Chân dung cậu bé từng muốn đổi font chữ giúp CP Mỹ tiết kiệm 400 triệu USD/năm

Google News

Năm 2014, Suvir Mirchandani từng khiến dư luận Mỹ xôn xao với tuyên bố chính phủ nước này có thể tiết kiệm tới 400 triệu USD mỗi năm nếu đổi font chữ trong các văn bản theo những gì cậu nghiên cứu.

Năm 2014, hàng loạt các hãng thông tấn và những tờ báo lớn hàng đầu trên thế giới như CNN, Washington Post… đồng loạt đưa tin về cậu bé Suvir Mirchandani, 14 tuổi, muốn cải cách font chữ viết để giúp chính phủ Mỹ tiết kiệm gần 400 triệu USD/năm.
Suvir cho rằng bằng cách thay đổi font chữ sang Garamond, chính phủ Mỹ có thể tiết kiệm 400 triệu USD tiền in ấn mỗi năm. Ảnh: IndiaTV 
Cậu bé người Mỹ gốc Ấn sống tại bang Pennsylvania khi đó nhận thấy, các cơ quan chính phủ và trường học tiết kiệm được hàng triệu USD mỗi năm chỉ bằng cách chuyển đổi font chữ sang Garamond.
Bằng cách so sánh giá mực in đắt hơn cả một chai nước hoa và số lượng tài liệu được in mỗi năm, Suvir nhận ra việc chuyển sang font chữ Garamond thanh mảnh hơn sẽ tiết kiệm chi phí. “Mực đắt gấp hai lần nước hoa Pháp”, Suvir khẳng định với CNN.
Thực tế, cậu bé này đã đúng. Nước hoa Chanel No.5 khi đó có giá 38 USD mỗi ounce (28,35g), trong khi mực in Hewlett-Packard cùng định lượng có giá tới 75 USD.
Thiếu niên Mỹ đã thu thập tài liệu do giáo viên phát, Suvir tập trung vào những chữ cái được sử dụng nhiều nhất trong tiếng Anh là e, t, a, o và r. Sau đó, em đo lượng mực cần cho việc viết 4 kiểu chữ phổ biến bằng cách dùng phần mềm APFill® Ink Coverage Software.
Để chắc chắn về phát hiện của mình, Suvir đã in nhiều mẫu chữ với các font chữ khác nhau và đo số lượng mực cần thiết cho từng font chữ đó. Cậu bé kết luận, font chữ Garamond mảnh mai cần ít chi phí cần cho lượng mực in là thấp nhất. Theo tính toán của thiếu niên Mỹ, trường học của em sẽ tiết kiệm được 21.000 USD mỗi năm nếu dùng font chữ này.
Trước khi đề xuất của em được trình lên chính phủ, một tạp chí do sinh viên tốt nghiệp Đại học Havard lập ra đã thử áp dụng kiểu font chữ Garamond trên quy mô lớn. “Chúng tôi rất ấn tượng. Chúng tôi thật sự nhận thấy ý nghĩa thực sự từ ý tưởng của em Suvir”, Sarah Fankhauser, một trong những người sáng lập tạp chí, cho hay.
Mỗi năm, chính phủ Mỹ tiêu tốn 1,8 tỷ USD cho các tài liệu in ấn, theo Daily Mail. Suvir đã in ra 5 mẫu giấy tờ trên website của Văn phòng In ấn Chính phủ (GPO) để thí nghiệm và rút ra kết luận đơn giản là thay đổi font chữ sẽ tiết kiệm được chi phí.
Theo Suvir, mỗi năm ước tính Cục Quản lý Dịch vụ của chính phủ tiêu tốn 467 triệu USD cho mực in. Nếu sử dụng font Garamond, chính phủ Mỹ có thể tiết kiệm 30% chi phí, tức là khoảng 136 triệu USD. Nếu các chính quyền tiểu bang cũng tham gia thì sẽ tiết kiệm được thêm 234 triệu USD.
Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn có người không đồng tình với ý tưởng của em khi cho rằng font chữ như Suvir đề xuất không thích hợp cho những người mắt kém bởi chúng khá nhỏ, khó thấy.
Gary Somerset, người phụ trách quan hệ công chúng của GPO khi đó đã mô tả phát hiện của Suvir là “rất đáng chú ý”. Tuy nhiên, GPO khi đó không thay đổi font chữ trong các văn bản bởi cơ quan này đang nỗ lực đưa các nội dung hành chính giấy tờ lên web.
Cậu bé Suvir ngày nào nay đã trở thành sinh viên năm nhất ngành khoa học máy tính của Đại học Stanford. Trên trang web cá nhân, cậu chia sẻ niềm say mê các giải pháp công nghệ chi phí thấp nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống.
Gần đây, Suvir phát triển ứng dụng iOS minh họa văn bản tự động để giúp những người bị rối loạn ngôn ngữ cải thiện giao tiếp. Suvir cũng tạo ra một “robot xã hội” được thiết kế để giúp người cao tuổi bớt cô lập hoặc trầm cảm cùng một số trang web hữu ích khác.
Suvir từng được trao các giải thưởng lớn tại Hội thi Khoa học và Kỹ thuật Quốc tế Intel và Hội chợ Khoa học Quốc tế Đài Loan bởi những sáng kiến hữu ích. Dù đề xuất chuyển đổi các văn bản, giấy tờ sang font chữ Garamond của em không được áp dụng, không thể phủ nhận một số điểm tích cực trong ý tưởng thay đổi font chữ của Suvir.
Theo Trọng Hiếu/Saostar

>> xem thêm

Bình luận(0)