Chắc chắn giáo dục của ta lạc hậu!

Google News

Theo GS.TSKH Đào Trọng Thi, nền giáo dục Việt Nam đang cần một cuộc "thay máu" thực sự.

- Đề án đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục đào tạo lần này chưa được thông qua do chưa chỉ ra được đầy đủ tất cả các giải pháp để đổi mới thực sự một cách căn bản nền giáo dục. Theo GS.TSKH Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội, nền giáo dục Việt Nam đang cần một cuộc "thay máu" thực sự.

Thay đổi tư duy chưa đủ

Đổi mới căn bản toàn diện giáo dục không phải là một "phép thuật" nào đó mà khi chúng ta ban hành nghị quyết là xong. Nghị quyết chưa ra được thì ngành GD&ĐT lại càng phải chuẩn bị tốt hơn, quá trình chuẩn bị đó cũng là để thực hiện quá trình đổi mới. Nếu cứ ngồi chờ đến khi có nghị quyết mới chuẩn bị đổi mới là một sai lầm rất lớn.
Ông có biết vì sao trong kỳ họp lần này, Quốc hội lại không đề ra vấn đề đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục như trong Hội nghị Trung ương 6 vừa nêu?

Việc cần thiết phải đổi mới căn bản toàn diện nền giáo dục đã được ghi trong Nghị quyết Đại hội Đảng. Chính phủ dự kiến là sẽ thông qua Nghị quyết về đề án Đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục. Tuy nhiên, khi xem xét đề án thì thấy việc chuẩn bị chưa đạt yêu cầu. Dù đã có nhiều cố gắng, chuẩn bị công phu, lấy ý kiến của đông đảo tầng lớp nhân dân, nhưng nội dung được nêu lên vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện nền giáo dục.

Theo ông việc đổi mới căn bản toàn diện nền giáo dục sẽ phải thực hiện như thế nào?

Trung ương quyết định chưa thông qua Nghị quyết để có thời gian chuẩn bị kỹ hơn. Chứng tỏ là vấn đề giáo dục rất được quan tâm. Nhưng đề án đó phải có chất lượng, phải đáp ứng được yêu cầu thực tế và phải tạo ra được chuyển biến căn bản và toàn diện trong giáo dục Việt Nam. Đó là một chiến lược lâu dài.

GS Hoàng Tụy có nói rằng, sau mấy chục năm khủng hoảng triền miên bởi các ràng buộc ý thức hệ cứng nhắc, đã đến lúc lựa chọn hoặc là tiếp tục con đường cũ để giam hãm đất nước trong một nền giáo dục ngày càng tụt hậu so với thế giới hoặc là cương quyết thay đổi tư duy. Quan điểm của ông như thế nào?

Tôi nghĩ là chúng ta không dừng lại và cũng không đi theo con đường cũ. Giáo dục phải thay đổi căn bản toàn diện, chứ không có chuyện dừng lại hay đi vào con đường cũ, hay chỉ là thay đổi tư duy. Chúng ta cần nhiều hơn thế nhiều.

Nhưng rõ ràng tư duy, cách nghĩ thế nào, thì hành động sẽ như thế?

Đúng là muốn thay đổi căn bản và toàn diện, thì trước hết phải đổi mới tư duy. Còn tư duy mà cũ thì thay đổi làm sao được. Cái đầu tiên mà không thay đổi thì tất cả những cái đằng sau nó cũng không thay đổi được. Nhưng nếu chỉ thay đổi tư duy thôi thì nó quá ít so với yêu cầu của sự phát triển xã hội.

Để thay đổi nền giáo dục hiện nay cần có một bước ngoặt. Tôi nhấn mạnh chữ toàn diện và căn bản.

GS.TSKH Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội.
GS.TSKH Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội.

Chưa tìm ra nút thắt

Điểm nhấn chính trong cái "toàn diện và căn bản" đó theo ông là vấn đề gì?

Cái đó rất khó nói.

Nhưng chúng ta đang có nhiệm vụ phải tìm ra cái khó ấy để đổi mới?

Theo tôi, phải bắt đầu từ nhận thức cả về triết lý giáo dục, quan điểm, cơ chế, phương pháp, nội dung giáo dục. Phải xác định những vấn đề cơ bản của giáo dục Việt Nam hiện nay. Cái nào chưa phù hợp với nhu cầu của thực tiễn thì phải xem xét để thay đổi.

Ông có thể cụ thể hơn?

