Nghị định 71: “Gây hoang mang cho dân là không được“

Google News

Theo Luật sư Nguyễn Thúy Hằng: "Việc Nhà nước siết chặt quản lý đối với các phương tiện giao thông là tốt và cần thiết. Thế nhưng...".

- "Việc Nhà nước siết chặt quản lý đối với các phương tiện giao thông là tốt và cần thiết. Thế nhưng, Nghị định 71 vừa có hiệu lực đã đòi xử phạt người dân chưa sang tên đổi chủ theo đúng quy định của pháp luật thì chẳng khác nào thấy người ta chửa hôm trước mà hôm sau đã bắt đẻ", Luật sư Nguyễn Thúy Hằng, Trưởng Văn phòng Luật sư Địa Cầu, Đoàn Luật sư Hà Nội ví von.

bà
Luật sư Nguyễn Thúy Hằng, Trưởng Văn phòng Luật sư Địa Cầu, Đoàn Luật sư Hà Nội.
Dân hoang mang cũng dễ hiểu!

Mấy ngày nay, người dân đang rất hoang mang trước việc phương tiện giao thông không sang tên đổi chủ sẽ bị xử phạt từ 800.000 - 1.200.000đ (đối với xe máy) và từ 6 - 10 triệu đồng (đối với ô tô), theo Nghị định 71/2012 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ vừa có hiệu lực. Theo bà thì vì sao nội dung này lại gây ồn ào đến thế?

Sở dĩ người ta hoang mang là vì đã có sự hiểu chưa đầy đủ, rằng cứ xe không chính chủ là bị phạt, trong khi điều 33 của Nghị định này ghi rõ sẽ xử phạt trường hợp "Không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định", nghĩa là phải thực hiện sang tên đổi chủ. Nguyên nhân của sự hiểu chưa tới ấy là vì người ta giải thích luật không rõ ràng.

Thêm vào đó, chúng ta đã có Thông tư của Bộ Công an về đăng ký xe, thủ tục sang tên. Theo đó, các chủ phương tiện sau khi mua, bán trong vòng 30 ngày phải đến cơ quan đăng ký, quản lý phương tiện làm thủ tục sang tên, chuyển quyền sở hữu. Quy định đã rõ ràng như vậy thế nhưng mình thả lỏng quá lâu rồi. Giờ đùng một cái ra văn bản đòi hỏi người ta phải làm ngay lập tức khiến họ trở tay không kịp. Làm thế chả khác nào thấy họ chửa hôm trước mà hôm sau đã bắt đẻ. Vậy nên dân hoang mang cũng dễ hiểu!

Chúng ta đã bỏ bê việc thực hiện sang tên đổi chủ phương tiện trong một thời gian khá dài. Phải chăng ý bà là quy định này sẽ rất khó để đi vào cuộc sống?

Cái đó cũng có một phần, ở thời điểm này. Thêm nữa, nó còn vênh với Bộ luật Dân sự.

Cụ thể vênh như thế nào, bà có thể nói rõ hơn?

Bộ luật quy định đối với tất cả tài sản có đăng ký khi chuyển nhượng bắt buộc phải ra công chứng hoặc làm thủ tục chuyển giao. Tuy nhiên, cũng bộ luật này quy định quyền sở hữu gồm chiếm hữu, sử dụng và định đoạt. Do đó, việc người ta cho, biếu, tặng phương tiện mà không cần qua công chứng cũng là quyền cá nhân của họ. Không cẩn thận, xử phạt việc không thực hiện sang tên đổi chủ này sẽ là vi hiến.

Nhưng chẳng lẽ những người làm luật lại không tính đến điều đó?

Cái đấy thì phải hỏi Bộ Giao thông Vận tải và những người làm công tác tham mưu cho Chính phủ khi ban hành Nghị định này. Nhưng tôi cho rằng, để ra một điều luật mà gây mông lung, hoang mang trong dân chúng là không được. Lỗi đó có một phần trách nhiệm của những nhà làm luật. Luật thì phải trong sáng, dễ hiểu và chỉ hiểu theo một cách thôi.

Bà nghĩ sao khi có ý kiến cho rằng, quy định này là không sát thực tế?

Thực ra thì luật phù hợp với mặt quản lý hành chính Nhà nước đấy chứ. Thêm vào đó, người dân cũng rất muốn quyền sở hữu của họ. Chẳng ai lại không thích đi xe đứng tên mình cả. Luật quy định như vậy chính là bảo hộ quyền đó cho dân. Nhưng rõ ràng, cần phải có thời gian để người ta chuẩn bị.

Mỗi người nói một kiểu thì dân biết nghe ai!

Như bà đã chỉ ra, luật quy định rồi, phương tiện thì phải tiến hành sang tên đổi chủ. Do đó, việc người dân không thực hiện luật để bị xử phạt theo Nghị định 71 này cũng là điều đương nhiên chứ? Lỗi một phần do họ cơ mà?

