Ghé thăm hồ nước Lugu nơi phụ nữ muốn lấy bao nhiêu chồng tùy thích

Google News

Hồ nước Lugu ở chân dãy Himalaya là quê hương của tộc Mosuo, nơi phụ nữ được quyền chọn chồng, sinh và nuôi con nhưng không sống chung với chồng.

 
Người Mosuo có dân số khoảng 40.000 người và hàng thế kỷ qua họ chỉ sinh sống ở bờ hồ nước Lugu - ranh giới giữa tỉnh Tứ Xuyên - Vân Nam (Trung Quốc) và vùng núi bao quanh. Họ sống tụ lại cùng nhau trong những ngôi làng đẹp như tranh vẽ với mái nhà gỗ mộc mạc.
Ở độ cao 2.700 m so với mực nước biển, thành phố gần nhất cách tới 6 tiếng đi xe, hồ Lugu là một vùng xa xôi hẻo lánh nên những phong tục tập quán độc đáo của người Mosuo vẫn được bảo tồn.
 
Một trong những tập tục đặc biệt ở đây là zouhun (có nghĩa là "cưới đi"). Sau lễ trưởng thành, những phụ nữ Mosuo có thể tự chọn người mình yêu và nhiều bao nhiêu tùy thích. Trong suốt những cuộc hôn nhân, đàn ông sẽ tới thăm nhà phụ nữ theo lời mời, và ngủ lại qua đêm trong "phòng hoa", nghỉ ngơi một ngày rồi quay về nhà họ. Các cặp vợ chồng không sống với nhau và những đứa trẻ sinh ra cũng được nuôi nấng hoàn toàn bởi gia đình người mẹ, các anh em trai và chú bác vẫn có vai trò là cha anh.
 
Đàn ông vẫn đóng vai trò quan trọng trong xã hội của người Mosuo. Theo truyền thống, họ thường phải xa làng, đi theo những đoàn buôn lớn để bán các sản vật địa phương. Họ cũng có trách nhiệm xây dựng nhà cửa, đánh bắt cá và làm thịt các loại gia súc. Tuy không có trách nhiệm nuôi con, họ vẫn phải cung cấp tài chính cho các cháu đang sống trong nhà riêng của chúng.
 
Mặc dù hồ Lugu được coi là một trong số ít vùng đất còn tồn tại chế độ mẫu hệ, đây mới chỉ là những truyền thống mang tính "mẫu hệ" của người Mosuo. Đàn ông vẫn có quyền lực chính trị trong xã hội lớn hơn còn phụ nữ, lại đứng đầu mọi việc trong nhà (chủ hộ) và quán xuyến những nguồn lực trong gia đình.
Của cải được truyền lại thông qua người mẹ sau khi qua đời, vì thế phụ nữ Mosuo luôn có nhiều đặc quyền và sự tự do của mình.
 
Yang Zhaxi là một nhạc công trẻ, sinh ra và lớn lên theo tục lệ của người Mosuo, được nuôi dưỡng bởi mẹ và các chú, dì. Cha ruột của anh thường xuất hiện khi anh còn bé, tuy nhiên Yang Zhaxi vẫn nhớ về những chuyến hái nấm và đốt lửa cùng với ông. Cha của Zhaxi sống cùng làng và hai cha con vẫn giữ mối quan hệ gắn bó mật thiết.
 
"Thực sự mọi thứ đều phụ thuộc vào tính cách của nam giới. Nếu ông ấy là người tốt bụng, cho dù cuộc hôn nhân thất bại, ông vẫn sẽ chăm sóc con, mua quà và hỗ trợ việc học hành. Sau tất cả thì chúng vẫn là con của ông dù trách nhiệm nuôi nấng không thuộc về ông", Zhaxi chia sẻ.
 
Nét độc đáo trong hôn nhân của người Mosuo so với những xã hội truyền thống khác là các mối quan hệ vẫn phát triển bình thường và phụ nữ không phụ thuộc đàn ông về thu nhập. Dì của Zhaxi, Yang Congmu, là một Dabu (hay chủ hộ gia đình), được trao chìa khóa nhà kho, một hành động tượng trưng cho việc cô trở thành chủ hộ. Chồng đầu tiên của cô là một thợ mộc và họ gặp nhau khi ông đang xây nhà
 
"Sau một thời gian, tình cảm phai nhạt dần. Chồng tôi không thực sự sở hữu thứ gì cả để có thể chăm con cái, ông ấy cũng không tới thăm chúng tôi nữa. Trong văn hóa Mosuo, các mối quan hệ cũng ảnh hưởng lẫn nhau. Khi quan hệ nhạt dần thì chúng tôi tiếp tục tìm kiếm người mới", Congmu chia sẻ.
 
Người Mosuo không được chính phủ Trung Quốc công nhận là một trong 55 dân tộc chính thức vì dân số quá ít. Trong thẻ công dân của Zhaxi, anh được ghi là người dân tộc Mông Cổ.
Theo truyền thống, dân Mosuo theo mẫu hệ và mang niềm tin vào thần Mẹ. Hệ thống tín ngưỡng cổ xưa này gần đây đã được hòa trộn với Phật giáo của người Tây Tạng khi nhiều gia đình gửi nam giới trong nhà đi học làm sư thầy.
Người Mosuo cũng có những niềm tin lạ thường khác ví như sự sùng kính loài chó. Một câu chuyện thần thoại từ xa xưa được truyền lại là loài chó có tuổi thọ tới 60 năm, trong khi loài người chỉ sống được 13 năm. Người và chó đồng ý tráo đổi tuổi thọ và con người hứa hẹn sẽ trả ơn bằng cách sùng kính loài chó.
 
Zhaxi kể: "Ông của tôi từng kể cho tôi một chuyện cũ, một trung đội trong đoàn quân của Thành Cát Tư Hãn đi qua khu vực này trên đường chiến đấu và đã yêu vẻ đẹp của hồ nước Lugu. Họ quyết định định cư ở đây và đó là nguồn gốc của tộc người Mosuo".
 
Một con đường mới và sân bay được xây dựng gần đó đã mở cửa năm 2015, khiến ngày càng nhiều du khách tới khám phá khu vực bờ hồ Lugu, họ đem tới nhiều thứ mới mẻ. Văn hóa Mosuo mới đây biến chuyển nhiều khi phải hài hòa giữa những nét truyền thống và sự hiện đại.
"Dân làng sống quanh hồ dần xây thêm khách sạn cho khách du lịch. Nhiều gia đình có nhà ở vị trí thuận lợi thì trở nên giàu có. Giao thông cũng trở nên thuận tiện hơn và người Mosuo đang đi ra thế giới nhiều hơn để trải nghiệm những điều mới mẻ", Zhaxi chia sẻ.
 
Cái nhìn của người Mosuo về tình yêu và hôn nhân cũng thay đổi dần dần bởi có sự tác động từ thế giới bên ngoài. Người Mosuo trẻ tuổi đang bị hấp dẫn bởi những câu chuyện tình cảm lý tưởng trong các bộ phim tình cảm lãng mạn và dần chọn cách kết hôn theo truyền thống Trung Quốc. Các cặp đôi kết hôn và gửi lời thề hẹn sẽ sống bên nhau trọn đời.
Riêng Zhaxi cũng lấy vợ là người ngoài tộc Mosuo (một người Hán) và sống cùng vợ con, họ tin vào một cuộc sống đơn giản hơn. Cùng lúc đó anh vẫn phải lo cho những đứa cháu, con của chị em gái.
Theo Dân Việt

>> xem thêm

Bình luận(0)