ĐD Nguyễn Quang Dũng lên tiếng về chi tiết tranh cãi trong “Tháng năm rực rỡ“

Google News

(Kiến Thức) - Bộ phim "Tháng năm rực rỡ" gây sốt rạp chiếu những ngày vừa qua. Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng chia sẻ những câu chuyện thú vị xung quanh bộ phim cũng như giải đáp những chi tiết gây tranh cãi.

>>> Mời quý độc giả xem trailer phim "Tháng năm rực rỡ". Nguồn Youtube:
“Doanh thu gần 50 tỷ mới hoà vốn”
- Bộ phim "Tháng năm rực rỡ" do anh đạo diễn vừa ra mắt đã nhận được rất nhiều sự quan tâm của khán giả. Sau tuần đầu công chiếu phim đạt doanh thu 35 tỷ. Anh cảm thấy thế nào trước thành công bước đầu này?
- Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng: Bộ phim ra mắt được khán giả đón nhận dĩ nhiên tôi thấy rất vui. Hiện tại, tôi vẫn chưa nắm được doanh thu của phim tính đến thời điểm này. Tuy vậy, phim đầu tư cao nên cũng cực. Doanh thu của phim phải đạt khoảng gần 50 tỷ mới hoà vốn.
 Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng. Ảnh: Saostar
- “Tháng năm rực rỡ” được remake lại từ bộ phim nổi tiếng “Sunny”. Anh có gặp áp lực khi thực hiện bởi bản gốc là phim ăn khách nhất nhì xứ Hàn, với 7,5 triệu khán giả?
- Đây là phim nhà đầu tư chọn lựa và mời tôi làm đạo diễn. Lúc đầu khi họ đưa phim cho tôi xem tôi thấy rất thích, nhưng cũng nghĩ, khó chuyển thể sang phiên bản Việt Nam. Bởi, đây không phải là dạng phim công thức, nó thiên về cảm xúc, giống phim nghệ thuật.
Bộ phim mạnh mẽ, có tí khắc nghiệt, bạo lực học đường cũng rất mạnh. Tôi đã nghĩ mãi tìm cách nào để chuyển thể mà khán giả xem không bị sốc vì bản Hàn tôi xem cũng hơi sốc thật. Sau đó tôi nghĩ, nếu làm hơi mơ mộng, thời tuổi trẻ thì OK. Tinh thần của phim "Tháng năm rực rỡ" cũng nhẹ nhàng, mơ mộng chứ không mạnh mẽ như bản Hàn.
- Bộ phim phác hoạ những năm 1974-1975, anh và ê-kíp có gặp khó khi tái hiện lại giai đoạn này, ví như về phục trang, bối cảnh?
- Điều khó khăn là mình phải suy nghĩ lựa chọn theo thẩm mỹ bây giờ hay đúng như ngày xưa. Tôi nghĩ, phim của mình về thời tuổi trẻ nên phải vui vẻ. Bản thân tôi cũng xem hình ảnh về thời này, có những cá biệt, nhiều người mặc đồ màu sắc rất trẻ trung. Nên tôi quyết định chọn style của năm 70 nhưng với sự phối màu, màu sắc, thẩm mỹ gần gũi với giới trẻ bây giờ.
Ngoài điều kiện phim làm lại, cái khó nhất vẫn là chọn hướng đi nào. Mình chọn theo góc nhìn riêng, đó cũng là điều giúp mọi người dễ xem hơn. Nói chuyện xưa nhưng vẫn phải gần gũi với hiện tại.
Khi phim công chiếu, nhiều bạn trẻ xem xong bày tỏ họ có sự đồng cảm, nhìn thấy hình ảnh của mình trong phim. Đó là điều mình rất trân trọng.
 Dàn diễn viên phim Tháng năm rực rỡ. Ảnh: Zing
- Xem “Tháng năm rực rỡ”, nhiều người cũng tò mò thanh xuân của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng ra sao, anh có thể chia sẻ?
