Bảng nội quy phòng trọ "bá đạo" của 3 nam sinh Bình Dương

Google News

"Ai ăn thì tự nấu. Ai nấu thì tự dọn. Không dọn thì đừng ăn" là một điều trong bảng quy tắc phòng trọ tại căn phòng 15 m2 của 3 chàng sinh viên Bình Dương.

Mới đây, bức ảnh chụp bảng quy tắc phòng trọ "khắt khe" của 3 chàng sinh viên trở thành đề tài tranh luận trên các diễn đàn.

Theo đó, 3 nam sinh đã biến những tấm bìa carton thành bảng quy tắc chi tiết về cách sử dụng, giữ gìn vệ sinh chỗ ở... bắt buộc mọi thành viên phải tuân thủ.

Nội quy không giống ai

Diệp Khang An - sinh viên năm nhất, khoa Điện tử, Đại học Bình Dương - là người đã chụp bảng quy tắc của căn phòng "bá đạo" và chia sẻ lên mạng.

Chỉ sau vài giờ đăng tải, bài đăng của An nhanh chóng thu hút hơn 30.000 like (thích) cùng hàng nghìn bình luận trái chiều.

Bang noi quy phong tro "ba dao" cua 3 nam sinh Binh Duong
 Bảng nội quy được một thành viên trong phòng soạn thảo và yêu cầu mọi người ký cam kết tuân thủ.

Khang An cho Zing.vn biết loạt ảnh này được chụp trong một lần cậu sang phòng bạn thân tên Toàn chơi. Sau khi vào phòng, cậu khá ngạc nhiên bởi những tấm bài carton được dán khắp nơi.

Nam sinh đã đọc tất cả tấm biển và thấy những quy định đều rất nghiêm ngặt, song cũng dễ thương nên quyết định đăng lên Facebook cho mọi người cùng tham khảo.

Khang An cho hay đây là phòng của cậu bạn cùng lớp, nằm ở Hiệp Thành, TP Thủ Dầu Một, Bình Dương. Phòng đó có 3 chàng trai, đều là sinh viên năm nhất, Đại học Bình Dương.

9X chia sẻ lần đầu trong đời cậu thấy bảng nội quy như vậy. Ban đầu, cậu thấy rất buồn cười, song càng đọc càng thấy hay và ý nghĩa. Đó giống như lời nhắc khéo đanh thép, hài hước.


Bang noi quy phong tro "ba dao" cua 3 nam sinh Binh Duong-Hinh-2
 Một số nội quy trong căn phòng trọ của 3 chàng trai. Ảnh: FBNV.

Bảng nội quy này do Lê Ngọc Thắng - một trong số 3 chàng trai sống trong phòng trọ - "soạn thảo".

An cho hay Thắng là người có tính cách khá cẩn thận, sạch sẽ. Do người bạn này thấy phòng còn bừa bộn, bẩn, ý thức của các thành viên chưa cao nên muốn viết ra nhằm mục đích "nhắc khéo".

Hiện căn phòng rộng khoảng 15 m2 của họ được dán hoàn thiện "hệ thống quy tắc phòng trọ" chi tiết ở mỗi ngóc ngách, khiến ai đọc cũng phải bật cười.

Bên cạnh những bình luận tỏ ra thú vị, hài hước, một số ý kiến phàn nàn liệu có nhất thiết phải ở quá sạch và kỹ tính đến ngột ngạt với nhau như vậy không? Điều này có thể là nguyên nhân khiến các thành viên tranh cãi, mâu thuẫn vì không khí nặng nề, thiếu tự do, thoải mái.

Nỗi ám ảnh mang tên 'bạn cùng phòng'

Bảng nội quy không thể khắt khe hơn, bạn cùng phòng ở bẩn, thậm chí dẫn người yêu về ngủ qua đêm... là những câu chuyện nan giải trong cuộc sống thuê trọ không hiếm gặp của sinh viên.

Ngày 31/7, trên diễn đàn một trường đại học tại Hà Nội, một nữ sinh đã chia sẻ hình ảnh căn phòng "bẩn không chịu được" khi đến chơi ký túc xá của bạn.

