Nghị định 71: “Không thể áp đặt chủ quan lên đa số“

Google News

"Khi đề xuất sửa đổi Nghị định 34 để ban hành văn bản Nghị định 71, Bộ Giao thông và Bộ Công an đã không tuân thủ đúng quy định pháp luật..."

- “Khi đề xuất sửa đổi Nghị định 34 để ban hành văn bản Nghị định 71, Bộ Giao thông (đề xuất) và Bộ Công an (thực thi) đã không tuân thủ đúng quy định của pháp luật. Cụ thể là không lấy ý kiến của những đối tượng trực tiếp chịu sự tác động của văn bản, mà việc ban hành ở đây là mang tính chủ quan, áp đặt” - Luật sư Giáp Văn Điệp (Đoàn Luật sư tỉnh Bắc Giang).

Luật sư Giáp Văn Điệp cho biết: “Từ khi Nghị định 71 có hiệu lực thi hành đã gặp phải rất nhiều vấn đề phản hồi từ người dân, những người trực tiếp chịu sự điều chỉnh của nghị định này, trong đó hầu hết đều phản đối. Sở dĩ xảy ra chuyện đó vì nó không phù hợp với thực tiễn. Quá trình đề xuất và sửa đổi từ Nghị định 34 để ban hành thành Nghị định 71 đã bị làm “tắt ngang”, không tuân thủ đúng theo quy trình của pháp luật quy định”.

Việc thực thi Nghị định 71 đang vấp phải sự phản ứng gay gắt từ đa số người dân.
 
Theo LS Giáp Văn Điệp, quá trình đề xuất, sửa đổi, ban hành và kể cả đến việc thực thi Nghị định 71 đã không tuân thủ đúng theo quy định của Hiến pháp 1992 và “Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật”.

Trong Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam năm 1992, Điều 53 quy định: “Công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận các vấn đề chung của cả nước và địa phương, kiến nghị với cơ quan nhà nước”.

Ngoài ra, gần nhất là trong “Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật” có hiệu lực thi hành ngày 1 tháng 1 năm 2009 cũng quy định rất rõ về việc này. Cụ thể, tại Điều 4 về “Tham gia góp ý kiến xây dựng văn bản quy phạm pháp luật” nêu rất rõ thông qua 3 khoản:

1- Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, tổ chức khác, cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân và cá nhân có quyền tham gia góp ý kiến về dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.

2- Trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo và cơ quan, tổ chức hữu quan có trách nhiệm tạo điều kiện để các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân tham gia góp ý kiến về dự thảo văn bản; tổ chức lấy ý kiến của đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản.

3- Ý kiến tham gia về dự thảo văn bản quy phạm pháp luật phải được nghiên cứu, tiếp thu trong quá trình chỉnh lý dự thảo.

Sự phản ứng gay gắt từ phía người dân được cho là Nghị định 71 có một số điều khoản "thiếu tính thực tiễn" và áp đặt mang tính chủ quan.
 
Tuy nhiên, trong quá trình sửa đổi, ban hành và thực thi Nghị định 71 thì các cơ quan đề xuất, ban hành, thực thi đã “làm tắt ngang” bằng cách “lược bỏ” việc “tổ chức lấy ý kiến của đối tượng chịu sự tác động của văn bản”.

“Việc làm “tắt ngang” nói trên khiến Nghị định 71 khi có hiệu lực thi hành đã vấp phải rất nhiều sự phản ứng gay gắt từ phía người dân – đối tượng chịu sự tác động của của văn bản Nghị định bởi nó không phù hợp với thực tiễn”, LS Điệp giải thích.

Ngoài ra, LS Giáp Văn Điệp cũng kiến nghị: "Cần xem xét lại quy trình sửa đổi, ban hành và thực thi văn bản Nghị định 71 theo đúng quy định của Hiến pháp 1992 và Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật”, không thể tùy tiện tạo ra “tiền lệ” khi sửa đổi, ban hành nghị định như trên được.

Hơn nữa, trong cách giải thích của CSGT CA Hà Nội cũng cần nhiều điểm phải làm rõ hơn cho người dân hiểu. Khi văn bản có hiệu lực thi hành thì người dân phản ứng gay gắt vì nó không có tính thực tiễn, nhưng thử hỏi các cơ quan chủ quản đã bao giờ thống kê xem hiện nay có bao nhiêu xe không chính chủ hay chưa và nếu thống kê rồi thì số liệu ở đâu?
 
Những xe đã qua nhiều “đời” chủ hoặc người chủ đầu tiên đã chết, đã đi ra nước ngoài thì xe này giải quyết thế nào? Hiện nay theo như Nghị định 71 thì các xe này chỉ còn mỗi cách là “đắp chiếu”, mà nếu “đắp chiếu” thì thiệt hại người dân phải gánh chịu. Vô hình trung Nghị định 71 đã gây tổn thất tài sản cho người dân".

“Còn rất nhiều vấn đề phức tạp khác nữa từ việc xử phạt xe không đăng ký sang tên chủ sở hữu theo Nghị định 71, tôi kiến nghị cần chỉnh sửa theo hướng lấy ý kiến rộng rãi từ người dân, sau đó tổng hợp lại ý kiến để từ đó đưa ra chủ trương, chính sách sao cho phù hợp. Không thể áp đặt sự chủ quan của một nhóm người lên đa số người dân được”, LS Điệp bày tỏ.

 

Bất cập trong việc chậm ban hành chế tài xử phạt

Anh Ngô Quý Đức - phụ trách Nhóm MyHanoi.
Tại Mục B phần II của Thông tư số 06/2009/ TT- BCA (C11) ra ngày 11/3/2009 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2009 và thay thế các Thông tư 01/2007/TT- BCA (C11), Thông tư 12/2008/TT- BCA (C11) của Bộ Công an đã ra trước đó có quy định rất chi tiết về thủ tục đăng ký sang tên chủ sở hữu khi mua bán, trao đổi, sang nhượng các loại phương tiện giao thông.

Tuy nhiên, khi các văn bản quy định này khi ra đời lại không có văn bản quy định chế tài xử phạt kèm theo nên không có cơ sở để xử phạt và không đủ “sức nặng” để buộc người dân thực hiện. Bởi vậy, trong một thời gian dài, các quy định này gần như nằm trong trạng thái “có mà như không” vì rất ít người dân tự giác chấp hành. Nhiều năm qua, người dân vẫn mua bán trao đổi xe mà không làm đăng ký sang tên bởi không có chế tài mang tính bắt buộc thực hiện việc sang tên. Đây là nguyên nhân sâu xa dẫn đến những bất cập khi áp dụng chế tài xử phạt hiện nay.

Ngô Quý Đức (phụ trách Nhóm MyHanoi)

 

Hoàng Sơn
BÀI ĐỌC NHIỀU:
[links()]

Bình luận(0)