Nâng cao trình độ tiến sĩ: Yêu cầu cao, có làm được?

Google News

(Kiến Thức) - Câu chuyện “tiến sĩ giấy” không còn mới, chuyện "bằng thật, học giả" cũng không phải là hiếm...

Nang cao trinh do tien si: Yeu cau cao, co lam duoc?
 Ảnh minh họa.
Câu chuyện “tiến sĩ giấy” không còn mới, chuyện "bằng thật, học giả" cũng không phải là hiếm; trăn trở vì sao đất nước có biết bao nhiêu giáo sư, tiến sĩ mà không có những phát kiến tầm cỡ nào, không tạo dấu ấn gì trong khoa học thế giới... không của riêng ai. Nâng cao yêu cầu trình độ tiến sĩ là cần thiết, nhưng liệu có làm được?
Bộ GD&ĐT vừa công bố dự thảo để lấy ý kiến thông tư quy định về khối lượng kiến thức tối thiểu, yêu cầu về năng lực mà người học đạt được sau khi tốt nghiệp đối với mỗi trình độ đào tạo của giáo dục đại học. 
Theo đó, đối với trình độ tiến sĩ, phải có hệ thống kiến thức toàn diện, tiên tiến và chuyên sâu; có tư duy nghiên cứu độc lập, sáng tạo; làm chủ được các giá trị cốt lõi, quan trọng trong học thuật; phát triển các nguyên lý, học thuyết mới của chuyên ngành nghiên cứu; có kiến thức tổng hợp về pháp luật, quản lý và bảo vệ môi trường; có tư duy mới trong lãnh đạo, điều hành giải quyết các vấn đề mới phát sinh ở các hoàn cảnh phức tạp khác nhau... 
ThS Trần Quang Thanh, giảng viên trường Đại học Duy Tân cho rằng, các yêu cầu này về lý thuyết thì khó mà đạt được, nhưng thực tế, mọi tiêu chí đưa ra cũng đều chỉ "phiên phiến". Đặc biệt nhất là yêu cầu về ngoại ngữ, có thể hiểu được các báo cáo phức tạp về các chủ đề cụ thể và trừu tượng, bao gồm cả việc trao đổi học thuật thuộc lĩnh vực chuyên ngành. Có thể giao tiếp, trao đổi học thuật bằng ngoại ngữ ở mức độ trôi chảy, thành thạo với người bản ngữ. Có thể viết được các báo cáo khoa học, báo cáo chuyên ngành, có thể giải thích quan điểm của mình về một vấn đề, phân tích quan điểm về sự lựa chọn các phương án khác nhau. 
Có bao nhiêu tiến sĩ hiện nay dám tự tin rằng mình đã đáp ứng đủ các yêu cầu đó? Giả sử sẽ lấy các tiêu chí này để thanh lọc lại đội ngũ tiến sĩ, coi như một bước "sàng lọc", bao nhiêu người sẽ rớt? Vậy nên, yêu cầu cao là tốt, nhưng vô cùng khó đạt được trong điều kiện đào tạo ở Việt Nam hiện nay. Liệu tới đây, chúng ta sẽ không có hoặc rất hiếm người là tiến sĩ?
Đáng nói, các yêu cầu trình độ đối với tiến sĩ hiện nay cũng không phải là thấp, nhưng vì sao vẫn xuất hiện tình trạng những tiến sĩ dởm, bằng cấp không tương xứng với trình độ? Mấu chốt là vấn đề con người, người học tiến sĩ, hội đồng phản biện... liệu có "qua loa", "đại khái" cho qua để cho "ra lò" những tiến sĩ thực sự có chất lượng hay không?
Hà Bình

Bình luận(0)