Nhập nhèm giữa bằng cấp và chức tước

Google News

(Kiến Thức) - "Chừng nào vẫn bổ nhiệm theo bằng cấp thì chừng đó, việc mua bằng là lẽ đương nhiên", ThS Phan Văn Nhự nhấn mạnh.

Lý giải cho việc mua bán bằng giả vẫn tiếp tục diễn ra, thậm chí bằng tiến sĩ bây giờ có giá từ 7 - 9 triệu đồng, ThS Phan Văn Nhự cho rằng, gốc gác vẫn là do chúng ta đang có sự nhập nhèm giữa bằng cấp và chức tước, hiểu sai về nguồn nhân lực khu vực công. "Chừng nào vẫn bổ nhiệm theo bằng cấp thì chừng đó, việc mua bằng là lẽ đương nhiên", ông Nhự  nhấn mạnh.
7 - 9 triệu đồng/bằng: Quá đắt!
Công an TPHCM vừa triệt phá một đường dây làm bằng giả xuyên quốc gia. Theo đó, mức giá cho tấm bằng thạc sĩ và tiến sĩ là từ 7 - 9 triệu đồng. Có vẻ bây giờ, làm thạc sĩ, tiến sĩ dễ quá, thưa ông?
Chuyện bằng giả có từ lâu rồi chứ không phải bây giờ mới có. Và dĩ nhiên, nếu nhìn vào mức giá cùng với việc người ta rao bán công khai, lại chẳng cần học hành gì cho mất thời gian, công sức và tiền của mà vẫn có được bằng như ai thì rõ ràng dễ quá còn gì.
Với cá nhân ông, việc "đồng thau lẫn lộn" khi những người chỉ cần xòe ra ngót chục triệu đồng đã được xếp chung học vị với ông, thậm chí là trên ông thì ông thấy thế nào?
Đúng là có những người trình độ chẳng bằng mình nhưng đi đâu, thậm chí ký văn bản gì cũng gắn với cái mác tiến sĩ, rồi người ta được trọng dụng hơn mình vì điều đó thì cũng thấy bức xúc chứ.
Vậy với số tiền từ 7 - 9 triệu đồng để mua một tấm bằng tiến sĩ, theo ông thì nên định giá nó thế nào?
Quá đắt!
Ô, thế mà có người vẫn cho đó là giá "bèo" và xin lỗi ông, thậm chí có ý kiến còn bảo nó rất rẻ mạt?
Thử nghĩ xem, chỉ có một mảnh giấy với con dấu giả, chẳng có giá trị gì mà phải bỏ ra ngần ấy tiền thì quá đắt chứ gì nữa. Song tôi cho rằng, chỉ với những người có động cơ trục lợi hòng thăng tiến để kiếm tiền mới tính đến chuyện rẻ hay đắt. Khi đó, dù có phải bỏ ra tới 900 triệu đồng tôi tin vẫn có người mua. Bởi dư luận vẫn có chuyện ngồi vào chức nọ, vị trí kia phải mất ngần này, ngần ấy tiền. Dĩ nhiên, để xác minh điều đó rất khó, song không phải ngẫu nhiên có dư luận như thế. Còn với những người học thực sự thì không có tiền nào mua nổi được tấm bằng ấy đâu. 
Nhap nhem giua bang cap va chuc tuoc
ThS.NCS Phan Văn Nhự, Khoa Tổ chức và Quản lý nhân sự, Học viện Hành chính Quốc gia. 
Chắc chắn không phải để cống hiến
Điều mà dư luận quan tâm là ai mua bằng và bằng dùng để làm gì?
Tôi xin khẳng định luôn là hầu như chuyện mua bằng chỉ áp dụng trong khu vực công thôi, chứ khu vực tư nhân họ ít khi để ý chuyện bằng cấp lắm. Còn bằng để làm gì ư? Để cống hiến hay đơn thuần là để có được cái danh? Tôi tin chắc, người mua bằng để cống hiến thì không thể có. Bởi với những người làm nghiên cứu, giảng dạy như chúng tôi, nếu mang tấm bằng tiến sĩ mà không biết giảng cái gì, giảng không ai hiểu thì thà không có học vị còn hơn!
Theo ông thì vì sao chúng ta vẫn tiếp tục phải nghe những thông tin về việc triệt phá đường dây làm bằng giả như thế này (dĩ nhiên tôi không có ý bàn đến nghiệp vụ của cơ quan điều tra)?
Đó là hệ quả tất yếu của mối quan hệ cung - cầu thôi. Nhưng cái đáng nói là "cung" này không phải do kinh tế thị trường quyết định, nó nằm trong chính cách chúng ta quan niệm về nguồn nhân lực trong khu vực công. Nó đang có sự nhập nhèm giữa bằng cấp và chức tước, hiểu không đúng về bằng cấp nên mới thế.
Chẳng đâu tiến sĩ làm bộ trưởng như ta
"Tôi đã dự nhiều hội đồng bảo vệ luận án tiến sĩ và đã phải thốt lên rằng luận án của các ông cứ na ná như luận văn thạc sĩ, cử nhân ấy. Nó chỉ dày hơn, số liệu nhiều hơn thôi, chẳng có gì là mới, là phát minh, phát kiến cả. Lĩnh vực khoa học tự nhiên thì bằng tiến sĩ còn có thể có chất xám thực sự chứ lĩnh vực khoa học xã hội thì...".