- Cũng bình thường thôi (cười). Dạo nhỏ tôi sợ đi học lắm. Ngày tốt nghiệp còn ăn mừng, trời ơi thế là cuối cùng cũng thoát ra khỏi trường học rồi, chứ ngày nào cũng phải dậy sớm đi học, rồi trả bài sợ lắm (cười).
Nói về thời trẻ tôi không phải tiếc nuối, nhớ nhung gì ghê gớm vì bản thân thấy bây giờ mình vẫn còn thanh xuân, vẫn vui, hạnh phúc, yêu đời. Dĩ nhiên những chuyện cũ cũng có giá trị riêng của nó.
Tôi cũng có một nhóm bạn gần 10 người, bạn học từ lớp 6 tới bây giờ vẫn còn chơi với nhau.
“Có thể mình sai tí xíu nhưng có cảnh quay đẹp”
- Trong phim Tháng năm rực rỡ, có một số chi tiết bị cho là vô lý, thiên về bạo lực, phản giáo dục chưa phù hợp với văn hoá Việt Nam như cảnh phụ huynh lập hội đánh bạn cùng lứa của con gái, hay cảnh hai nữ học sinh nhỏ tuổi uống rượu say xỉn… Anh nói gì về những chi tiết này?
- Tôi thấy bình thường. Có những cái trong phim không phải là thật, thậm chí đó chỉ là ước mơ, trong lòng mình muốn làm mà không làm được ngoài đời thì mang vào phim.
Thực ra cảnh đánh ở đây chỉ là cảnh hài, xem thấy vui chứ không phải màn trả thù gì ghê gớm. Nó rất là phụ nữ. Còn cảnh uống rượu cũng bình thường, tuy không phải đại trà nhưng vẫn có trong cuộc sống. Thực ra trẻ con bây giờ ngoan hơn ngày xưa đấy. Dĩ nhiên trong phim có những chi tiết đặc biệt sẽ có người thích người không thích, mình phải chấp nhận.
- Còn hình ảnh đám tang đậm chất Hàn thì sao thưa anh? Cả hình ảnh nhân vật nữ trong phim đi dự đám tang bạn mà vẫn tươi rói?
- Cảnh đám tang tôi cũng suy nghĩ nhiều. Đây là cảnh mô tả sau một ngày đám tang chỉ còn lại nhóm bạn ở lại đêm khuya. Ban đầu chị Hồng Ánh diễn khóc, nhưng tôi nghĩ không nên, như vậy sướt mướt quá. Việc nhân vật Mỹ Dung (Thanh Hằng đóng) bị ung thư chết là kết cục được báo trước, không quá bất ngờ. Tôi muốn tạo sự cảm động ở tình cảm chia sẻ của bạn bè dành cho nhau hơn là cái khóc bi thương.
Bên cạnh đó, nếu làm theo đám tang theo truyền thống của người Việt thì không biết làm thế nào cho sáng sủa, nó cũng không hợp với nhạc nền. Ngay cả hoa cũng vậy, thời đó không có kiểu hoa này, hoa đám tang trong phim là hoa của thời bây giờ. Nếu chọn hoa đám tang ngày xưa về mặt thẩm mỹ không đẹp. Tôi nghĩ rằng, có thể mình sai một tí xíu nhưng làm cho cảnh quay đẹp, nó trong sáng, có hy vọng hơn.
 Nhóm Ngựa Hoang khi trưởng thành. Ảnh: Zing
 Cảnh đám tang đậm chất Hàn trong "Tháng năm rực rỡ". Ảnh: Zing
- Trong quá trình quay phim “Tháng năm rực rỡ” đâu là cảnh quay để lại cho anh nhiều ấn tượng nhất?
Cảnh quay cực nhất trong phim là cảnh biểu tình. Cảnh đó thực hiện rất kỳ công, sát ngày quay vẫn chưa biết làm thế nào. Đoàn phim có lên Đà Lạt tìm bối cảnh mấy con dốc, hẻm, tuy nhiên, quay hình ảnh những năm 1970 nhưng không có gì đặc trưng, toàn quay ăn gian hoài cũng không được, ê-kíp lại quyết định đổi hướng.
