người dân đưa tiền lẻ trả phí qua trạm thu phí, trạm BOT có phải là sự phản ứng cho những bức xúc kéo dài khi những bất cập của BOT chưa được giải quyết triệt để?
Ông Bùi Danh Liên: Rõ ràng về luật, việc các lái xe dùng tiền lẻ để trả phí qua trạm thu phí, trạm BOT là không sai. Đồng tiền nào cũng vẫn có thể sử dụng. Do đồng tiền trượt giá nên người ta sử dụng tiền lẻ. Suốt hai năm qua, người dân đã có ý kiến, Bộ GTVT không khắc phục mà cứ nói làm đúng quy trình, không tiếp thu khắc phục, đến lúc tức nước vỡ bờ, người dân phản ứng với thái độ đó của Bộ GTVT.
Thực sự, các lái xe, doanh nghiệp vận tải và người dân – họ cũng không muốn gây việc cản trở giao thông. Tuy nhiên, người dân họ có quyền đưa ra những phản ứng trước những bức xúc. Việc dùng tiền lẻ trả phí là biện pháp không phạm luật nên lái xe họ áp dụng.
Tôi cho rằng không phải truy cứu trách nhiệm của người dân mà hãy truy trách nhiệm của người quản lý nhà nước để tình trạng ấy kéo dài mà không chịu khắc phục.
Nếu dân có kiến nghị, thì phải xem xét, nếu sai phải có biện pháp khắc phục. Cứ nói là làm đúng trong khi thực tế không phải vậy thì dân họ phản ứng.
Hợp đồng kinh tế mà lại bí mật, ngược với quy định của Bộ Chính trị về phản biện xã hội:
Tại buổi Tọa đàm khoa học các dự án BOT - Chính sách và giải pháp, ông Bùi Danh Liên đã đưa ra một hợp đồng BOT giữa Thứ trưởng Bộ GTVT với các nhà đầu tư ký năm 2014:
“Điều 76.6 về Bảo mật nghĩa vụ chung của các bên tham gia hợp đồng là “không tiết lộ thông tin khi đã tiếp nhận cho bất kỳ cá nhân hoặc tổ chức nào, ngoại trừ nhân viên hoặc cố vấn của bên đó hoặc Bộ GTVT, bên cho vay trong phạm vi mà cá nhân hoặc tổ chức đó cần thiết hoặc yêu cầu được biết các thông tin đó để thực hiện trách nhiệm của mình”. Theo hợp đồng này, các thông tin bảo mật “là những thông tin về pháp lý, tài chính, thương mại, kỹ thuật, công nghệ, bí quyết và các thông tin khác trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan tới nội dung của hợp đồng và dự án nêu trong hợp đồng”.
“Tôi nhận thấy, điều này trái với quy định của Nhà nước. Đã là hợp đồng kinh tế mà lại bí mật thì ngược với Quyết định 217, 218 (ngày 12/12/2013) của Bộ Chính trị về phản biện xã hội. Không cho ai biết thì làm thế nào người ta giám sát được? Tôi cho rằng, đây là nguồn gốc của những bất cập”, ông Bùi Danh Liên nêu ý kiến.

Hải Ninh

>> xem thêm

Bình luận(0)