Mỏ vàng Phước Sơn: 22 tấn vàng nhưng hớ hênh... mất toi 15 tấn rồi!

Google News

(Kiến Thức) - "Vàng Phước Sơn có trữ lượng 22 tấn, chứ không phải 7 tấn như cấp phép. Từ lúc cấp giấy phép là ta đã cho không họ 15 tấn vàng rồi".

Mỏ vàng Bồng Miêu, một trong hai mỏ vàng của Besra Việt Nam tái hoạt động trở lại từ 30/9 sau khi bị tạm ngừng hoạt động kể từ tháng 7/2014 liên quan đến khoản nợ thuế gần 300 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Thành Sơn, nếu không sớm đóng cửa hai nhà máy này thì tài nguyên của Việt Nam sẽ còn chảy mất nhiều.
Cấp phép hớ hênh
- Theo ông, có cách nào để thu được số thuế mà công ty khai thác vàng Bồng Miêu và Phước Sơn đã trốn không?
Theo tôi, cái gì chúng ta không cần, nền kinh tế chưa có nhu cầu thì không nên động đến, không nên khai thác. Hiện chỉ có mấy thứ mà chúng ta nên khai thác và khai thác có hiệu quả là than, dầu, khí, cát, đá, sỏi, nước ngọt. Còn các tài nguyên khác thì nền kinh tế chưa cần, thậm chí nếu nhập khẩu thì rẻ hơn nhiều, ví dụ như nhôm, sắt. Tốt nhất là không cấp phép khai thác những loại khoáng sản này, càng để lâu càng tốt.
- Có người cho rằng, nếu đóng cửa tập đoàn này thì nhiều người sẽ mất việc, thiệt hại sẽ lớn?
Phía tập đoàn thì họ chẳng lỗ đâu. Chúng ta hớ hênh từ lúc cấp phép, họ đã thu lợi từ lúc nhận được giấy phép. Vàng Phước Sơn có trữ lượng là 22 tấn chứ không phải là 7 tấn như cấp phép đâu. Từ lúc cấp giấy phép là ta đã cho không họ 15 tấn vàng rồi! Nên giờ có đóng cửa thì cũng chẳng thiệt hại gì, vì họ có đầu tư gì đâu. Khai thác vàng ở Phước Sơn giống như khai thác vàng thổ phỉ, không có công nghệ gì là tiên tiến cả. 
- Rõ ràng trong câu chuyện này có lỗ hổng chính sách. Việc để cho một tập đoàn nước ngoài vào khai thác tài nguyên mà còn nợ thuế cả trăm tỉ đồng khiến dư luận đặt câu hỏi lỗ hổng ở chỗ nào?
Lỗ hổng lớn nhất là từ phía quản lý nhà nước, cao hơn nữa là lỗ hổng từ người dự thảo luật, thông qua luật và thực hiện luật. Chúng ta có nhiều luật, nhiều quy định, nhiều về số lượng nhưng chất lượng thì ít. Văn bản quy phạm pháp luật rất nhiều nhưng nặng về hình thức, nhẹ về nội dung. Rồi cách hiểu về ai là chủ nhân của tài nguyên khoáng sản cũng lờ mờ. Trong Hiến pháp đã quy định rõ tài nguyên khoáng sản thuộc sở hữu toàn dân, nhà nước được người dân ủy quyền làm đại diện chủ sở hữu. Chủ mỏ chỉ là chủ đầu tư chứ không phải chủ sở hữu. Thế nhưng, chúng ta lại cứ mặc nhiên chủ mỏ là chủ sở hữu.
TS Nguyễn Thành Sơn, Giám đốc Ban quản lý Các dự án than Đồng bằng Sông Hồng, Tổng Công ty khoáng sản Vinacomin. 
Lấy cái sai sau sửa cái sai trước
- Ông vừa nói đến kẽ hở để doanh nghiệp có thể lách luật, ông có thể nói rõ hơn?
Việt Nam có kiểu quy định thuế suất là từ 5 - 10%, từ 10 - 20%... Tôi cho rằng đây là một kiểu quy định không quy định và là kẽ hở lớn nhất, làm lợi cho những người thi hành luật, cán bộ thuế hơn là có lợi cho ngân sách. Nếu quy định thế thì người ta có thể áp 5% cũng được, 10% cũng đúng. Trong khi đó, thuế suất là linh hồn của thuế, là xương sống của thuế, giá tính thuế. Thuế trong lĩnh vực tài nguyên khoáng sản linh tinh, không ổn định, người ta hay dùng cái sai sau để sửa cái sai trước.
- Thế còn cách đánh thuế hiện có gì bất cập không?
Pháp lệnh năm 1998 quy định giá tính thuế là giá bán sản phẩm tại nơi khai thác. Luật 2009 quy định giá tính thuế là giá bán tính trên 1 đơn vị tài nguyên khoáng sản của tổ chức khai thác. Nơi khai thác có thể là xã, huyện, tỉnh, nhưng giá của tổ chức khai thác là ai, nếu đánh thuế vào công ty khai thác thì nó khác với đánh thuế vào từng đơn vị. Thuế phải đánh vào người khai thác chứ không phải đánh vào tài nguyên khai thác. 
- Việc quản lý thuế tài nguyên ở các địa phương có điều gì phải bàn không thưa ông?
