Sinh viên nhanh trí dùng bút bi cứu mạng hành khách trên máy bay

Google News

Một sinh viên ngành kỹ thuật Ấn Độ đã giúp bác sĩ cứu sống bệnh nhân tiểu đường trên máy bay nhờ nhanh trí dùng bút bi sửa thiết bị tiêm insulin.

Karttikeya Mangalam đang là sinh viên năm cuối ngành kỹ thuật điện tử - Ảnh: IIT Kanpur 
Karttikeya Mangalam, sinh viên 21 tuổi của Đại học IIT-Kanpur, Ấn Độ, bay chuyến từ Geneva (Thụy Sĩ) về New Delhi sau khi kết thúc chương trình trao đổi một năm ở Thụy Sĩ. Khi máy bay cất cánh được vài tiếng, một thành viên tổ bay lên tiếng hỏi các hành khách: "Có ai là bác sĩ ở đây không?"
Theo lời kể của Karttikeya, chuyến bay có một người đàn ông Hà Lan 30 tuổi tên Thomas bị tiểu đường type-1 và có nguy cơ bị tăng đường huyết. Trong tình trạng toát mồ hôi, buồn nôn và gần ngất xỉu, Thomas cho tiếp viên hàng không biết anh đã không được tiêm insulin trong hơn 5 tiếng do dụng cụ tiêm của anh bị thất lạc ở khu kiểm tra an ninh sân bay.
May mắn thay, một bác sĩ người Nga trên máy bay nhanh chóng hiểu ra vấn đề dù khác biệt ngôn ngữ. May mắn hơn nữa, vị bác sĩ này cũng bị tiểu đường. Ông có đem theo insulin và một dụng cụ đặc biệt để tiêm chất này.
Tuy nhiên, dụng cụ tiêm của bác sĩ sử dụng một khoang chứa insulin tác dụng chậm dùng lâu dài, khác loại của Thomas. Với mức glucose trong máu tăng cao, anh bất tỉnh và bắt đầu sùi bọt mép.
Sau khi nghe thông báo máy bay sẽ hạ cánh khẩn cấp, Karttikeya đã nói chuyện với bác sĩ về ý định sửa dụng cụ tiêm. Bác sĩ cho biết có một cách để thay đổi khoang chứa ống insulin và ông đã điều chỉnh nhưng kim tiêm không chuyển động.
Máy bay bắt đầu giảm độ cao nhưng chưa thể hạ cánh trong khoảng 1 tiếng rưỡi tới, và bác sĩ sợ rằng Thomas không thể chờ đến lúc đó. Karttikeya dùng WiFi của máy bay để tải xuống bản thiết kế của dụng cụ tiêm. Hóa ra điều họ thiếu là một lò xo nhỏ ngay sau khoang chứa.
Karttikeya cho biết: "Tôi hướng dẫn tiếp viên hỏi xem có hành khách nào đem theo bút bi - thường có lò xo bên trong. Chỉ vài phút sau tôi có 4-5 chiếc bút".
May mắn là một lò xo hoàn toàn khớp với dụng cụ tiêm. Họ nhanh chóng lắp tạm vào để bác sĩ tiêm cho Thomas bằng loại insulin của anh. Trong 15 phút, mức đường trong máu của anh ngừng tăng và cuối cùng về trạng thái thường. Sau đó Thomas đã tỉnh lại.
Karttikeya nói: "Anh ấy cảm ơn tôi và bảo tôi đến thăm anh ấy ở Amsterdam, nơi anh ấy có một nhà hàng và xưởng bia riêng. Tôi sẽ được ăn uống miễn phí thỏa thích. Tôi nghĩ việc cứu mạng một người là điều khó ai có thể tưởng tượng nổi từ những kiến thức kỹ thuật cơ bản năm nhất".
Theo Hải Đăng/Tuổi trẻ

>> xem thêm

Bình luận(0)