ThS.NCS Phan Văn Nhự
Vậy phải hiểu như thế nào cho đúng về cái bằng, về nguồn nhân lực trong khu vực công, thưa ông?
Trên thế giới, nếu nói về nguồn nhân lực ở khu vực công thì có ba loại người cơ bản. Một là loại làm chuyên môn (được đào tạo qua các trường chuyên môn và suốt đời làm chuyên môn, như bác sĩ, kỹ sư giỏi thì suốt đời làm bác sĩ, kỹ sư giỏi). Hai là các nhà quản lý (học qua các trường quản lý và suốt đời làm quản lý). Ba là các chính khách (thường là người làm quản lý tham gia chính trường trở thành người lãnh đạo). Các trường đào tạo quản lý cao cấp trên thế giới không bao giờ cấp bằng tiến sĩ. Vì thế, hiếm bộ trưởng có bằng tiến sĩ như ở ta, nếu có thì rất hãn hữu bởi không phải ai cũng có khả năng làm chính trị. Điều đó không phải vì họ dốt mà người ta phân công rõ ràng rồi.
Chuyện "sính" bằng cấp ở ta đã được nói từ rất lâu rồi. Nhưng có vẻ như, nói mãi mà nó vẫn "trơ" ra như thế thì phải?
Phê phán mãi, triệt phá mãi mà có chấm dứt được đâu, vì cái đó chỉ giải quyết được phần ngọn. Gốc rễ phải xem lại chính cách quan niệm về công tác cán bộ. Tôi biết có nơi còn đưa ra luật bất thành văn là chỉ bổ nhiệm những người có bằng sau đại học. Mà để có được bằng ấy không đơn giản, nên người ta muốn được thăng chức thì phải đi mua và thường trong trường hợp ấy, cái bằng chỉ để trang trí. Thêm nữa là cán bộ của ta nhiều người đi lên từ phong trào, chẳng được đào tạo gì cả. Khi có tí chức tước rồi thì cũng muốn có được tấm bằng như ai. Cứ thế, nó thành bệnh mãn tính mất rồi.
Như thế nghĩa là chính cơ chế đang buộc người ta phải gian lận bằng cách mua bằng?
Đúng thế!
Đừng bổ nhiệm theo học vị nữa!
Theo ông thì việc dùng bằng giả sẽ gây hậu quả thế nào?
Làm sao mà đong đếm nổi hậu quả nếu như vì mua tấm bằng tiến sĩ, người ta được bổ nhiệm lên chức lãnh đạo rồi ban hành quyết định sai trái, đổ hàng nghìn tỷ đầu tư xuống sông xuống biển vì nhận thức hạn hẹp? Chưa kể, có thể người ta còn lợi dụng chức vụ mà trục lợi, tham nhũng... Rất khó để định lượng hậu quả nhưng có một điều chắc chắn, hậu quả ấy thật khôn lường!
Do vậy nếu chỉ xử lý thu hồi bằng, cách chức người mua bằng có vẻ sẽ là quá nhẹ?
Đúng. Tôi không ủng hộ cách làm này mà phải xử đến nơi đến chốn. Phải truy xem với tấm bằng ấy, người ta đã làm những gì, sai trái đến đâu để xử nghiêm theo pháp luật. 
Tiến sĩ, thạc sĩ bây giờ "đồng thau lẫn lộn" thì làm sao nhận biết được đâu là thật, đâu là giả, thưa ông?
Tôi cho rằng hãy lấy tiêu chí về sự cống hiến ra để phân định. Với những người làm công tác nghiên cứu thì ít khi có bằng giả lắm.
Theo ông, đâu sẽ là giải pháp căn cơ để chữa căn bệnh "sính" bằng cấp này?
Dĩ nhiên phải thay đổi nhận thức về nguồn nhân lực trong khu vực công rồi. Nên nhớ, chừng nào vẫn bổ nhiệm theo bằng cấp thì chừng đó, việc mua bằng là lẽ đương nhiên. Do vậy, then chốt thì đừng bổ nhiệm theo học hàm, học vị nữa, chắc chắn chúng ta sẽ ít có cơ hội nghe chuyện công an triệt phá đường dây mua bán bằng. 
Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện và tôi cũng mong là vậy.
Phòng CSĐT Tội phạm về trật tự xã hội (PC45), Công an TPHCM vừa phá một đường dây sản xuất bằng cao đẳng, đại học, thạc sĩ, tiến sĩ xuyên quốc gia, do đối tượng Phạm Đăng Thành (tự Long "chùa", SN 1990, ngụ tại tỉnh Quảng Ngãi, tạm trú quận 1) cầm đầu. Các đối tượng khai nhận, đường dây hoạt động từ tháng 2/2014 đến nay, bán ra thị trường khoảng 500 - 600 bằng khắp cả nước. Bằng cao đẳng, đại học được các đối tượng bán 5 - 7 triệu đồng/bằng; bằng thạc sĩ, tiến sĩ từ 7 - 9 triệu đồng.
Vũ Thủy (Thực hiện)

Bình luận(0)