Tôi không phủ nhận có một phần lỗi của người dân. Nhưng cũng cần đặt lại vấn đề rằng, tại sao dân không thực hiện luật? Đâu phải hoàn toàn do dân ta vô ý thức. Cái đó có trách nhiệm của những cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đấy chứ! Anh tuyên truyền gì cho dân? Tuyên truyền được bao nhiêu? Ngay luật mới ban hành mà anh giải thích cũng không cụ thể, mỗi người nói một kiểu thì dân biết nghe theo đường nào?

Thêm nữa, lâu nay người ta không thực hiện mà cũng có thấy ai nhắc nhở, xử lý đâu. Trong khi đó, phí sang tên đổi chủ lại cao, tới 12% giá trị xe thì chả ai dại gì mà thực hiện cả.

Nhưng chẳng lẽ cứ đổ cho phí với thuế cao, không có ai đốc thúc để rồi không thực thi luật à?

Đương nhiên là không phải thế. Tuy vậy, để người dân thực thi luật thì hãy cho dân thấy rằng, quyền của họ cao hơn nghĩa vụ. Trong khi thực tế, luật của ta lại đặt nghĩa vụ cao hơn quyền lợi. Ví như việc sang tên đổi chủ này, phí sang tên không theo người ta mua thực mà lại theo giá khung năm sản xuất. Xe có thể rất mới nhưng đời cũ, người ta mua rẻ hơn rất nhiều nhưng khi thực hiện sang tên thì bị đánh thuế có khi cao gần bằng tiền người ta mua xe thì còn ai dám đi lấy lại quyền lợi nữa?

Mới đây, khi trả lời báo chí, Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên (Cục trưởng Cục CSGT Đường bộ - Đường sắt, Bộ Công an) cho biết, tới đây sẽ có thông tư hướng dẫn, giảm mức lệ phí trước bạ này xuống chỉ còn 1 hoặc dưới 1%.

Việc giảm phí ấy là cần thiết và sẽ khiến người dân có động lực để đi thực hiện nghĩa vụ của mình. Nhưng đến bao giờ việc giảm phí ấy mới có hiệu lực mới là vấn đề cốt lõi.

Thêm gánh nặng cho cảnh sát giao thông

Nhiều người lo ngại việc xử phạt không sang tên đổi chủ này sẽ có những tiêu cực. Bà có cho rằng mối lo đó có cơ sở?

Nó hoàn toàn có cơ sở, ở cả cảnh sát giao thông và khâu hành chính thực hiện sang tên đổi chủ. Thế nhưng, tiêu cực ở khâu hành chính vẫn là mối lo lớn nhất. Thêm nữa, lại đang gây chồng chéo cho cảnh sát giao thông.

Vì sao vậy, thưa bà?

Vì thẩm quyền của cảnh sát giao thông là xử phạt những hành vi vi phạm luật giao thông, như vượt đèn đỏ, đi lấn tuyến... Giờ lại giao cho họ xử phạt xe không sang tên đổi chủ là gây thêm gánh nặng cho họ. Chưa kể, việc xử phạt này rất khó chứng minh, chỉ khi nào người vi phạm thừa nhận chưa sang tên đổi chủ mới xử phạt được thôi.

Có luồng ý kiến cho rằng, nên xóa bỏ điều khoản xử phạt xe không sang tên đổi chủ này. Quan điểm của bà thế nào?

Tôi cho rằng không nên bỏ. Chỉ là cần phải kết hợp giữa cả hình thức và nội dung thực hiện và chưa nên tiến hành vào lúc này thôi.

Kết hợp cả nội dung và hình thức là thế nào vậy, thưa bà?

Thứ nhất, về mặt hình thức thì phải tạo cơ chế thông thoáng, thuận lợi để người dân không bị mất quá nhiều thời gian, công sức trong việc sang tên đổi chủ. Về nội dung, phí sang tên cần phải nhanh chóng hạ xuống ở mức hợp lý để đại đa số người dân chấp nhận được. Còn về lâu dài, nên giao việc quản lý phương tiện này cho cấp cơ sở, hình thức quản lý như là với hộ tịch, hộ khẩu. Sinh ra cảnh sát khu vực để làm gì? Họ cũng cần được giao trách nhiệm trong việc quản lý này chứ không nên giao cho cảnh sát giao thông.

Xin cảm ơn bà về cuộc trò chuyện.
"Hiện, cả nước có khoảng 40% phương tiện giao thông chưa sang tên đổi chủ theo đúng quy định. Nếu bây giờ mà kiên quyết xử lý thì dù người dân có đổ xô đi đăng ký sang tên đổi chủ, cơ quan Nhà nước có làm cấp tập thì cũng không thể giải quyết nổi trong một thời gian ngắn. Do đó, cần phải giãn thời gian ra để không gây áp lực lên chính người dân và cơ quan hành chính. Đồng thời, vẫn phải đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật. Có thể, nửa năm sau thực hiện việc xử phạt sẽ hợp lý hơn".
LS Nguyễn Thúy Hằng
 
Vũ Thủy (Thực hiện)
 

Bình luận(0)