Bộ trưởng Đinh La Thăng hãy là... “Thăng cầu treo” đi!

Google News

(Kiến Thức) - Bộ trưởng Đinh La Thăng nên làm quyết liệt vụ cầu Chu Va, mang một cái tăng - đơ ra xét, kết tội cho công bằng. Ông hãy là: "Thăng cầu treo" đi - nhà văn Phạm Ngọc Tiến nói.

Nhà văn Phạm Ngọc Tiến, Hãng phim truyền hình VFC, thành viên tích cực của Cơm có thịt, người từng tham gia công tác quyên góp xây dựng một cây cầu bất thành nhận ra, chuyện sập cầu Chu Va không còn là chuyện của những cây cầu, mà nó tạo sự phẫn nộ. Anh đã dành thời gian chia sẻ với Kiến Thức trong chuyên mục CÀ PHÊ ĐẦU TUẦN bắt đầu từ việc vì sao cả xã hội đều náo loạn vì những cây cầu.
 
Có nhiều cây cầu muốn xây mà không xây được
- Cả xã hội đang “náo loạn” về những cây cầu, anh biết chứ?
Cầu Chu Va bị gãy sập làm 8 người thiệt mạng, cầu Long Biên “dọa” bị di dời, cầu Vĩnh Tuy bị nứt, một đường hầm qua sông Sài Gòn bị rạn. Tôi thấy ở đây có những câu chuyện cần thời gian để giải quyết, nhưng có những câu chuyện nhìn thấy rất rõ sự vô cảm, thấy rõ sự hoạt động của những con người có bộ não mà thiếu mất trái tim.
Nhân câu chuyện cầu Chu Va bị gãy sập, tôi nhớ đến câu chuyện về cây cầu dự kiến mang tên Lý Thị Hồng. Cô Lý Thị Hồng là giáo viên của trường mầm non Sàng Ma Sáo, huyện Bát Xát, Lào Cai là trường ở diện tài trợ trong chương trình Cơm có thịt của ông Trần Đăng Tuấn đã bị lũ cuốn trôi khi đi qua một con ngầm ở đoạn Mường Hum đi Sàng Ma Sáo bị trượt chân. Xác cô giáo bốn, năm ngày sau mới được tìm thấy. Tai nạn như thế ở nước Việt mình không phải là hiếm.
Sau tai nạn thương tâm đó, ông Tuấn đã đại diện Cơm có thịt đứng ra kêu gọi xây dựng một cây cầu ở điểm cô giáo bị nạn mang tên Lý Thị Hồng. Chỉ trong một thời gian rất ngắn, chương trình đã kêu gọi được hơn 200 triệu và chắc chắn sẽ quyên góp đủ cho việc xây một cây cầu qua con suối ấy. Nếu mọi việc hanh thông thì năm nay cây cầu ấy đã được hoàn thành. Nhưng xây một cây cầu trên một địa bàn hành chính không phải đơn giản cứ có tiền là xây được, huống hồ đây lại là tiền đóng góp. Và sự việc đó quả đã bị dừng lại vì khi dư luận xã hội đang r ất quan tâm thì chính quyền ở đó đã lên tiếng để họ sẽ xây.
Và mùa khô năm nay đã qua đi, nhưng cây cầu đó vẫn chưa được khởi công. Cho đến bây giờ chúng tôi vẫn không biết khi nào cây cầu đó được xây. Tính mạng người dân tiếp tục bị đe dọa ở mùa mưa này.
 Cầu Chu Va bị gãy, khiến 49 người thương vong.
- Thế anh lý giải đi, về câu chuyện cầu treo Chu Va mới khánh thành một năm đã sập, cầu Long Biên ở Hà Nội đang bị dọa di dời và cả câu chuyện cách đây không lâu ở miền Trung, trẻ con đi học qua sông bị cuốn trôi vì không có cầu nữa!
