Cần người thực tài vào Quốc hội

Google News

(Kiến Thức) - "Cơ chế bầu cử, cơ cấu, tuổi tác... làm cho có những người vào Quốc hội chỉ cho đủ thành phần theo cơ cấu, chứ chưa thực sự có đóng góp mang dấu ấn cá nhân".

Đừng quy định cứng nhắc
Sáng 8/9, tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, các đại biểu chuyên trách đã thảo luận Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi). Theo một số đại biểu, cần phải có những tiêu chuẩn một cách cụ thể đối với đại biểu quốc Quốc hội để nâng cao chất lượng hoạt động, ví dụ như nên quy định độ tuổi tối thiểu là 25, tối đa là 70...
Tôi nghĩ đây là vấn đề cần thiết và đã đặt ra từ lâu, tuy nhiên quy định thế nào cho mang tính khả thi và không vi hiến là một vấn đề phải bàn. Ví dụ như về độ tuổi, trong Hiến pháp chúng ta ghi rõ, công dân Việt Nam từ 21 tuổi trở lên có quyền ứng cử vào đại biểu Quốc hội, giờ nếu quy định lại là từ 25 tuổi trở lên thì không ổn. Đại biểu Quốc hội khóa I là ông Nguyễn Đình Thi, khi đó mới 21 tuổi. Đại biểu già nhất là cụ Ngô Tử Hạ, lúc đó gần 70 tuổi, đều là những người đóng góp rất lớn cho Quốc hội khoá I ngay từ kỳ họp thứ nhất.
Vậy là quy định số tuổi là không hợp lý?
Có những người trẻ tuổi nhưng có tài năng và triển vọng, có những người tuổi đã cao nhưng vẫn có thể cống hiến rất nhiều, vì thế theo tôi không nên quy định số tuổi một cách cứng nhắc để không tạo ra sự bất công. Quy định thế nào để chọn được người có thực tài vào Quốc hội để đóng góp chứ không phải là những quy định mang tính hình thức. 
Đại biểu Quốc hội phải có tư duy phản biện, độc lập, vô tư, không bị tác động bởi bên ngoài, lợi ích nhóm, có năng lực nhất định về lập pháp, giám sát. Ông có đồng tình với ý kiến này?
Thực ra quy định này cũng rất khó thực hiện. Tôi chỉ ví dụ đơn giản, là đại biểu Quốc hội nhưng lại là thành viên của Chính phủ thì liệu có bị chi phối không, giữa một bên là hành pháp, một bên là lập pháp! Tôi cho rằng mỗi đại biểu chỉ cần là một người rất giỏi trong lĩnh vực của mình và là người công tâm là đã có thể đóng góp lớn cho Quốc hội rồi.
Liệu có nên quy định đại biểu Quốc hội phải là chuyên viên cao cấp trở lên như một số ý kiến đặt ra?
Rất khó để đòi hỏi đại biểu phải là chuyên viên cao cấp, vì để có trình độ đó thì phải ở độ tuổi khoảng trên dưới 40. Như thế thì những người trẻ vốn xông pha, thông minh, tư duy sáng tao, nhạy bén... chẳng lẽ không được vào Quốc hội. Thống nhất rằng đại biểu Quốc hội phải là người có năng lực, nhưng phải đưa ra những quy định không cứng nhắc, dễ thực thi. 
Ông Vũ Mão, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội. 
Đa phần đại biểu chưa làm tròn trách nhiệm
Về trách nhiệm của đại biểu Quốc hội, có ý kiến cho rằng phải có cơ chế giám sát của cử tri với đại biểu để đại biểu thực hiện tốt hơn nhiệm vụ của mình?
Tôi nghĩ trước tiên phải nên quy định đại biểu Quốc hội phải dành 2/3 thời gian cho hoạt động của Quốc hội (hoặc ít nhất là 1/2 thời gian) chứ không phải là 1/3 như vừa qua. Đại biểu chuyên trách thì càng phải quy định nhiều hơn. Việc gắn kết giữa đại biểu với cử tri chưa nhiều là hiện tượng có thật, nhưng nó xuất phát từ chính cơ chế, quy định trong luật. Ví dụ như đại biểu Quốc hội phải trực tiếp tiếp xúc cử tri chứ không phải tiếp xúc với đại cử tri như vừa qua. Lâu nay số cử tri được tiếp xúc với đại biểu Quốc hội mới chỉ dưới 5%, con số này là quá ít. Ở một khu vực, mỗi năm chỉ một số rất ít cử tri được tiếp xúc với đại biểu Quốc hội.
Theo ông thì phải thay đổi thế nào?
Có mấy vấn đề quan tâm giải quyết:
Một là, cần phải thay đổi cách thức để nhiều cử tri được tiếp xúc với đại biểu (ít nhất là 20%). 
Hai là, quy định rõ hơn trách nhiệm của đại biểu trong việc tiếp thu và thúc đẩy giải kiến nghị của cử tri. Đại biểu phải theo đến cùng trong việc giải quyết kiến nghị, kiên quyết xoá bỏ cái cách lâu nay mà nhiều đại biểu vẫn thường làm là kính chuyển và kính chuyển. Đồng thời sau đó phải báo cáo một cách nghiêm túc những công việc mà mình đã làm với cử tri.
Nhưng để theo đến cùng mỗi vụ việc của cử tri thì rất mất thời gian?
Đúng thế, mất rất nhiều thời gian và công sức, nhưng nó thể hiện trách nhiệm của đại biểu với cử tri của mình. Khi còn làm, mặc dầu rất khó, nhưng tôi cố gắng hết sức mình để theo đến cùng từng vụ việc. Đại biểu Quốc hội các nước có văn phòng đại diện của mình ở địa phương ứng cử.  Bộ phận giúp việc gồm những chuyên gia giỏi để giúp cho đại biểu giải quyết các vấn đề của cử tri đặt ra. Hiện nay chúng ta chưa làm được điều này. Ngay một Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội cũng bị ghép, nên không thể làm tham mưu tốt cho các đại biểu Quốc hội.
Mỗi địa phương được cơ cấu không chỉ có một đại biểu Quốc hội cơ mà, nếu biết sắp xếp thì có thể giải quyết được hết những nguyện vọng chính đáng của cử tri chứ?
Ở một chuyên đề khác tôi có góp ý về số lượng đại biểu được bầu ở một đơn vị bầu cử. Trước đây 30 năm, quy định mỗi đơn vị bầu cử được bầu không quá 5 đại biểu. Luật hiện hành quy định bầu không quá 3 đại biểu ở một đơn vị bầu cử.  Thực tế đã có tình trạng các đại biểu ỷ lại, dựa dẫm và nhờ vả nhau tiếp xúc cử tri, nhất là một số đại biểu công tác ở Trung ương vì bận quá nhiều công việc. Tôi kiến nghị, luật nên quy định mỗi đơn vị được bầu không quá 2 đại biểu. Trong tương lai cần quy định mỗi đơn vị bầu cử chỉ bầu 1 đại biểu. Hầu hết các nước đã và đang làm như thế.
Như ông nói thì nhiều đại biểu Quốc hội chưa làm tròn trách nhiệm?
Đúng thế, đa phần đại biểu đều chưa làm tròn trách nhiệm với cử tri. Bản thân họ có phần trách nhiệm, nhưng nó cũng do các quy định hiện hành chưa có những điều khoản chi tiết cần thiết để họ thực hiện nhiệm vụ đó.

