Nữ tướng của REE 'truyền lửa' cho con như thế nào?

Google News

Bà Mai Thanh, TGĐ Công ty Cổ phần Cơ điện lạnh (REE) đã khéo léo truyền lửa cho những ước mơ còn đang ấp ủ của con cái và dẫn dắt con trở thành bạn đồng hành theo đuổi những mục tiêu...

Thành quả này không có mục đích để trở thành những doanh nhân giàu có, cũng không giống như một chặng đường được đo đếm bằng thời gian, mà phải được tính bằng tình thương và đo chiều dài bằng sự chia sẻ bền bỉ của những bậc làm cha, làm me hết lòng vì con.

Thành công của REE là kết quả sự nỗ lực của một tập thể nhưng không thể không kể đến vai trò cá nhân của bà Nguyễn Thị Mai Thanh, người dẫn dắt REE đột phá sang các mảng kinh doanh mới cũng như truyền nhiệt huyết, khát vọng cho một tập thể không ngừng tiến lên, trong đó có cả con trai của mình.

Tâm nguyện mẹ, tấm lòng con

Năm 2009, khi bà Mai Thanh bổ nhiệm con trai Nguyễn Ngọc Thái Bình, 27 tuổi, làm Giám đốc Tài chính (CFO) và đề cử tham gia HĐQT Công ty Cổ phần Cơ điện lạnh (REE Corp.) thì xuất hiện nhiều tiếng xì xào.

Thời gian đó, Công ty tái cấu trúc và hoàn thiện mô hình hoạt động với ba mảng kinh doanh chính: cơ điện truyền thống - kinh doanh văn phòng cho thuê - đầu tư hạ tầng điện, nước. Trên cương vị Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc, bà Mai Thanh chỉ lo việc điều hành chung, còn các mảng kinh doanh khác giao cho các cộng sự.

Lúc ấy REE đang khuyết vị trí CFO, gánh nặng công việc đè lên vai lãnh đạo chủ chốt. Trong thâm tâm bà Mai Thanh không muốn tuyển dụng người nhà, nhưng biết Thái Bình hội tụ đủ tố chất để cáng đáng vị trí này, lại là người luôn có trách nhiệm trong công việc nên bà đã dò ý Thái Bình.

Lúc ấy Thái Bình làm việc ở bộ phận Dịch vụ Tài chính Doanh nghiệp của Ngân hàng HSBC. Đây là bến đỗ đầu tiên ở quê nhà sau khi Thái Bình hoàn thành chương trình du học ở Mỹ.

Làm việc cho một định chế tài chính lớn, áp lực công việc không ít, nhưng những lúc căng thẳng nhất Thái Bình luôn nhận được lời động viên từ người mẹ thành đạt: Công việc không có áp lực thì không có động lực sáng tạo, nhưng phải giữ được sự tự tin, vì khi sự tự tin được củng cố thì mới phát huy được năng lực.

Từ bé, Thái Bình hiểu rõ REE là sự nghiệp của mẹ. Năm 1982, sau khi hoàn thành khóa học 5 năm tại Đức, ngành kỹ thuật cơ khí điện lạnh, mẹ anh đầu quân về REE và gắn bó gần 30 năm.

Bây giờ dù đã đạt tới độ chín của một doanh nhân thành đạt nhưng mẹ anh chưa dừng bước để nghỉ ngơi mà vẫn nuôi khát vọng đưa REE vươn lên chinh phục các đỉnh cao mới, phát triển thêm nhiều mảng kinh doanh mới. Và để đạt mục tiêu, REE cần chất xám của một đội ngũ xứng tầm.

Thái Bình tâm sự: “Mẹ tôi luôn trăn trở muốn Công ty vươn lên những tầm cao mới, tôi nghĩ phận làm con phải giúp mẹ thực hiện tâm nguyện này. Giúp mẹ quan trọng hơn áp lực trong công việc, tuy có thể về REE dù tôi làm được việc cũng bị liên tưởng tới cái bóng quá lớn của mẹ”.

Ban lãnh đạo REE coi chuyện Thái Bình ngồi ở ghế CFO là hết sức bình thường vì họ biết Tổng giám đốc luôn đặt sự thành công của Công ty lên trên hết. Chỉ khi Thái Bình được bầu vào HĐQT thì mới có một vài ý kiến phản bác từ phía cổ đông bên ngoài, tuy nhiên, Thái Bình được thông qua với tỷ lệ bầu trên 90%.

Bà Mai Thanh cho biết, thế hệ lãnh đạo thứ ba ở tầm tuổi Thái Bình hiện lên tới con số hàng chục, và vì đã xây dựng được một đội ngũ kế thừa nên bà dự tính rút ra tuyến sau để chỉ đạo về chiến lược khi các cộng sự trẻ đủ bản lĩnh để đảm đương công việc kinh doanh.

“REE đã nhắm được nhân sự có thể gánh vác trọng trách tổng giám đốc khi tôi chỉ ngồi ở ghế Chủ tịch HĐQT”, bà Mai Thanh chia sẻ.
 


