Đừng coi mua xe là “hỏa tốc“

Google News

(Kiến Thức) - "Việc người ta gửi công văn hỏa tốc đốc thúc mua xe cuối năm chắc có lẽ vì sợ sắp hết năm...", ông Ngô Văn Sửu chia sẻ.

"Việc người ta gửi công văn hỏa tốc đốc thúc mua xe cuối năm chắc có lẽ vì sợ sắp hết năm rồi, để đến sang năm thì khó và sợ không còn chỉ tiêu. Thế nhưng, trong khi địa phương phải nhận gạo cứu đói thì lãnh đạo cũng không nên coi chuyện mua xe là "hỏa tốc". Thứ cần phải ưu tiên chính là bát cơm của người dân", ông Ngô Văn Sửu chia sẻ với phóng viên.
"Hỏa tốc" cuối năm 
- Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận vừa có văn bản yêu cầu bốn cơ quan khẩn trương mua sắm ô tô, mọi thủ tục mua sắm phải hoàn tất trước 31/12. Trong khi đó, theo website Chính phủ, trong năm 2014, Chính phủ đã cấp cho Ninh Thuận 2 đợt gạo cứu đói với tổng số lượng là 1.625 tấn gạo. Hai câu chuyện nhưng nó dẫn người ta đến một suy nghĩ, vì sao một tỉnh nghèo lại phải thực hiện việc mua xe cần kíp đến vậy?
- Tôi nghĩ chắc hẳn họ thực hiện đúng quy định đấy. Chỉ tiêu cho cán bộ ngành A, cán bộ ngành B xe công, có ghi rõ loại xe nào, giá tiền ra sao tương ứng với chức vụ thế nào. Ninh Thuận đề xuất mua rõ ràng không phải là việc một cá nhân làm được, mà họ phải thực hiện theo đúng quy định pháp luật. Và cũng có thể, cuối năm cận kề rồi, ngành nào, cán bộ nào cũng phải rà soát lại những công việc trong năm, nhất là việc chi tiêu công, liệu trong năm qua địa phương mình đã tiêu hết tiền ngân sách chi cho theo quy định hay chưa, các chính sách quy định đã được thực hiện triệt để chưa. Nếu chưa thì phải làm rốt ráo vì còn bao nhiêu ngày nữa là hết năm đâu.
- Chuyện mua xe công không phải chuyện xấu, đâu đâu cũng thực hiện, dư luận chỉ cảm thấy không thỏa đáng vì một địa phương mà người dân còn nghèo, còn khổ thì điều đáng lẽ cán bộ phải sốt sắng đầu tiên là bát cơm của dân?
- Tôi rất đồng tình với điều này. Họ làm theo đúng quy định của pháp luật, không có gì sai cả, chấp hành đúng quy định, chủ trương. Nhưng cái đáng bàn ở đây là đạo đức, tư cách, là cách nhìn nhận vấn đề của cán bộ. Nếu người cán bộ tậm tâm, vì dân, thì họ sẽ nghĩ cách để lo cho dân trước, những thứ chưa thực sự cần thiết như xe cộ thì khi nào điều kiện kinh tế có rồi hãy hay. Cùng là làm đúng theo quy định, nhưng chọn cách làm nào thể hiện cái tâm, cái đức trong sáng của chính cán bộ lãnh đạo.
- Nhưng dân mà phải trông chờ vào cái tâm, cái đức thì mông lung quá?
- Thì cũng qua đó mới thể hiện cán bộ là người như thế nào.
Ông Ngô Văn Sửu, nguyên Vụ trưởng vụ I, Ủy ban Kiểm tra Trung ương. 
Biến xe công thành xe riêng
- Thực tế thì có thể nhu cầu mua xe công cũng rất cần kíp để cán bộ thực thi công vụ. Theo giải thích của lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận thì suốt 10 năm nay tỉnh không mua sắm ô tô công, có cán bộ đi công tác phải mượn xe. Thế thì cái nhu cầu có xe cũng cần kíp lắm chứ?
- Tôi không trách cán bộ đi xe công, nhưng không có xe ô tô thì đi xe máy, không có xe máy thì đi xe khách, đi xe ôm, đi taxi, chưa mua xe thì chưa đến nỗi cháy nhà chết người. Chúng ta cứ nói học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, thử hỏi mỗi cán bộ, đã mấy người học được tấm gương đạo đức sáng ngời của Người? Phong thái giản dị, tiết kiệm của Bác Hồ, tất cả đều vì dân vì nước ấy là tấm gương sáng chói. Thế hệ những người đảng viên trước đây có nhiều người liêm chính, gương mẫu hơn. Người dân nhìn cán bộ với lòng tin, tôn kính, vì thế mới phát huy được sức mạnh toàn dân tộc trải qua nhiều chiến thắng vĩ đại.
- Còn bây giờ thì sao thưa ông?
- Những vụ việc như ông Trần Văn Truyền, Hoàng Văn Nghiên... đã khiến lòng tin của người dân mai một đi.
- Như ông vừa nói, để công cán, cán bộ có nhiều cách di chuyển, không chỉ đi xe công, nhưng vì sao nhiều người vẫn "thích" xe công hơn?