Quốc hội cũng là trường học
Để xây dựng được luật thì phải hiểu luật, có người băn khoăn về trình độ hiểu biết pháp luật, xây dựng luật của một số đại biểu Quốc hội. Nên chăng quy định đại biểu phải có trình độ luật?
Qua thực tiễn tôi thấy không nhất thiết phải quy định như vậy. Có những đại biểu có chuyên ngành sử học, kinh tế... nhưng đóng góp rất lớn và mạnh mẽ vào hoạt động Quốc hội. Trên lĩnh vực kinh tế thì phải có những nhà kinh tế học uyên bác, am hiểu sâu thì đóng góp vào xây dựng luật mới tốt được. Hiểu càng sâu rộng thì khả năng phản biện các vấn đề sẽ càng tốt. Nhiều đại biểu nói rằng, Quốc hội cũng chính là trường học. Mỗi nhiệm kỳ là một khoá học, càng học càng trưởng thành. Bản thân tôi thấy đúng là thế.
Nói thế thì những "sinh viên mới" sẽ khó mà có đóng góp?
Vào Quốc hội, ai cũng có những kiến thức sở trường của mình được đào tạo và rèn luyện trong cuộc sống. Họ cần phát huy những cái sẵn có và cần thực sự cầu thị học hỏi thêm để có những đóng góp thiết thực. Phương châm vừa học vừa làm rất có ý nghĩa. 5 năm là một khoá học bổ ích. Họ sẽ có một nền tảng pháp lý cơ bản để tiếp tục đóng góp ở những cương vi khác nhau sau khi thôi làm đại biểu Quốc hội. Hiện nay, đồng chí Chủ tịch Quốc hội đang giao cho chúng tôi nghiên cứu có hình thức tổ chức thích hợp để phát huy trí tuệ của các Cựu đại biểu Quốc hội. Đây là một sáng kiến hay.
Thực tế có những đại biểu mà trong suốt cả nhiệm kỳ không để lại dấu ấn nào, gần như không có đóng góp gì cho Quốc hội?
Hiện tượng này có những nguyên nhân. Trước hết là cách phân bổ cơ cấu như hiện nay là chưa ổn. Thứ hai là cách chỉ đạo từ trên Trung ương có phần cứng nhắc. Điều này gây nhiều khó khăn và bức xúc cho các địa phương. Nhiều khoá làm Tổng Thư ký Hội đồng bầu cử Trung ương nên tôi thấu hiểu điều đó. Việc này cần phải có nhận thức đúng từ cơ quan chỉ đạo cấp cao. Đồng thời phải sửa luật và các văn bản pháp luật hiện hành.
Xin cảm ơn ông!
Kỳ họp Quốc hội vào tháng 10 tới sẽ có 17 luật, nghị quyết được thông qua, các đại biểu cũng thảo luận cho ý kiến 12 luật và nhiều nội dung khác. Đây đều là những luật quan trọng, có tác động lớn đến các vấn đề chính trị, an ninh, kinh tế, xã hội. Vì vậy, hội nghị đại biểu quốc hội chuyên trách lần này sẽ thảo luận, cho ý kiến về 6 dự án luật trong số các luật sẽ được thông qua. Đó là Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi); Luật Căn cước công dân; Luật Đầu tư (sửa đổi); Luật Doanh nghiệp (sửa đổi); Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).
Tô Hội (Thực hiện)

Bình luận(0)