Blogger kỳ cựu “mượn” Bà Tưng để bênh vực Huyền Chip?

Google News

(Kiến Thức) - "Tôi thấy dường như em không hề giống với các nhân vật "ngắn não" mà tôi và cộng đồng ra sức anti trước đó...", một blogger nhận xét về Huyền Chip.

Mới đây, một thành viên kỳ cựu của một diễn đàn game4... đã đăng một bài viết nêu ra rất nhiều quan điểm, đánh giá về phía Huyền Chip, về dư luận trong vụ lùm xùm này. Bài viết với phần nổi bật “Đâu là sự thật...” thu hút rất nhiều sự quan tâm, bình luận của cư dân mạng và được lan truyền khắp các trang mạng giải trí, diễn đàn lớn nhỏ.
 Huyền Chip dính phải nghi án "chém gió" lừa dối độc giả với cuốn "Xách ba lô len và đi".
Trích đăng một phần bài viết của thành viên Kyck_Valkyr:
“Dạo gần đây, khi phần lớn cộng đồng mạng hùa nhau lao vào gạch đá, tẩy chay Huyền Chip - tác giả trẻ của tựa sách "Xách ba lô lên và đi". Như thường lệ, tôi sẽ thức trắng hằng đêm để dành thời gian vắt óc, cố nghĩ ra tiêu đề cho loạt bài viết ăn theo nhằm câu kéo view, comment hưởng ứng gạch đá từ cộng đồng mạng xã hội, hay các bạn cũng có thể gọi đó là kiểu "thừa nước đục thả câu" thì cũng không sai.

