DN không được đặt theo tên danh nhân: Sự kiêng húy vô lối

Google News

(Kiến Thức) - Quy định DN không được đặt theo tên danh nhân vì "vi phạm truyền thống lịch sử dân tộc" thể hiện sự kiêng húy vô lối của những nhà quản lý.

Doanh nghiệp (DN) không được đặt tên theo tên danh nhân vì "vi phạm truyền thống lịch sử của dân tộc". Đây là điểm đáng chú ý trong Thông tư số 10/2014/TT-BVHTTDL hướng dẫn đặt tên doanh nghiệp phù hợp với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc của Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch, có hiệu lực từ ngày 25/11 tới. Kiến Thức đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Lê Quý Đức, nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh về vấn đề này. PGS.TS Lê Quý Đức cho rằng, quy định này thể hiện sự bối rối khi kiêng húy vô lối của những nhà quản lý.
Không hề hạ thấp danh nhân
Theo ông thì việc đặt tên danh nhân cho doanh nghiệp với "truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc" có mối liên quan không?
Dĩ nhiên là có chứ, việc đặt tên ấy chẳng có gì là xấu cả. Nó không những không hề hạ thấp danh nhân mà thậm chí còn tôn vinh danh nhân nếu như doanh nghiệp có văn hóa kinh doanh, không vi phạm pháp luật!
Thế mà Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch (VH-TT&DL) cấm sử dụng tên danh nhân cho doanh nghiệp vì nó "vi phạm truyền thống lịch sử của dân tộc" đấy, thưa ông?
Sao lại vi phạm truyền thống lịch sử của dân tộc được? Bảo vi phạm truyền thống thì vi phạm cái gì? Nên nhớ trước đây chúng ta đã từng có truyền thống đặt tên danh nhân cho doanh nghiệp, như Nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo. Phải chăng truyền thống này cũng là xấu nên giờ phải bãi bỏ?
Quy định này gợi lại quan niệm thời phong kiến về chuyện kiêng húy thì phải?
Đúng vậy. Nhưng đây là sự kiêng húy vô lối.
Sao ông lại nói thế?
Bởi nếu đã cấm đặt tên danh nhân thì tại sao chỉ doanh nghiệp mới không được đặt, còn các tổ chức chính trị - xã hội, trường học, bệnh viện lại có ngoại lệ? Rõ ràng, quan niệm như vậy thì mặc nhiên coi làm kinh tế là xấu, là sự kỳ thị doanh nghiệp rồi. 
Có người bảo, doanh nghiệp chỉ mang lại lợi ích trực tiếp cho một nhóm người, còn những công trình công cộng như đường sá, trường học, bệnh viện... thì phục vụ cho cộng đồng nên việc đặt tên danh nhân cho các công trình này hay các tổ chức xã hội là hợp lý hơn cả?
Tôi không đồng tình với cách lập luận này. Bởi vì khi thành lập doanh nghiệp, người ta có ý muốn chủ quan là mang lại lợi ích cho chính bản thân họ nhưng trong quá trình hoạt động thì họ bị lợi ích xã hội chi phối, điều tiết, họ không thể vượt ra ngoài khuôn khổ pháp luật và quy luật cạnh tranh của kinh tế được. Vì thế, đưa ra lý do đó là thiếu thuyết phục.
Vậy còn lập luận cho rằng bây giờ cách làm ăn chộp giật vẫn còn, nhiều người lập doanh nghiệp làm ăn phi pháp, lừa đảo, làm ảnh hưởng xấu đến tên tuổi của danh nhân mà doanh nghiệp đó đặt tên. Do đó, Bộ VH-TT&DL cấm như thế cũng là lẽ đương nhiên?
Đúng là ở đâu đó có những doanh nghiệp làm ăn phi pháp. Việc Bộ đề ra quy định như vậy có thể coi là mục đích tốt đẹp, song quan điểm của tôi là chúng ta chỉ có thể ngăn chặn chứ không nên cấm việc đặt tên danh nhân cho doanh nghiệp.
Ngăn chặn bằng cách nào, thưa ông?
Khi người ta đăng ký kinh doanh mà lấy tên danh nhân thì phải nhắc nhở, cảnh báo để họ hiểu rằng mình phải có trách nhiệm với cái tên mình đã chọn, phải làm sao để xứng với cái tên ấy. Ngược lại, nếu họ làm sai thì bị xã hội lên án, bị pháp luật trừng trị. Thậm chí, chúng ta có thể đưa ra những ràng buộc, cam kết bằng văn bản đi kèm để tên danh nhân không bị lạm dụng, bị ảnh hưởng xấu bởi hoạt động của doanh nghiệp. 
PGS.TS Lê Quý Đức, nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. 
Lối cố chấp của nhà nho
Ông vừa bảo việc cấm doanh nghiệp dùng tên danh nhân là một sự kỳ thị?
Đúng vậy. Đã có một thời, chúng ta dùng từ "con buôn" để miệt thị những người làm kinh doanh. Tư tưởng coi thường người đi buôn chịu ảnh hưởng của tư tưởng Nho giáo và đến nay vẫn còn. Nó là lối cố chấp của nhà nho mà chính những người ra thông tư này đang mắc phải.
Lâu nay, người ta vẫn nhắc nhiều đến sự xuống cấp về mặt văn hóa. Ở một góc độ nào đó, ông có cho rằng nó có liên quan tới việc ban hành thông tư này? 
Dĩ nhiên là có đấy nhưng không phải vì Bộ VH-TT&DL xuống cấp về văn hóa mà nó thể hiện phản ứng bối rối, từ đó phòng ngừa một cách tiêu cực của những người làm công tác quản lý văn hóa. Thông tư này đã cho thấy rõ điều đó.
Theo ông thì vì sao họ lại có sự phản ứng bối rối như vậy?
Cái này thì phải đi hỏi người ta. Tôi tin họ cũng có mục đích tốt cả đấy, cũng muốn cho xã hội phát triển, văn hóa lành mạnh, tên của danh nhân không bị lợi dụng. Thế nhưng, để làm được những điều ấy thì cần phải có sự am hiểu về văn hóa, danh nhân mới làm được.
Điều mà dư luận quan tâm là khi thông tư này ra đời và có hiệu lực, chúng ta vẫn chưa có được văn bản quy định những ai là "danh nhân". Liệu đây có thể coi là một sự thức thời, nhạy bén của những người soạn thảo thông tư này, thưa ông?
Tôi lại e đó là sự vội vàng, hấp tấp, "cầm đèn chạy trước ô tô" thì đúng hơn.
Theo ông, làm sao để hạn chế, dẹp bỏ được tư tưởng kỳ thị doanh nhân?
Muốn vậy, chúng ta phải hiểu rõ mối quan hệ giữa văn hóa với kinh tế. Thứ hai là cũng phải xây dựng được một nền kinh tế thị trường thực sự để người ta kinh doanh lành mạnh, cạnh tranh bình đẳng, phục vụ trung thực. Khi nào có được ba điều ấy thì sự kỳ thị sẽ dần được hạn chế. Phải tạo ra môi trường để các doanh nhân làm ăn chân chính. Môi trường đó phải đảm bảo xã hội dân sự, nhà nước pháp quyền, nền kinh tế thị trường đúng nghĩa. 
Yếu kém thì tham mưu làm gì!
Bà Ninh Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, đơn vị trực tiếp soạn thảo thông tư này cho rằng, Bộ VH-TT&DL không tự nghĩ ra những điều khoản trong thông tư mà căn cứ vào Nghị định 43/2010/NĐ-CP của Chính phủ năm 2010 về đăng ký doanh nghiệp, trong đó có quy định cấm đặt tên danh nhân cho doanh nghiệp. Không biết ông bình luận gì về điều này?
Ở đây có thể hiểu theo hai cách. Thứ nhất, đấy có thể là sự phản ứng đổ trách nhiệm lên Chính phủ là cơ quan cao hơn. Thứ hai, có thể người ta có hàm ý rằng Chính phủ đã ra nghị định là chỉ có đúng, tuy nhiên tư duy như thế là không phù hợp vì chúng ta khó tránh khỏi sai sót được, vấn đề là sai thì phải sửa. Vấn đề là, Bộ VH-TT&DL là cơ quan tham mưu thì cần phải nhìn ra được sự chưa hợp lý trong nghị định để đề xuất, kiến nghị thay đổi chứ không thể "đổ" cho nghị định được. Tham mưu mà yếu kém thì tham mưu làm gì!
Theo ông thì liệu quy định như trong thông tư này có được bãi bỏ?
Nó thuộc về trách nhiệm của những người ra thông tư. Song tôi nghĩ điều ấy không quan trọng nữa, vì ở ta nhiều khi thông tư, nghị định cứ ban hành, còn xã hội thì chẳng tuân theo. Dẫu sao, làm thế thì người ta cũng có cái để mà đánh giá, báo cáo, rằng chúng tôi đã làm được việc này, việc kia rồi đấy.
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
Theo Thông tư 10/2014/TT-BVHTTDL, những trường hợp đặt tên doanh nghiệp sau vi phạm truyền thống lịch sử của dân tộc: Sử dụng tên trùng tên danh nhân; sử dụng tên đất nước, địa danh trong các thời kỳ bị xâm lược và tên những nhân vật trong lịch sử bị coi là phản chính nghĩa, kìm hãm sự tiến bộ; sử dụng tên của những nhân vật lịch sử là giặc ngoại xâm hoặc những người có tội với đất nước, với dân tộc; các trường hợp khác về sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử theo quy định của pháp luật.
Vũ Thủy (Thực hiện)

