Ông Lê Doãn Hợp: Minh bạch chống nhiễu loạn thông tin

Google News

(Kiến Thức) - "Thời đại bây giờ là thời đại thông tin, do vậy sợ nhất là thiếu thông tin và nhiễu thông tin...", ông Lê Doãn Hợp nêu quan điểm.

"Thời đại bây giờ là thời đại thông tin, do vậy sợ nhất là thiếu thông tin và nhiễu thông tin. Vì thế, phải cung cấp đủ thông tin và xử lý nhiễu thông tin, mà muốn xử lý thì phải bằng lý lẽ, nói kịp thời, đúng lúc, đủ tầm song về điều này chúng ta vẫn còn yếu, chưa thuyết phục, thiếu nhanh nhạy và kịp thời", ông Lê Doãn Hợp, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông, Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam nêu quan điểm.
Cần tôn trọng sự thật
Thưa ông, thông thường trước mỗi sự kiện chính trị trọng đại của đất nước, trên mạng internet lại xuất hiện những thông tin xuyên tạc, gây kích động. Ông nghĩ thế nào về sự "trùng hợp" này?
Việc xuất hiện những thông tin như thế dường như là nhịp sống theo nhiệm kỳ rồi. Thứ nhất là do nhân sự của mình được lựa chọn theo cơ chế tiến cử, mỗi chức vụ chỉ chọn được một người trong khi có nhiều người cùng nuôi hy vọng, chính vì thế mà các nhóm lợi ích dễ tung ra tin đồn thất thiệt gây bất lợi cho người này để có lợi cho người khác. 
Thứ hai, khi một sự kiện chính trị diễn ra thì cũng là lúc các trào lưu chính trị khác nhau có dịp thể hiện. Do vậy, xuất hiện những thông tin trái chiều, không đúng gây nhiễu loạn thông tin là điều dễ hiểu. 
Và trong sự nhiễu loạn thông tin ấy thì có vẻ như việc phân định đâu là tin đồn vô căn cứ và đâu là tin có cơ sở không đơn giản, thưa ông?
Đúng thế. Tất nhiên, không phải cứ đưa lên mạng internet thông tin gì là người dân đều nghe và tin cậy cả. Người ta cũng biết tự sàng lọc, nhưng rõ ràng, nó đặt ra vấn đề trách nhiệm từ phía các cơ quan quản lý nhà nước là rất quan trọng. Khi có những tin đồn thất thiệt, thậm chí xuyên tạc, bịa đặt thì phải kịp thời nói lại để người dân được rõ, không nên né tránh, im lặng quá lâu.
Ông đánh giá thế nào về cách chúng ta ứng xử với sự nhiễu loạn thông tin hiện nay?
Nói chung, chúng ta đã làm khá tốt nhưng nhìn chung vẫn chậm, sức thuyết phục chưa cao, đang nặng về áp đặt một chiều, thiếu mềm dẻo và chậm trễ. Có những việc họ nói cả tháng rồi thì mình mới lên tiếng, khi đó người ta tưởng là đúng rồi, do vậy sức thuyết phục khi chúng ta nói lại không được như mong đợi. Chính vì phản ứng chậm nên nhiều khi, chúng ta phải chạy theo thông tin không chính thống để giải thích mà đáng ra chúng ta phải là người chủ động đưa thông tin kịp thời.
Vậy theo ông, làm gì để chúng ta không phải chạy theo thông tin như thế nữa?
Muốn vậy, phải có một đội ngũ theo dõi để bắt gặp thông tin sớm nhất và đưa đến các cơ quan chức năng xử lý kịp thời chứ không thể đợi xã hội ồn ào lên rồi mới vào cuộc thì không ổn. Thực tế có những thông tin tổn thất làm chúng ta không vui, nhưng suy đến cùng không có gì thuyết phục dư luận cao hơn là sự thật. Nên tôn trọng sự thật là yêu cầu cần thiết, khách quan. 
Ong Le Doan Hop: Minh bach chong nhieu loan thong tin
Ông Lê Doãn Hợp, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông, Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam. 
Công khai sẽ hết nhạy cảm
Ông nghĩ gì về quyền được tiếp cận thông tin của người dân?