- Vì nó giải quyết khâu oai, tiện lợi, nói nó có uy. Chứ một cán bộ lăn lê bụi bặm đến làm việc với địa phương thì trông nó không oai nghiêm. Ở Việt Nam, dù các phương tiện công cộng có phát triển đến mấy thì xe công vẫn "nở rộ". Cấp thấp xe ít tiền, cấp cao hơn thì xe nhiều tiền hơn, cứ theo đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn mà thực hiện thôi, có ai làm gì sai đâu mà phải sợ. Nhiều khi chính luật pháp, các quy định hiện hành "tiếp tay" để cán bộ tham nhũng đấy!
- Ông có thể dẫn chứng cụ thể hơn không?
- Thì đâu cần phải tìm đâu xa. Trong vấn đề xe công, chúng ta đã nói rất nhiều về lãng phí, hàng năm ngân sách phải chi ra một lượng tiền không nhỏ để đội ngũ xe công này hoạt động, nhiều sáng kiến đưa ra để "khoán xe công" rồi lại cất đi. Thế mà cách đây mấy năm người ta lại đưa ra một quy định cán bộ nào thì được quyền mua xe 300 triệu, cán bộ nào thì mua xe 400, 500 triệu đồng. Nghĩa là cán bộ có "suất", có mà không dùng thì người ta cười cho ấy chứ. Rồi rất nhiều quy định khác nữa. Nên nếu là một cán bộ có tâm đức, lo cho dân cho nước, thì họ không nghĩ đến những thứ kiểu "suất" ấy của mình. Nhưng số đó ít lắm!
- Dù có mua được xe thì thực ra xe đó cũng là "của công", cán bộ lo cho dân, được dân tin yêu thì cán bộ được lợi, sao họ lại không chọn vế thứ hai?
- Ấy, biết là xe của công nhưng nhiều trường hợp họ gần như coi đó là xe của họ đấy. Báo chí phản ánh đầy rẫy quan chức dùng xe công đi chùa, đi nhậu, đi nghỉ mát... đấy thôi. Có người sau khi nghỉ rồi còn biến xe công thành xe tư, tìm cách mua lại với giá rất rẻ cơ. Như ông Hoàng Văn Nghiên ấy, ông thuê biệt thự to lừng lững mà có mấy trăm ngàn đồng một tháng, một cái giá rẻ đến trong mơ cũng không có của người dân sống ở Hà Nội. Đến khi dư luận lên tiếng thì mới bảo là trả lại. Những việc như thế đâu có hiếm.
Đừng để dân quay lưng
- Công văn hỏa tốc mua xe, dù có đúng cũng không nhận được sự đồng tình của dư luận. Những kiểu quyết định như vậy bây giờ có nhiều không thưa ông?
- Nhiều hay không thì cứ nhìn vào số lượng khiếu nại khiếu kiện đặc biệt là những khiếu kiện đông người là thấy ngay. Trước đây có một số vụ việc mà người dân bất bình, nổi dậy là cũng xuất phát từ thực tế có những cán bộ quá quan cách, thể hiện lối sống xa hoa, trong khi người dân lam lũ. Khi người dân đã quay lưng thì nguy hại vô chừng!
- Như ông nói thì trước đây chúng ta có nhiều cán bộ tận tâm với dân với nước hơn, vì đâu dẫn đến sự thoái hóa của một số cán bộ thưa ông?
- Vì nhiều nguyên nhân lắm. Một trong những nguyên nhân đó là vì sức mạnh của đồng tiền làm tha hóa cán bộ. Những khối tài sản lớn có thể thay đổi cả một đời người, những khoản tiền khổng lồ, những mưu toan cho bản thân mình... khiến cán bộ quên đi lợi ích của dân của nước, chỉ nghĩ đến cái lợi của bản thân mình. Nhiều cán bộ lầm lỡ, nhưng nhận ra thì đã muộn.
- Nghĩa là trong câu chuyện này, khi dân còn phải nhận gạo cứu đói thì cán bộ cũng không nên đi xe đẹp, chẳng cần mua xe công làm gì?
- Đúng thế, nếu tôi là cán bộ địa phương đó thì tôi sẽ cân nhắc việc mua xe hay việc lo cho dân được ăn no mặc ấm. Hoặc ít nhất thì cũng không nên tạo ra những dư luận không tốt.
- Xin cảm ơn ông!
Cần phải siết lại tiêu chuẩn chính sách trong việc mua sắm xe công, không để tình trạng mua sắm tràn lan như hiện nay. Nếu thực hiện nghiêm việc này sẽ tiết kiệm cho ngân sách mỗi năm nhiều ngàn tỷ và cũng để cho quan chức, "công bộc" được gần dân, thân dân hơn. Nếu không có giải pháp đột phá, xoay chuyển thì việc lãng phí, tốn kém, lạm dụng vẫn diễn ra hàng ngày xoay quanh việc mua sắm, trang bị và sử dụng xe công, chẳng ngân sách nào chịu nổi và người dân, công luận cũng không chấp nhận. 
Tô Hội (Thực hiện)

Bình luận(0)