Méo mó sự học

Google News

(Kiến Thức) - Ở các nước người ta “học gì thi nấy”, ở ta ngược lại “thi gì học nấy”. Đó là hiện tượng nguy hiểm.

Meo mo su hoc
 Ảnh minh họa.
Dân tộc ta từ xưa tới nay hiếu học lắm, học để làm người. Cứ nói đến việc học và dạy học là người ta rất tôn trọng, bởi vì việc học nói chung rất trong sáng và thiêng liêng. Dù cho có khó khăn đến đâu các bậc cha mẹ cũng cố lo cho con học được “mấy chữ để nó làm người”, cho nên việc học đã được nhân loại “xã hội hóa từ rất sớm”.
Việc tôn trọng cái chữ, kính thầy yêu trò đã trở thành truyền thống lâu đời của toàn dân tộc. Truyền thống ấy vẫn còn nhưng nó đã phần nào bị làm méo mó đi bởi rất nhiều những biến động trong xã hội. Những năm gần đây động cơ học tập có những biểu hiện không lành mạnh, người ta học để làm người là phụ mà học để kiếm tiền là chính. Vì học để kiếm tiền cho nên cái gì cần, cái gì làm ra tiền thì người ta đổ xô vào để học, cái gì không kiếm được tiền người ta chỉ học cho qua loa, học để chiếu lệ, thiếu điểm, thiếu bằng cấp thì mua, thì gian lận. 
Mặt khác, ở các nước người ta “học gì thi nấy”, ở ta ngược lại “thi gì học nấy”. Đó là hiện tượng nguy hiểm, biết vậy nhưng người ta cứ làm vì nó mang lại cho người ta tiền, mang lại cho người ta lợi ích trước mắt. Tôi không dám đổ lỗi cho các thầy, càng không dám đổ lỗi cho học trò, đây là lỗi chung của toàn xã hội.
Đạo đức xuống cấp, xã hội xuống cấp ảnh hưởng xấu đến phẩm chất và đạo đức của thầy và trò. Thầy có đức có tài mới dạy được trò có đức có tài, trò có ngoan mới học được cái đức cái tài của thầy. Trong một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên thoái hóa biến chất hiện nay không loại trừ đội ngũ các thầy. Trong số thanh niên hư hỏng hiện nay không loại trừ thành phần là học trò. Đương nhiên vẫn còn nhiều thầy và trò có phẩm chất đạo đức tốt, nhưng “con sâu làm rầu nồi canh” và nếu nhiều con sâu thì sẽ làm hỏng nồi canh. 
Tôi đồng cảm với tâm trạng của nhà văn Tạ Duy Anh trong bài “Lòng tốt đang là thứ... dị biệt” có nhấn mạnh yếu tố then chốt vẫn là giáo dục. Nói thẳng ra nền giáo dục của chúng ta bị thoái hóa nghiêm trọng. Khi chúng ta không dạy cho trẻ những điều cơ bản nhất là phải thật thà trung thực, có lòng trắc ẩn, biết chia sẻ với người xung quanh và việc dạy đó không chỉ bằng lời thuyết giảng mà phần lớn phải là sự làm gương của người lớn... thì hệ quả sẽ tạo ra những thế hệ vô cảm, coi việc giúp người khác là chuyện của ai chứ không phải của mình, thậm chí việc làm tốt có thể bị chế giễu. Và rồi muốn làm người tốt cũng khó.
Nguyễn Hữu (Hà Nội)

Bình luận(0)