Đồng tiền đã đưa đẩy số phận của các HLV như thế nào?

Google News

Sức mạnh kim tiền giờ đây đã nắm vai trò đặc biệt quan trọng khi quyết định một HLV tiếp tục giữ chức hay bị sa thải, được khen ngợi hay ngập trong bể chỉ trích.

Khi triều đại của Wenger tại Arsenal chấm dứt cũng là lúc kết thúc một giai đoạn lịch sử của bóng đá thế giới. Đã qua rồi những năm tháng các ông chủ biết kiên nhẫn chờ đợi sự cải thiện trong phong cách thi đấu và thành tích của đội nhà.
Ngày nay, dường như mọi cuộc chơi đều xoay quanh đồng tiền, kinh doanh và lợi nhuận. Bóng đá cũng không nằm ngoài vòng xoáy đó. Hãy nhìn vào những chiếc ghế nóng huấn luyện viên thời gian qua để cùng xem đồng tiền đã quyết định số phận, phán xét tài năng của các nhà cầm quân hàng đầu thế giới như thế nào.
Jose Mourinho & Diego Simeone: Thành tích phải tương xứng với đồng vốn
Mourinho hiện dẫn dắt Manchester United xứ sở sương mù, còn Diego Simeone đang là HLV Atletico Madrid. Cả hai vị chiến lược gia này đều giúp đội nhà cán đích ở vị trí thứ 2 trong giải quốc nội mùa bóng năm nay.
Với nền tảng phòng ngự hiệu quả, giữa Mourinho và Simeone có nhiều điểm tương đồng trong cách xây dựng và quản lý đội bóng, ngoại trừ việc Mourinho ưa thích chiến thuật phòng ngự phản công nhanh gọn, còn Simeone luôn cẩn thận, "chậm mà chắc".
Với những thành tích và nền tảng tương đồng đến vậy, tại sao Mourinho bị truyền thông báo chí chỉ trích tệ hại, còn Simeone thì không?
 Mourinho và Simeone cùng về nhì tại những giải quốc nội. Ảnh: TalkSport.