Bình luận(4)

Minh Hiền

Thang

Đại biểu nên nghĩ ra luật để phát triển kinh tế và doanh nghiệp chứ không nên nghĩ ra mấy việc vô bổ

Minh Hiền

loc thanh tung

Tất nhiên là không nên rồi. Ngay cả ở Mỹ cũng chẳng có công ty nào tên là Lincoln cả. Bơi vì đơn giản mục đích của doanh nghiệp là theo đuổi lợi nhuận,còn danh nhân theo đuổi công bằng xã hội. Hai mục tiêu hoàn toàn khác nhau thì làm sao có thể dùng tiếng tăm của danh nhân mà sử dụng được. Chẳng lẽ lại mang tên tuổi của danh nhân ra để trục lợi, kiếm lời sao? khi làm ăn có lãi thì không sao nhưng khi thua lỗ, nợ đầm đìa, trốn nợ rồi mang tiếng thì ai sẽ chịu trách nhiệm cho tên tuổi của họ bị bôi bẩn? Thật nực cười.

Minh Hiền

Danh nhan van hoa

Theo tôi là nên tránh, vì dân gian hay dùng từ ngữ bình dân để chỉ doanh nghiệp vd như "thằng" hay "nó" , bây giờ doanh nghiệp đặt tên danh nhân thì thật không hay khi mọi người nói như trên mà thực ra cũng không có miệt thị gì, khi đó mấy ông ủng hộ đặt tên theo danh nhân thấy có phản cảm không?

Minh Hiền

Bá Cháy

Ví dụ tôi tên là NGUYỄN DU. Tôi lập công ty không được đặt tên tôi hay sao ? Hài hước cho các nhà quản lý ấu trĩ.