Nhưng với lần này là một nhân vật mang tên Huyền Chip, tôi chợt dừng lại và suy nghĩ kĩ về em, rồi tôi thấy dường như em không hề giống với các nhân vật "ngắn não" mà tôi và cộng đồng ra sức anti trước đó. Bởi tôi nhận thấy, có những điểm sai rõ ràng trong những việc em làm, nhưng cũng có những điểm thực sự đúng trong những lời em nói..
Xin đừng vội so sánh, gán ghép và phán xét...
Mọi việc bắt đầu từ sự nghi vấn của độc giả dành cho Huyền, rằng câu chuyện đi du lịch bụi, trải nghiệm xuyên 25 quốc gia khác nhau với 700$ dằn túi liệu có là sự thực? Khi Huyền nói rằng em vừa đi du lịch vừa tìm kiếm công việc phù hợp ở các quốc gia để có lộ phí tiếp tục cho cuộc hành trình, lúc này độc giả lại đưa ra những phân tích bất hợp lý để phản biện lại lời nói của em, đại loại là chẳng có chỗ làm nào tiếp nhận một người lạ hoắc làm nhân viên mà không phải qua 2-3 tháng thử việc cả, và rồi với những công việc mang tính chất cao hơn thì Huyền cần phải có bằng cấp chứng nhận tại quốc gia đó.
Tới cả khi Huyền Chip chấp nhận trưng quyển hộ chiếu của mình cho những người hoài nghi được dịp kiểm chứng, thì họ vẫn cho điều đó chưa đủ mạnh để chứng thực nghi vấn của họ dành cho em.
Kèm theo sau là vô vàn các lập luận ý kiến từ các Thánh phân tích, tuy không thể nói rằng họ chưa đọc hay không thích cuốn sách của Huyền, nhưng với cái nhìn của riêng tôi thì tất cả đều mang điểm chung là hướng tới sự thật: Những trải nghiệm được viết trong cuốn sách của Huyền có thực sự là thật? Huyền có chuyến đi du lịch trải nghiệm 25 quốc gia thật hay chỉ là sự đánh lừa độc giả nước nhà?
 Chuyến hành trình qua 25 nước của Huyền Chip gây nhiều tranh cãi.
Và rồi thời điểm khi sự thực đang còn trong vòng luẩn quẩn chờ kiểm chứng, một nghi vấn nữa dấy lên rằng Huyền Chip và tựa sách của em đơn thuần chỉ là một sản phẩm PR giống như Bà Tưng hay các nhân vật nổi tiếng bằng tai tiếng từ trước đó. Rồi xuất hiện những người nói Huyền không có nhan sắc nhưng vẫn cố muốn nổi tiếng, muốn được mọi người biết đến qua cuốn sách đầy phong cách chém gió của mình.
Với ý nghĩ từ riêng tôi, tôi thấy nghi vấn, đánh giá về Huyền hay tựa sách em viết là một sản phẩm PR, đó sẽ là một điều xúc phạm lớn nhất mà một độc giả có thể gây ra cho một blogger như em, thậm chí là một nhà văn như tôi. Đơn giản vì từ bao đời nay, thi ca hội hoạ vốn là chỉ những món ăn tinh thần được trí óc con người nhào nặn nên với mục đích duy nhất: Phục vụ mua vui cho chính cộng đồng của họ! Ý niệm cao đẹp của những kẻ chấp nhận là hề này chưa bao giờ là việc hướng tới lợi ích cho bất kỳ cá thể nào, kể cả chính bản thân họ.
 Có điểm nào là sự giống nhau nếu nói cả hai người này đều là sản phẩm với mục đích PR?
Chưa kể khi so sánh một tay viết trẻ đã có sách xuất bản với một nhân vật chỉ biết dùng thân hình phản cảm để phô diễn cho mọi người biết tới, chẳng phải nghe sẽ rất chi nực cười hay sao? Nếu là một người biết cách nhận biết và so sánh sự việc chứ không phải chạy hùa theo phản ứng đám đông một cách mù quáng, bạn hẳn sẽ sớm nhận ra điều này:
- Khi bạn anti Bà Tưng, nhân vật này chấp nhận hết cỡ và hầu như không có lời phản biện hay đáp trả lại những gạch đá của bạn, cho dù những lời đó có nặng nề hay thậm tệ tới đâu. Đơn giản là vì chủ đích của nhân vật Bà Tưng đã nhắm tới từ trước là cô ấy muốn nổi tiếng bằng sự phản cảm, tai tiếng của mình. Suy ra đây là một nhân vật đã có tính toán từ trước với danh tiếng của bản thân, là một sản phẩm PR "sống" không hơn, và sớm muộn cũng phục vụ cho một tổ chức có máu mặt nào đó.
- Khi bạn đặt vấn đề và câu hỏi một cách nghiêm túc với Huyền Chip - tác giả trẻ của tựa sách "Xách ba lô lên và đi". Tác giả không trốn tránh các câu hỏi mà sẽ đối mặt, đáp trả nó bằng câu trả lời của mình. Kể cả có những lúc, các câu trả lời được đưa ra với sự vô lý, thiếu suy nghĩ hay ngây thơ của tuổi trẻ thì đây cũng là hành động đối mặt không trốn tránh, hành động của một con người sống ngay thẳng.
Rồi tới các bạn anti Huyền Chip dữ dội hơn cả với Bà Tưng, tới nỗi tác động mạnh vào tâm lý của một con người mới trưởng thành, khiến Huyền có những hành động phản biện nông nổi dễ vấp sai lầm. Những hành động phản biện của Huyền trong khoảng thời gian bị công kích dữ dội này có thể hiểu là hành động bảo vệ danh dự của chính mình, cũng như sự nghiệp mới chớm nở của mình.
Trong khi hàng chục ngàn người ngày ngày chế ảnh bôi bác cá nhân, cũng như mang thái độ anti vẫn đòi hỏi Huyền Chip phải cho họ biết sự thật vì họ có quyền được biết sự thực từ cô tác giả trẻ, nhưng tôi nhận thấy thứ các bạn đang muốn ở đó không phải là sự thật, mà là sự mong chờ một người trẻ phạm sai lầm để rồi từ đó các bạn có thứ soi mói, rỉa róc tiếp. Vậy rốt cuộc, sự thực là thứ các bạn đang tìm kiếm, nó ở đâu?
Đâu là sự thực?
Các bạn độc giả luôn muốn biết sự thực, nhưng họ luôn luôn hỏi sai câu hỏi. Nếu như bạn hỏi Huyền Chip rằng "Những trải nghiệm được viết trong cuốn sách của em có thực sự là thật?" thì câu hỏi của tôi với cô tác giả trẻ ấy sẽ là "Có bao nhiêu % sự thực trong cuốn sách mà em viết?". Đơn giản vì tôi cũng như em, cũng là một blogger, là một nhà văn. Là con người thích đưa những ý niệm khô khan vào trong văn chương, che đi sự thực mà tôi biết người đọc có thể chán ngán khi thấy nó, thay thế nó bằng một thứ gì đó mới mẻ, dễ dẫn dắt con người ta tới một thứ tâm lý thoải mái tốt đẹp hơn.
 Huyền Chip trong buổi họp báo ở Hà Nội.
Đó cũng là điều mà các bạn trẻ hiện nay hay gọi đơn giản là "chém gió" đấy. Vậy nên, trong bất cứ tác phẩm văn học nào, một khi đã cầm bút trên tay thì con người khó có thể thoát khỏi sự cám dỗ từ trí tưởng tượng của họ. Với một tác phẩm, họ sẽ viết ra 60% những gì tự thân từng trải nghiệm và 40% còn lại là những gì được thêm thắt vào, những điều họ nghĩ nó là đúng và một mực tin tưởng vào đó. Chính điều đó đã khiến sự thật được hình thành với mỗi tác phẩm, kèm theo đó là sự ảo tưởng của con người.
Nhưng mà vấn đề quan trọng dẫn tới mâu thuẫn ở đây là đề tài, nếu Huyền Chip viết về một cuốn sách dạng tiểu thuyết viễn tưởng hay truyện cổ tích. Chẳng ai hơi đâu thừa thời gian soi mói tới nỗi đi tìm sự thật ẩn chứa trong tác phẩm bởi họ đều đã biết nó không có thực. Nhưng với tựa sách của Huyền viết nên với 30% yếu tố "chém gió" được thêm thắt vào, cánh độc giả ưa tìm tòi sẽ chỉ chú trọng nhặt những tình tiết bất hợp lý, gây mâu thuẫn nhất để chất vấn tác giả.
Dẫu sao thì chúng ta cũng nên thông cảm cho cô tác giả trẻ trong chuyện này, bởi như tôi đã nói ở trên, khi đã cầm bút trên tay thì một tác giả rất khó có thể thoát khỏi sự cám dỗ từ trí tưởng tượng của họ, và chẳng có một điều luật nào cấm một nhà văn không được sử dụng trí tưởng tượng để viết nên điểm hấp dẫn, phục vụ cho tác phẩm của mình cả...!". 
T.A (tổng hợp)

Bình luận(0)