Với con cái, bất kể thời gian

Người ta thường nói, đằng sau sự thành công của một người đàn ông thường có bóng dáng của một người phụ nữ. Ở tuổi 31, nói đến sự thành công của Thái Bình còn hơi sớm, nhưng chắc chắn có một người phụ nữ như vậy, đó là mẹ anh, người có ảnh hưởng tới những bước đi của con trai.

Thái Bình lớn lên trong sự quan tâm dìu dắt từng ngày của gia đình, dù hai bậc sinh thành luôn bận rộn trên thương trường. Chẳng hạn, năm lớp 12, Thái Bình học kém môn hóa học đến mức suýt không được thi tốt nghiệp, rất may, nhờ quan tâm và trò chuyện với con hằng ngày nên bà Mai Thanh sớm phát hiện ra điều đó.

Một buổi tâm sự thân mật giữa mẹ và con trai về chuyện trường, chuyện lớp đã giúp bà tìm ra biện pháp khắc phục, giúp Thái Bình vượt qua thử thách này.

Là một doanh nhân không bao giờ lùi bước trên thương trường, nhưng đã có lần người mẹ ấy ứa nước mắt thương con vì những tưởng mình bất lực. Đó là lúc Thái Bình thi vào lớp 11 chuyên Anh Trường THPT Lê Hồng Phong không đạt điểm chuẩn.

Thấy con trai đạp xe từ trường về nhà, khóc nức nở, người mẹ thương lắm nhưng không biết làm sao để giúp con. May thay sau đó trường giảm điểm chuẩn nên Thái Bình vẫn đậu.

Lớn lên trong một gia đình doanh nhân thành đạt, có điều kiện nhưng từ bé Thái Bình và em gái được hướng dẫn phải tự quyết định các vấn đề của mình. Bà Mai Thanh kể, năm lớp 12, Thái Bình vẫn tự đạp xe đi học chứ không đi xe gắn máy.

Tốt nghiệp THPT, Thái Bình tự nộp đơn vào ba trường đại học nước ngoài và sau đó đậu vào Đại học Virginia. Bản lĩnh này thậm chí làm cho chính người mẹ sắc sảo phải ngạc nhiên.

Sau khi tốt nghiệp đại học, Thái Bình muốn tìm một không gian rộng lớn để lập nghiệp nên quyết định ở lại Mỹ làm việc. “Con nên về Việt Nam vì nước mình là quốc gia đang phát triển. Ở quê nhà không thiếu gì cơ hội lập thân, lập nghiệp và giúp cho đất nước phát triển”, nghe theo lời khuyên chí tình của mẹ, Thái Bình hồi hương.

Thái Bình năm nay 31 tuổi và gia đình nhỏ của anh chuẩn bị đón thêm thành viên thứ ba. Tuy bây giờ đã trở thành trụ cột của một gia đình nhưng Thái Bình vẫn tìm thấy ở mẹ sự chia sẻ giống như một người bạn, người đồng sự giàu kinh nghiệm.

Nghề CFO luôn gắn với các con số, các kế hoạch tài chính và đôi khi không tránh khỏi gặp những vấn đề nan giải. Lúc ấy anh được mẹ nhắc nhở việc đầu tư không được nóng vội, cần phải thu thập số liệu để phân tích, đánh giá hiệu quả.

Không bao giờ người mẹ doanh nhân đưa ra sự lựa chọn cho con trai, mà chỉ trao đổi, vạch ra các khả năng để anh nhìn xuyên suốt các vấn đề. Thái Bình nói, khi gặp vấn đề khó, trò chuyện với mẹ bao giờ anh cũng thấy mở rộng được tầm nhìn, bổ sung và làm phong phú thêm kiến thức học được từ sách vở.

Ở cương vị CFO, Thái Bình nhanh chóng khẳng định được năng lực. Đầu tiên anh đàm phán giúp REE thoái vốn thành công dự án Nhiệt điện Vũng Áng II (dự án có công suất 1.200MW, tổng vốn đầu tư lên tới 1,2 tỷ USD).

Thương vụ thứ hai là mới đây REE phát hành thành công 558 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi cho đối tác Platinum Victory - một công ty trực thuộc Tập đoàn Jardine Matheson danh tiếng. Đáng chú ý là mức giá chuyển đổi cao hơn thị giá cổ phiếu REE tới 30%.

Không thể phủ nhận doanh nhân là những người bận rộn và đặc biệt nữ doanh nhân lại càng ít có thời gian dành cho gia đình, con cái. Nhưng quy luật số đông này không đúng với gia đình lớn của Thái Bình. Anh nói gia đình lớn chính là bàn đạp xuất phát đầu tiên của mình, trong đó mẹ là người anh chịu ảnh hưởng và học hỏi rất nhiều.

Còn bà Mai Thanh thì chia sẻ, áp lực nhịp sống công nghiệp khiến mọi doanh nhân phải ráo riết chạy đua với thời gian nhằm theo kịp chuyển động hối hả của thương trường, nhưng tình yêu thương của cha mẹ dành cho con cái thì bất kể thời gian. Có thời gian dành cho nhau thì các thành viên trong gia đình mới gắn kết, sống vì nhau, giúp đỡ nhau...


Theo Giang Thanh/Doanh nhân Sài Gòn

Bình luận(0)