Cha con người lính già nghèo khó, đói khát

Google News

(Kiến Thức) - Đó là gia cảnh đáng thương của gia đình chú Nguyễn Ngọc Trung (56 tuổi) trú tại tổ 19, thôn 3, xã Bình Giang, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam.


Rời chiến trường Campuchia trở về, chú Nguyễn Ngọc Trung bị mắc di chứng nặng nề của chất độc màu da cam. Chú sinh được 2 con thì 2 đứa đầu óc đều khờ khạo, thành ra việc học hành cũng không đến nơi đến chốn. 

Mỗi ngày trôi qua, thân thể chú thêm tiều tụy, đôi chân teo tóp, run rẩy phải chống nạng lê đi. Mọi gánh nặng gia đình đè nặng lên đôi vai gầy guộc của người vợ tảo tần. Rồi đến khi người vợ ngã bệnh bởi căn bệnh ung thư xương quái ác cũng không có tiền chạy chữa, phải nằm thoi thóp, quằn quại chờ ngày chết trong niềm tuyệt vọng.

“Ngày trước vợ tui còn sống cũng vì chịu thương chịu khó làm lụng, thức khuya dậy sớm cày thuê cấy mướn, rồi dầm mình hàng giờ dưới sông Trường Giang để mò cua bắt ốc về nuôi cả nhà nên mới kiệt sức mà ngã bệnh rồi ra đi”, chú Trung bồi hồi nhớ lại.

Căn nhà rách nát như cái chòi của gia đình chú Trung nằm lọt thỏm giữa một cánh đồng hoang vắng của xóm Sằm Kè vốn nổi tiếng là nghèo nhất nhì của huyện. Ngôi nhà dựng lên từ 4 tấm phên tre vách nứa cuối cùng không thể tiếp tục che chở cho gia đình nên gần đây chú Trung đã rời về sống trong ngôi nhà của cha mẹ để lại. 

 Chú Trung đứng trước ngôi nhà của gia đình mình. (Ảnh cũ do nhân vật cung cấp)
Chú Trung (bên phải) được bà con chòm xóm đến thăm hỏi ở ngôi nhà cha mẹ để lại.

Từ ngày gác súng đến nay, chú Trung hầu như quanh năm suốt tháng chỉ lẩn quẩn ở nhà, còm cọm nhặt nhạnh từ mảnh vườn để có cái cho vào bụng 3 cha con. Từ khi vợ chú mất, 3 cha con chú Trung lại càng khốn khó, chật vật, thiếu thốn đủ bề. Giờ ở cái tuổi 56 nhưng nhìn chú Trung đầu đã bạc, khuôn mặt nhăn nheo.

Cả 5 tháng nay (kể từ khi vợ chú mất), 3 cha con hầu như không biết đến bữa sáng là gì. Bữa trưa và tối phải chắt bóp lắm mới có ít cho vào miệng.

Ngay cả con chó chú nuôi đã lâu cũng đành bỏ đi tìm chủ mới. “Người cũng bữa có bữa không nói chi đến chó!”, chú Trung chua xót.

Thấy hoàn cảnh chú Trung cô độc, không nơi nương tựa nên chú Lê Thiện (60 tuổi, cùng xóm) vẫn thường xuyên đi vận động bà con, gom góp gạo đem sang giúp đỡ, ngoài ra cũng làm giúp chú Trung chuyện đồng áng, bếp núc hay đi chợ.

“Mùa nắng còn có người qua lại thăm hỏi, cho gạo còn đỡ chứ đến mùa mưa thì 3 cha con cả tuần lễ không có hột cơm vào bụng. Suốt ngày chỉ ăn khoai, nấu sắn cầm cự qua bữa. 2 đứa con thì khờ khạo, nói gì cũng ngớ nga ngớ ngẩn, chú Trung thì liệt đôi chân nên không đi đâu được”, chú Thiện chia sẻ.

Gia đình chú Trung là diện hộ nghèo nhất xã. Gia đình chỉ trông cậy vào 2 sào ruộng ít ỏi nhưng không thể tự canh tác được nên đến ngày mùa lại phải nhờ bà con xúm lại làm giúp. Chú Trung cũng được hưởng trợ cấp cho người tàn tật (do chú làm thất lạc giấy tờ nên không được hưởng chính sách cho thương binh) nhưng không thấm vào đâu.

“Gia đình chú Trung là một hộ gia đình có hoàn cảnh bi đát của địa phương. Cả nhà sống bằng nguồn trợ cấp của Nhà nước quả là khó khăn. Chúng tôi biết làm gì hơn khi điều kiện của đại đa phần người dân còn khó khăn”, bà Thủy Thị Chín, Hội từ thiện huyện Thăng Bình cho biết.

 Mọi sự hỗ trợ xin gửi về địa chỉ:

1. Chú Nguyễn Ngọc Trung (56 tuổi) trú tại tổ 19, thôn 3, xã Bình Giang, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam.

2. Hoặc Tòa soạn Báo điện tử Kiến Thức
Địa chỉ: tầng 5, Tòa nhà Láng Trung, số 60/850, phường Láng Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội.
Số điện thoại: (04) 62.765.887; (04) 62.765.886. Hotline: 098.884. 4039.
Số tài khoản ngân hàng: 126.10.000.119.106 tại ngân hàng BIDV chi nhánh Ba Đình (Hà Nội). Chủ tài khoản: Báo điện tử Kiến Thức
Xin vui lòng ghi cụ thể tên người được hỗ trợ hoặc tên bài báo có nhân vật được hỗ trợ. Kienthuc.net.vn cam kết chuyển tận tay. 

Trân trọng!
TIN LIÊN QUAN
BÀI ĐỌC NHIỀU

Ngồi rúm ró trên cái giường ọp ẹp, chú Trung vừa nói chuyện vừa than thân trách phận. Từ ngày cô Lợi (vợ chú Trung) mất, cái đói cái khát luôn ám ảnh 3 cha con chú. Nếu không nhờ vào đồng tiền trợ cấp của Nhà nước, sự cưu mang, đùm bọc của bà con chòm xóm thì cũng không sống được đến ngày hôm nay. Một đứa con vì không có miếng ăn phải gửi vào chùa làm công quả.
Lưu Minh

Bình luận(0)