Đó là quyền cao nhất của một xã hội dân chủ. Dân có quyền hỏi bất cứ cơ quan quản lý nào và bất cứ cơ quan quản lý nào cũng phải có nghĩa vụ trả lời, chỉ khi ấy xã hội mới thông thoáng, mới thực sự dân chủ. Cơ chế bây giờ đã tạo ra rất nhiều cách để trả lời, ví như họp báo, gặp mặt báo chí, trả lời trên báo... và việc trả lời ấy phải kịp thời, thuyết phục thì người dân sẽ hiểu và tin cậy hơn.
Trên thực tế vẫn có sự xung đột khi có điều người dân muốn biết nhưng dưới con mắt của người quản lý đó lại là những vấn đề nhạy cảm, không thể công khai?
Tôi nghĩ không nên đổ lỗi cho nhạy cảm. Mọi nhạy cảm càng cần phải làm rõ hơn, nhanh hơn. Càng nhạy cảm thì càng phải xử lý sớm, có tình có lý. Chỉ khi công khai mới hết nhạy cảm. Dĩ nhiên, có những vấn đề liên quan đến lợi ích quốc gia thì phải có cơ chế riêng. 
Theo ông thì những vấn đề như tài sản, thu nhập của quan chức có cần giữ bí mật không?
Đó là những điều người dân thực sự quan tâm và đáng được biết.
Nhưng không phải lúc nào người dân cũng được biết về điều đó?
Do vậy, phải hoàn thiện cơ chế để người dân có thể tiếp cận được những thông tin cần thiết này. Việc chúng ta xử lý thông tin chậm cũng sẽ khiến cho nhiều cán bộ dễ bị oan sai, đó là điều không nên có. 
Minh bạch chống nhiễu loạn
Ông đã bao giờ bị những tin đồn ác ý, thất thiệt chưa?
Có chứ.
Ông xử lý thế nào?
Lúc ấy, tôi phải bình tĩnh để xem tin đồn ấy ở dạng gì. Bởi qua thực tế: Lợi ích khác nhau, tình cảm khác nhau và nhận thức khác nhau sẽ nói khác nhau. Nếu do tình cảm và lợi ích thì khó thay đổi lắm, chỉ có thể tác động vào những tin đồn mà nhiều người không rõ nên nghi ngại, lúc này bản thân phải hết sức bình tĩnh, nói lại cho đúng mức, đúng lúc, đúng chỗ và rất thiện chí, thuyết phục để định hướng đúng dư luận. 
Nếu cần đề xuất giải pháp để chống sự nhiễu loạn thông tin gây tâm lý hoang mang cho dân chúng, ông sẽ nói gì?
Thời đại bây giờ là thời đại thông tin, do vậy sợ nhất là thiếu thông tin và nhiễu thông tin. Vì thế, phải cung cấp đủ thông tin và xử lý nhiễu thông tin, mà muốn xử lý thì phải bằng lý lẽ, nói kịp thời, đúng lúc, đủ tầm song về điều này chúng ta vẫn còn yếu, chưa thuyết phục, thiếu nhanh nhạy và kịp thời. 
Chúng ta đã hội nhập với thế giới nên không thể cấm đoán được thông tin, do vậy phải quản lý bằng ba con đường. Trước hết, phải hoàn chỉnh luật lệ để ủng hộ người nói đúng và ngăn chặn, xử lý người nói sai; đề phòng hai xu hướng là cho nói đúng những điều đúng nhưng chưa khuyến khích nói đúng điều sai. Nếu biết góp ý vào những điều sai, rút kinh nghiệm nghiêm túc thì sẽ làm điều đúng được nhiều hơn. Thứ hai, phải nâng cao dân trí để tự phòng vệ chính đáng. 
Thứ ba là phải đấu tranh phản bác thông tin xuyên tạc một cách nhanh chóng, đúng và kịp thời. Phải dùng lý lẽ để đấu tranh lại những thông tin không đúng, người ta nói ở đâu thì phải nói lại ở đó. Chỉ khi nào có sự minh bạch mới chống được nhiễu loạn thông tin.
Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
"Tôi hoàn toàn đồng tình với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là bây giờ không thể cấm được việc người ta dùng mạng xã hội và tiếp cận thông tin từ mạng internet. Vấn đề phải làm sao để đưa được thông tin đúng, chuẩn mực hướng tới tầng đại trà là dân chúng. Càng thông thoáng thì càng dân chủ, càng dân chủ thì càng đóng góp cho Đảng và Nhà nước được nhiều để làm đúng nhiều hơn. Một Đảng cầm quyền phải nắm được trào lưu xã hội, xu thế tư tưởng, xu hướng chính trị để làm chủ dư luận tốt hơn, phải bình tĩnh để làm, không thờ ơ, thiếu trách nhiệm thì chắc chắn sẽ dẹp được nhiễu loạn thông tin".
Vũ Thủy (Thực hiện)

Bình luận(0)