"Ấn tượng đầu tiên của mình là kinh khủng. Mình là con gái mà nhìn còn thấy phát khiếp. Bát đĩa ăn xong mốc meo vứt ngay trên giường, rác dồn vào góc hành lang thành đống bốc mùi", cô viết.


Bang noi quy phong tro "ba dao" cua 3 nam sinh Binh Duong-Hinh-3
 Chiếc giường không người ở đã trở thành bãi rác trong phòng ký túc xá. Ảnh: NEU Confession.

Chứng kiến cảnh tượng này, nhiều bạn trẻ không khỏi sửng sốt trước lối sống không sạch sẽ của một bộ phận sinh viên trong ký túc xá. Nhiều bạn trẻ cũng đã lên tiếng vì chính họ cũng gặp phải trường hợp tương tự khi đi ở trọ chung với người khác.

Bạn cùng phòng ở bẩn là vấn đề "khó diễn tả thành lời" nhưng một số sinh viên lại lo ngại khi gặp phải người thích dùng ké đồ của người khác, thậm chí coi đó cũng là của mình.

Với những "cao thủ ở bẩn", bạn còn có cách đối phó là phân công lịch dọn vệ sinh nhưng việc không cho thành viên cùng phòng dùng chung đồ chưa bao giờ là điều dễ bày tỏ và cần nhiều sự tế nhị.

Lê Thanh - sinh viên ĐH Thương mại Hà Nội - cho hay cô có bạn luôn tự tiện dùng đồ khi người khác đi vắng.

"Có lần bạn ấy tự tiện lấy đôi giày mới mua của mình đi rồi làm bẩn hết. Người có ý thức giặt trả còn đỡ tức, đằng này bạn ấy vứt lại chỗ cũ như chưa từng đi khiến mình rất khó chịu", nữ sinh kể.

Quá nhiều lần như vậy khiến Thanh không muốn giữ ý tứ với cô bạn ấy nữa. Cả phòng phải ra quy định "đồ ai người ấy dùng", song chỉ được thời gian đầu, người kia lại "ngựa quen đường cũ".

Cách đây không lâu, câu chuyện một sinh viên K41, Đại học Luật Hà Nội bức xúc khi bị đe dọa vì không cho người yêu của bạn ngủ qua đêm cũng từng gây chú ý.

Mỗi phòng trọ của sinh viên diện tích thường chỉ 18-25 m2, bao gồm nhà tắm, chỗ nấu ăn, giường, tủ, bàn học và nhiều đồ đạc cá nhân khác. Việc người yêu của bạn đến chắc chắn gây ra vô số bất tiện, khó chịu, thậm chí là nguyên nhân của mâu thuẫn, xô xát.

Nguyễn Đặng Linh Duyên - sinh viên một trường đại học ở Hà Nội - kể nhóm cô thường phải chuyển đi vào thứ bảy, chủ nhật vì bạn cùng phòng đưa người yêu về ngủ.

Sau một thời gian, cả phòng góp ý và yêu cầu không đưa bạn trai về phòng, người này lại cho rằng bị xúc phạm và cãi vã xảy ra. "Bạn ấy còn cầm dao đe dọa cả nhóm, may mà có chủ nhà can ngăn kịp thời", 9X nói.

Nguyễn Thị Cúc - sinh viên Đại học Thương mại - cho biết cô cũng gặp trường hợp tương tự. "Ngại lắm vì phòng nhỏ, mình đành đi ra ngoài đường cho họ tự nhiên và mình khỏi nhức mắt", nữ sinh bức xúc kể.

Tìm được một bạn ở cùng phòng hòa hợp không phải dễ. Mỗi người có cá tính khác nhau nhưng vẫn phải biết đâu là giới hạn.

Khi bạn xác định ở chung thì đó không còn là không gian riêng của mình mà phải biết tôn trọng người khác.

Theo Kiều Trang/Zingnews

>> xem thêm

Bình luận(0)