Chúng tôi dự tính ra chỗ chợ Hoà Bình quay, tuy vậy ở đây cũng khó, máy quay nhấc qua nhấc lại là lộ ra những cảnh hiện đại. Có người còn sợ lỡ mặc đồ chế độ cũ, cấm đường rồi dàn cảnh biểu tình mà bị ai đó chụp đưa lên mạng nói sai sự thật thì cũng phiền. Cuối cùng ê-kíp họp bàn chọn dựng cảnh trên Sài Gòn.
Cũng vì phim chọn bối cảnh là Đà Lạt nên khi quay diễn viên phải diện quần áo giống trên Đà Lạt để quay tại Sài Gòn. Trời nóng, quay xong cảnh buổi sáng các diễn viên quần chúng bỏ về. Để kịp tiến độ, đoàn phim đã phải gom cả nhân viên ánh sáng, phụ quay để thay thế làm diễn viên quần chúng.
“Thanh Hằng diễn hay tôi rất thích”
- “Tháng năm rực rỡ” quy tụ dàn nữ diễn viên đông đảo. Trong số đó anh hài lòng với diễn xuất của ai nhất?
Với phim này tôi thích Hoàng Yến Chibi nhất. Vai đó là quan trọng ảnh hưởng đến tinh thần của bộ phim rất nhiều. Rõ ràng tôi đã đặt đúng vị trí xương sống của bộ phim. Yến đã làm rất tốt, từ diễn xuất đến thần thái. Gương mặt của Yến sáng bừng làm cho khán giả xem thấy thoải mái, yêu mến nhân vật.
- Hoàng Yến Chibi có cảnh chửi xối xả trong phim. Cảnh quay này được thực hiện thế nào thưa anh?
- Cảnh Yến chửi xối xả cũng khó, phải quay hai lần. Với cảnh này tôi cần Yến “bắn liên thanh” không được lấy hơi. Lần đầu Yến đọc cũng được nhưng không nhanh như tôi mong muốn. Quay xong Yến ra khóc kiểu như không hài lòng, nhưng không có thời gian để làm lại. Sau đó, chúng tôi đã sắp xếp một buổi quay khác để Yến diễn lại. Lần này Yến đọc rất nhanh nhưng khi về dựng mọi người không nghe nổi vì Yến đọc nhanh quá. Trên phim là mọi người nghe đoạn Yến nói chậm nhất.
 Hoàng Yến Chibi được nhiều người khen ngợi về diễn xuất trong bộ phim. 
- Còn Thanh Hằng, anh đánh giá diễn xuất của chân dài này ra sao? Nhiều người cũng tò mò, vì sao Thanh Hằng thường xuyên góp mặt trong phim của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng?
- Mọi người cứ nghĩ Thanh Hằng là người mẫu nên nhiều khi không công bằng cho Thanh Hằng. Lý do tôi vẫn làm việc với Thanh Hằng vì thái độ của cô ấy rất tập trung. Với tôi, Thanh Hằng diễn hay, nhẹ nhàng không bị kịch. Tôi rất thích nên hay mời Thanh Hằng đóng phim là như vậy.
- Trong "Tháng năm rực rỡ", nhiều người cho rằng Thanh Hằng đóng vai nhân vật Mỹ Dung bị ung thư giai đoạn cuối mà xinh đẹp quá, không giống thần thái một người bị bệnh hiểm nghèo?
- Ung thư cũng có nhiều loại ung thư chứ. Thực ra, Thanh Hằng cũng trẻ hơn so với nhân vật. Tôi cũng cân đo đong đếm việc này, nhưng giữa một người ngoại hình giống người bệnh và một người diễn tốt hợp vai thì mình phải chọn diễn xuất thôi.
- Cảm ơn đạo diễn Nguyễn Quang Dũng về cuộc trò chuyện!
Nguyệt Cát

>> xem thêm

Bình luận(0)