Trở về câu chuyện những cây cầu và sự nghèo, phải nói rằng miền núi của chúng ta nghèo, rất nghèo. Nghèo không phải so với 10 năm, 20 năm, 30 năm trước mà thậm chí còn kéo về xa hơn. Bởi rừng đã bị tàn phá hết, những gì thuộc về môi sinh, thuộc về tự nhiên giúp người dân miền núi có thể sống đều đã bị triệt hạ cả. Nhưng cũng không thể phủ nhận sự đầu tư của chính phủ vào miền núi không hề nhỏ. Điện, đường, trường, trạm, những tuyến tỉnh lộ, những con đường liên huyện, liên xã bê tông đang tiếp tục rộng mở.
So sánh như thế để thấy, mức độ đầu tư của nhà nước đối với miền núi không nhỏ, nhưng ngược lại cũng phải nhìn nhận thấy rõ rằng, xã hội chưa bao giờ náo loạn như hiện nay, đặc biệt là hỗn loạn trong lĩnh vực giao thông.
Nếu nhìn về câu chuyện cầu Long Biên có thể thấy những người đưa ra chủ trương có thể làm rất đúng về mặt giao thông về bài toán kinh tế, nhưng anh ta đang đẩy tất cả mọi thứ thiên về sự hợp lý thuần vật chất mà quên đi cái tầm văn hóa, quên đi ý nghĩa lịch sử chứng tỏ anh ta mang bộ não vô cảm.
Trở về với miền núi cũng thế, anh có đầu tư, nhưng anh đã thực sự quan tâm sát sườn đến mạng sống của người dân chưa, câu hỏi đó không chắc chắn có câu trả lời tốt đẹp. Bởi cầu Chư Va là một điển hình. Sau khi tai nạn xảy ra, không cần kỹ thuật, ai nhìn vào cũng thấy dứt khoát sự cố đó không xảy ra năm nay thì sẽ là năm sau hoặc một năm nào đó rất gần. Tôi cho rằng họ đã thi công chiếc cầu đó bằng sự cẩu thả coi thường mạng sống nhân dân. Đó là chưa kể là tham nhũng, là ăn cắp, là tội ác.
Vấn đề không phải một cây cầu Chu Va, ngay Lai Châu có rất nhiều chiếc cầu, các tỉnh miền núi còn lại nữa, tổng là có bao nhiêu cây cầu như thế? Công nghệ cầu treo phù hợp với sông dài, núi cheo miền núi, phải thừa nhận đây là một phương án phù hợp với đời sống người miền núi. Nếu nhà nước chưa có điều kiện để làm hết thì tôi tin nếu xã hội hóa sẽ có nhiều người đầu tư. Nhưng với tình hình như cây cầu Chu Va vừa rồi, thử hỏi ai dám tin để đầu tư
Trượt đáy thì xảy chuyện
Hóa ra không phải vì nghèo, không phải vì thiếu tiền nên mới có những tai nạn thương tâm như vậy. Vậy theo anh, đâu mới là lý do?
Tôi không cho rằng nó bắt đầu bằng cái nghèo mà tôi nghĩ, giống như trong một gia đình, nếu khi anh lỡ để trượt đáy sẽ xảy ra chuyện. Tương tự thế, khi đạo đức con người bị tha hóa, khi sự nghèo (cả vật chất và tinh thần) đến bần cùng, khi tất cả sự đầu tư không hiệu quả, đương nhiên sẽ xảy ra chuyện. Tôi chỉ tiếc rằng, điều xấu xảy ra ấy đều rơi vào những người dân lành. Tôi trộm nghĩ, nếu nó xảy ra trực tiếp với người đầu tư, với người làm trực tiếp công việc đó thì đã rất công bằng về mặt đạo lý và tâm linh.
 Nguyên nhân cầu Chu Va sập đang tiếp tục được điều tra làm rõ nguyên nhân.
Có cách nào “cứu nguy” cho thực trạng đáng buồn này?