Những vấn đề lớn cơ bản của giáo dục như xác định mục tiêu giáo dục thế nào để phù hợp với giai đoạn phát triển kinh tế xã hội hiện nay, tổ chức hệ thống giáo dục quốc dân thế nào, hệ thống nhà trường thế nào. Quan hệ giữa quy mô và chất lượng đào tạo. Xác định các biện pháp tạo ra sự công bằng trong giáo dục, phù hợp với tính ưu việt của giáo dục. Giải quyết những vấn đề về cơ chế tài chính, cơ chế quản lý...
 
Còn về nội dung giáo dục thì ta phải có chương trình, sách giáo khoa, để làm sao chương trình ấy thể hiện sự tiên tiến, hiện đại nhưng cũng thể hiện được bản sắc dân tộc. Đó là những vấn đề lớn của một nền giáo dục hiện đại. Tất cả những cái đó hiện nay đều không đáp ứng được yêu cầu.

Vậy theo ông, tất cả những điều này có giải quyết được ở trong Nghị quyết?

Đổi mới căn bản toàn diện là vấn đề rộng lớn. Phải xác định những nội dung cơ bản rồi xây dựng lại những quan điểm phù hợp, xây dựng lại những mục tiêu, cơ chế, đi vào những vấn đề cụ thể về chuyên môn nghiệp vụ. Tất cả những cái đó phải thể hiện trong đề án này. Nhưng đề án đó chưa đáp ứng được nhu cầu như vậy. Đặc biệt chưa có những điểm nhấn, chưa có những điểm mấu chốt mà có khả năng mở ra những nút thắt làm cho nền giáo dục của chúng ta chậm phát triển, không đáp ứng được yêu cầu. Vì thế, cần phải xây dựng lại.

Sự ì trệ đã kéo dài nhiều năm rồi!

Có người nói nền giáo dục ta đang có tất tụt hậu, quan điểm của ông như thế nào?

Có lẽ đánh giá đó đúng trên bình diện tổng thể. Chắc chắn là nền giáo dục của ta lạc hậu so với thế giới, nhưng quan trọng nhất là nó lạc hậu so với yêu cầu phát triển của chính đất nước chúng ta.

Cái này có thể quy trách nhiệm cho cá nhân nào không thưa ông?

Đây là điều đã tồn tại nhiều năm, là hệ quả của rất nhiều thứ cộng dồn lại, nhưng quan trọng nhất là sự ì trệ đã kéo dài nhiều năm rồi! Đã đến lúc phải thay đổi.

Theo GS Chu Hảo thì để đổi mới, cần phải có một ủy ban quốc gia độc lập với Bộ GD&ĐT, quan điểm của ông thế nào?

Tôi cho rằng đó là một ý tưởng tốt. Nhưng như đã nói, để đổi mới, không đơn giản thế.

Có người đặt câu hỏi, trước giờ ta vẫn cứ coi "giáo dục là quốc sách hàng đầu", mà sao đến giờ nó vẫn cứ ì ạch mãi. Theo ông thì nút thắt nó nằm ở đâu?

Ta coi giáo dục là quốc sách hàng đầu nghĩa là ta đã xác định được vị trí, vai trò của giáo dục trong sự phát triển chung. Nhưng chỉ xác định như vậy thôi thì chưa đủ. Chúng ta phải làm cho tư tưởng đó được khẳng định trên thực tế. Nhưng chúng ta lại có khoảng cách giữa nhận thức, đánh giá về vai trò chung của giáo dục với việc làm cụ thể, với cách xử lý, giải quyết từng vấn đề cụ thể của chúng ta hiện nay.

Nghĩa là nói như vậy nhưng ta chưa làm vậy?

Chỉ cần nói vậy thì cũng đã là tốt rồi, còn hơn là không nói. Nhưng chỉ nói thôi thì chưa đủ. Nói như thế, mới chỉ là tiền đề để chúng ta quản lý. Cái mà chúng ta làm được sau khi khẳng định nó là quốc sách hàng đầu thì còn quá ít so với yêu cầu thực tế.

Xin cảm ơn ông!
Nền giáo dục trì trệ khiến dư luận xã hội bức xúc và tự hỏi vì sao ta lại cứ mãi luẩn quẩn một chỗ mà không biết, không xác định được phải đi theo hướng nào. Việc quyết định chưa ban hành nghị quyết để chuẩn bị lại tốt hơn đã thể hiện thái độ của Hội nghị Trung ương trong vấn đề này. Tuy nhiên, Hội nghị Trung ương cũng đã tạo tiền đề cho việc chuẩn bị đổi mới bằng một kết luận về đổi mới căn bản toàn diện, chứ không bỏ qua vấn đề này. Kết luận đã bước đầu định hướng và giao nhiệm vụ cho cơ quan có trách nhiệm tiến hành một cách khẩn trương và có trách nhiệm hơn với nền giáo dục nước nhà.
Tô Hội (Thực hiện)
 
Bài đọc nhiều:

Bình luận(0)