Đó là bởi vì đống tiền khổng lồ mà các ông chủ của Quỷ đỏ đã rải trước mặt cho phép Mourinho tiêu xài. Trong bối cảnh ngày nay, người ta có thể thấy Chelsea hay Manchester City thay đổi hoàn toàn diện mạo, dễ dàng nổi lên như một thế lực "bá đạo" tại nước Anh khi đón về sân vận động những ông chủ kiêm tỷ phú. Đối với những bản hợp đồng tiền tấn mà Mourinho mang về Old Trafford vừa qua, một danh hiệu FA Cup thậm chí vẫn là "lỗ vốn".
Còn tại Tây Ban Nha, dù chỉ về nhì, đội quân của Simeone vẫn được ngợi ca như thể có được một mùa giải thành công. Thực tế, Atletico không hề chi tiêu phóng túng trên thị trường chuyển nhượng, ngược lại còn bán đi một số ngôi sao trong đội hình của mình.
Trường hợp của hai nhà á quân trên cho thấy, kỳ vọng ở một đội bóng lớn chỉ là tương đối. Yếu tố quyết định ở đây chính là đồng vốn đã bỏ ra bao nhiêu, thành tích thu về có tương quan với chỉ tiêu hay không.
Manuel Pellegrini & Claudio Ranieri:Thành tích không tệ, vẫn phải ra đi
Claudio Ranieri, người có công đưa Chelsea trở thành Á quân Ngoại hạng Anh mùa bóng 2003/04 và bán kết Champions League, vẫn bị ông chủ Abramovich sa thải.
12 năm sau đó, Manuel Pellegrini cũng bị Ban huấn luyện Man City thẳng tay khai trừ dù kết thúc mùa giải trong Top 4, từng cùng đội bóng chủ sân Etihad giương cao chức vô địch mùa 2013/14. Tại sao cả hai chiến lược gia này đều chịu chung số phận dù thành tích thi đấu không tồi?
 Pellegrini và Ranieri đều bị những ông chủ tỷ phú sa thải. Ảnh: Mirror
Câu trả lời chính xác nhất, đó là bởi người "cầm trịch" Chelsea lẫn Man City đều là những tỷ phú xếp vào hạng bậc nhất thế giới. Khi rót tiền cho HLV đầu tư, trong đầu các ông chủ đã lập trình sẵn những "kết quả kinh doanh" quy ra bằng cup và danh hiệu vô địch. Khi chi phí đầu tư vượt quá lợi nhuận, thành tích không tương xứng với kỳ vọng, chính HLV là người sẽ phải đứng ra chịu trách nhiệm.
Bóng đá ngày nay là thứ trò chơi được đo hiệu suất bằng tiền, ở đó, kết quả mới là điều quan trọng nhất chứ không phải diễn biến. Chẳng có gì ngạc nhiên khi HLV, của Chelsea, Man City hay bất kỳ đội bóng nào thuộc sở hữu các tỷ phú thế giới, sẽ ngay lập tức bị sa thải cuối mùa nếu đội nhà không vô địch.
Rafa Benitez: Đầu tư lẹt đẹt, thành tích đủ dùng
Vào đầu mùa giải năm nay khi Newcastle được trở lại Premier League, nhiều người đã nghĩ đội bóng sọc đen trắng sẽ lại tiếp tục rớt phong độ. Tuy nhiên, bất chấp khả năng tài chính eo hẹp, Benitez vẫn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cùng Newcastle trụ lại giải đấu cao nhất nước Anh.
Hiện Newcastle của Benitez đã yên tâm đứng ở nửa trên bảng xếp hạng. Chích chòe cán mốc 40 điểm, chắc chắn không phải xuống hạng. Có thể nói, Benitez chính là người có công đầu tạo ra những thay đổi lớn trên sân vận động St James Park để tái thiết đội bóng.
 Benitez giúp Newcastle xếp ở nửa trên bảng xếp hạng. Ảnh: SkySports.
Tuy nhiên, ở vị trí thứ 10 không có gì quá đặc biệt cùng sự vắng tiếng trên thị trường chuyển nhượng, chẳng ai lên tiếng ca ngợi Benitez. Thành tích của Chích chòe bỗng trở nên mờ nhạt, đơn giản vì họ chỉ đang hoàn thành đúng chỉ tiêu so với những kết quả trong quá khứ mà thôi.
Sean Dyche: Tấm gương của Premier League
Mùa giải năm ngoái, Burnley là một trong những ứng cử việc sáng giá cho việc xuống hạng. Đến năm nay, thầy trò HLV Sean Dyche vụt tỏa sáng trở thành hiện tượng với vị trí thứ 7 trên bảng xếp hạng cùng một suất dự Europa League mùa sau.
Đây gần như là điều không ai có thể ngờ tới khi Burnley trước đó đã phải bán đi ngôi sao sáng nhất Michael Keane của mình và tiền đạo Andre Gray. Tuy nhiên, chính tổn thất này lại khiến cho Tarkowski cùng Chris Wood có cơ hội tỏa sáng, trong khi thủ thành Nick Pope thậm chí được triệu tập vào hàng ngũ đội tuyển Anh.
Sean Dyche tạo nên "hiện tượng" Burnley mùa giải năm nay. Ảnh: SkySports
Điều gì có thể lý giải được câu chuyện kỳ diệu của Burnley?
Đừng quên rằng, vào mùa giải 2014/15, Burnley phải xuống hạng. Nhưng không giống bất kỳ đội bóng nào khác, Ban huấn luyện của CLB quyết định giữ lại Sean Dyche. Bởi, họ đưa ra những kỳ vọng hợp lý cho HLV của mình, đi kèm với bảng kế hoạch tài chính chẳng lấy gì làm xông xênh.
Hành động này của những nhà điều hành CLB đi ngược lại hoàn toàn "luật chơi" của bóng đá hiện đại. Trong khi hầu hết đội bóng lớn chi nhiều tiền hơn để mua sắm nhưng nhẫn tâm sa thải nhà cầm quân, thì Burnley lại chứng minh việc cho HLV cơ hội và thời gian để thay đổi đội bóng mới là quyết định đúng đắn.
Jurgen Klopp: HLV được ngợi ca rợp trời Anh
Không khó để hiểu tại sao chiến lược gia người Đức lại được yêu thích và mến mộ đến vậy. Nếu hồi đầu mùa giải có ai đó nói rằng Liverpool sẽ cán đích ở vị trí thứ 3 cùng một suất đá chung kết Champions League, thì đó chính là điều hoang đường nhất trên đời. Vì sao?
 Klopp khiến Liverpool thăng hoa mùa giải năm nay. Ảnh: Metro.
Vì ngay trước đó, họ đã bán đi cầu thủ tốt nhất của mình, Coutinho, với mức giá ngất ngưởng 160 triệu euro. Liverpool cũng chẳng chi tiêu gì nhiều so với Top 6 năm nay.
Nhưng nào có ai ngờ, Liverpool đã khai phá ra một sát thủ ghi bàn Mohamed Salah, thậm chí là vực dậy nguyên một đội hình để chơi thứ bóng đá tấn công hấp dẫn cả châu Âu. Thành tích của Liverpool quả là điều không tưởng so với chi phí bỏ ra ban đầu. Jurgen Klopp xứng đáng là một trong những chiến lược gia hàng đầu thế giới hiện nay.
Ngoại hạng Anh, La Liga là 2 trong số những giải đấu lớn nhất của thế giới, chính nơi đây phản ánh những xu thế bóng đá toàn cầu. Không ai có thể phủ nhận sức mạnh của đồng tiền, cũng không có mấy đội bóng thoát khỏi những kỳ vọng khi bị đồng tiền đè nặng lên vai. Ở đó, HLV phải "đứng mũi chịu sào", nắm trách nhiệm áp lực và nặng nề nhất.
Từ bao giờ, năng lực và cống hiến của một HLV gắn liền với bản kế hoạch tài chính đầu mùa giải.
Theo Bích Hiền/Zing News

>> xem thêm

Bình luận(0)