Khoản 2 điều 6 của Luật Thuế quy định nguyên tắc giá bán khoáng sản là không thấp hơn giá bán tính thuế do UBND tỉnh quy định. Thế là sự tù mù lại càng tăng lên. Để cho UBND tỉnh đưa ra các quy định thuế thì chẳng khác nào ông mù hướng dẫn cho ông tinh cả. Ở tỉnh, có mấy người hiểu về tài nguyên khoáng sản mà đưa ra quy định, may ra tìm được vài ba người hàm thụ tại chức. Hay như ở Quảng Nam tôi có ông bạn là kỹ sư mỏ địa chất, làm việc mãi mới được về hưu vì không có người thay. Thế thì làm sao họ đưa ra được một cái giá để tính thuế chuẩn được.
- Rõ ràng là quy trình xây dựng quy định chính sách quản lý đang có vấn đề?
Phải nói là rất không khoa học, người làm chính sách không hiểu rõ bản chất của khoáng sản. Ví dụ đơn giản nhất, trong luật quy định tính khí cũng tính theo mét khối trong khi với chất khí thì nóng nở ra, lạnh co lại, làm sao chính xác được. Nói thế để thấy sử dụng các đơn vị đo ngay trong luật cũng rất không khoa học. Rồi việc khai thác tinh/thô, sâu/nông, khuyến khích xuất khẩu tinh và chế biến sâu để tận dụng năng lực trong nước, nâng cao giá trị khoáng sản. Nhưng ở một số nước, xuất khẩu quặng thô được miễn thuế, đánh thuế cao với sản phẩm tinh.
Nên có tô mỏ
- Phải chăng khoáng sản là tài nguyên, nếu sở hữu mà không biết cách khai thác thì kinh tế khó mà phát triển?
Tài nguyên khoáng sản là một loại hàng hóa đặc biệt. Chủ mỏ không phải đi mua nguyên liệu chính như các sản phẩm khác. Nó giống như một nồi cơm, không ăn thì còn đó, nếu cứ lấy ra ăn dần dần thì nó sẽ hết. Nếu chúng ta sống chỉ để lo cho bản thân, không nghĩ đến các thế hệ sau này thì cứ việc khai thác hết ra mà ăn.
- Giá trị tích lũy của khoáng sản trong lòng đất có giống như người ta tích trữ vàng, không sợ mất giá? 
Giá trị sử dụng của chiếc tivi, tủ lạnh... thì càng dùng càng giảm đi, nhưng đối với khoáng sản, giá trị sử dụng càng ngày càng tăng. Ví dụ như chúng ta đang khai thác bôxít, với công nghệ nano nhôm thì khoảng 20 năm nữa thì sản phẩm này thậm chí có thể thay cho dầu, khí, than. Thế giới đã có ô tô chạy bằng nhôm. Rõ ràng boxit để xuất khẩu thô không thể có giá trị bằng cứ để đó, sau này chúng ta chế biến thành các nguyên liệu tiện ích.
- Với những bất cập trong cách tính thuế tài nguyên khoáng sản, theo ông thì giải pháp gì để ngăn chặn tình trạng này?
Tôi nghĩ là phải xúc tiến tô mỏ thay vì tính thuế theo cách thông thường. Làm cho đúng bản chất của thuế tài nguyên, còn nếu cứ ấm ớ như hiện nay thì chưa chắc đã đòi được mấy trăm tỉ của Công ty Vàng Phước Sơn đâu. Phải kết hợp với các hàng rào kỹ thuật khác để chặn lỗ hổng của thuế thu nhập doanh nghiệp khai khoáng.
- Tô mỏ như ông nói là gì ạ?
Thế giới đã áp dụng tô mỏ từ cách đây 300 năm rồi. Theo đó thì người sử dụng lòng đất, người khai thác phải đóng thuế chứ không phải là bản thân cái tài nguyên đó phải chịu thuế. Tô mỏ là thuế nhưng không phải thuế, nó như tô ruộng đất ngày xưa, sử dụng đất thì phải đóng thuế, không cần biết anh được mùa hay mất mùa. Người sử dụng lòng đất để khai thác tài nguyên khoáng sản phải đóng thuế, không phụ thuộc vào trữ lượng của mỏ như thế nào. Nếu làm được thế thì không có câu chuyện vàng Phước Sơn được.
- Nhưng thuế sẽ tính thế nào với những mỏ có trữ lượng nhiều và mỏ có trữ lượng ít?
Sẽ có các cấp độ khác nhau, anh chấp nhận mức thuế đó thì anh khai thác, không thì thôi. Khi doanh nghiệp đầu tư khoa học công nghệ, cải tiến, tăng năng suất lao động thì áp dụng kiểu tô mỏ để tái đầu tư mở rộng sản xuất. Sẽ có nhiều cách tính cụ thể.
- Xin cảm ơn ông!
Theo công bố của Cục Thuế tỉnh Quảng Nam, từ năm 2008 - 2012, Công ty Vàng Bồng Miêu và Công ty Vàng Phước Sơn của Tập đoàn Besra Việt Nam khai thác được hơn 4,430 tấn vàng, nộp ngân sách hơn 650 tỷ đồng. Nếu trừ khoản hoàn thuế VAT 105 tỷ đồng, cộng với khoản thuế đã nộp 650 tỷ đồng thì đến nay, Besra còn nợ thuế 278 tỷ đồng. Việc nợ thuế kéo dài buộc Cục Thuế Quảng Nam 11 lần ra quyết định xử phạt nộp chậm thuế. Trước đây, mỗi lần cơ quan thuế cưỡng chế, phong tỏa tài khoản ngân hàng, vô hiệu hóa giá trị hóa đơn là cả 2 công ty đều thông báo tạm ngưng hoạt động và kêu cứu khắp nơi. 
Tô Hội (Thực hiện)

Bình luận(10)

Minh Hiền

Tùng Cao

Của chùa mà, cứ khai thác bừa đi, vào túi các ông ấy hết thôi!

Minh Hiền

Hải Hoàn

Không biết còn tài nguyên nào k bị mất nữa không, tài nguyên vô giá để phục vụ quốc gia thì lại toàn để rơi vào tay người khác thật là phí quá

Minh Hiền

Hòa An

Dù có làm chuồng trước thì bò vẫn mất với kiểu quản lý và luật chưa hoàn thiện thế này

Minh Hiền

Hòa An

Nếu tài nguyên quốc gia mà không biết giữ biết khai thác thì chẳng mấy mà vào tay người khác hết

Minh Hiền

Hòa An

nếu cứ lấy sai sửa sai thì bao giờ mới đúng, bao giờ mới không mất 15 tấn vàng

Minh Hiền

Hòa An

với 15 tấn vàng thế này mà phát có khi mỗi người dân Việt không phải lo đói.

Minh Hiền

Hòa An

Với 15 tấn vàng có thể giúp được bao nhiêu người nghèo vậy mà để mất không thật là phí quá

Minh Hiền

Nguyên Hà

Khi có công thì ai cũng nhận nhưng khi có tội thì trách nhiệm thuộc về ai. Vấn đề này phải có người đứng ra nhận trách nhiệm của mình để giải quyết, tránh sau này mất mát đi những nguồn tài nguyên quý giá của đất nước.

Minh Hiền

Namhd

Việt Nam có rừng vàng có biển bạc nhưng cứ với đà khai thác thế này và các lỗ hổng luật lớn thế kia thì chỉ có làm giàu cho một số cá nhân chứ nhà nước hay người dân đâu có được gì từ nguồn tài nguyên khổng lồ đó đâu.

Minh Hiền

huyphan

sao không nói trước khi nó xẩy ra, mà độc nói ra khi tài nguyên của đất nước mất hết rồi thì giải quyết đươc cái gì.phải chăng đây lại là lợi ích nhóm ?,,