Con người không có cầu vẫn sống, bởi người Tây Bắc từng dùng thuyền độc mộc vượt sông Đà cơ mà. Và như thế, nếu có cầu họ cũng sẽ đi thôi, nhưng để họ đi theo cách đánh cược mạng sống của mình thì tôi cho rằng con người độc ác quá. Mà đấy là nói ở hướng tích cực còn có cầu mà đi nhé. Rất nhiều nơi chỉ c ần có cây cầu là cuộc sống đã đổi khác.
Trong khi tôi nghĩ, để truy ra “thủ phạm” đánh sập cầu Chu Va không khó. Nếu trả lời sòng phẳng mấy câu hỏi đơn giản: Ai là chủ đầu tư, ai thi công, ai thiết kế, thiết kế có đúng với thi công không không khó. Một tai nạn thương tâm ấy đủ để người ta trả lời sòng phẳng mấy câu hỏi đơn giản này chứ. Tôi cho rằng, ở sự việc này nên làm đến nơi đến chốn chứ không nên để sự việc chìm đi. Sau đó làm công tác rà soát và đề ra biện pháp thi công bổ sung nếu có vấn đề với những cây cầu còn lại. Cũng may, hiện đã có chủ trương đang cho rà soát lại toàn bộ các cây cầu treo đã được xây dựng.
Tôi cho rằng, ông Bộ trưởng Đinh La Thăng và Bộ Giao thông vận tải thay vì ép hầu bao nhân dân bằng các loại thuế, phí, đường hãy làm cho tốt việc nhỏ này đã. Làm xong được việc cái cầu treo này thì sẽ làm được việc lớn, và khi dân thấy thuận, người ta sẽ theo. Nhà tôi có 2 cái xe máy, một cái ôto, tôi sẵn sàng đóng phí cao, nếu tôi đi được an toàn. Và tôi cũng tin người dân miền núi dù còn nghèo, nhưng họ cũng sắn sàng bớt một bữa ăn từ gạo cứu trợ góp vào tiền xây dựng những cây cầu. Vậy việc của những người quản lý là hãy bắt đầu làm mọi việc bằng trái tim đi đã.
Nếu ông Thăng là người tài thực sự vậy dịp này chứng tỏ mình đi. Tôi thấy trước hết ông ấy hãy cùng các cơ quan hữu trách nên làm quyết liệt vụ cầu Chu Va và nếu không làm được gì ở con người hãy mang cái tăng đờ gãy ở cầu Chu Va ra, xét và kết tội cho nó thì tôi tin ít nhất tâm linh những người xấu số cũng được mát mẻ. Tôi thấy vụ vết nứt cầu Vĩnh Tuy, vết rỉ nước ở đường hầm sông Sài Gòn có khi còn phức tạp vì liên quan đến nhiều thứ thuộc về kỹ thuật, vết nứt cầu Thăng Long vì xảy ra sau một thời gian dài xác định còn khó, chứ cái tăng- đơ của cầu treo, tôi thấy dễ ợt. Xử mấy ông quan huyện, mấy người thi công không phải để kết tội họ, để hả hê, mà là để răn đe, để các ông sau nhìn đó làm gương đừng làm láo nữa.
Nếu ông Thăng quan tâm, ông hãy làm quyết liệt vụ này đi, ông ấy hãy là “Thăng cầu treo” đi. Tôi cho rằng cái tên “Thăng cầu treo” còn hay bằng vạn biệt danh dân gán cho ông ấy rồi. Ông Thăng, Bộ trưởng Bộ Giao thông đủ sức làm chứ.
Giao thông bây giờ có những xa lộ hoành tráng thậm chí có những con đường dẫn thẳng tới các điểm du lịch. Đầu tư vào du lịch là cách kiếm tiền chính đáng, nhưng qua câu chuyện cầu Chu Va, chúng ta càng thấy rõ, đời sống dân sinh đang bị coi là việc nhỏ, chưa được coi trọng. Anh thấy thế nào?
Một chính thể phải đặt dân sinh lên hàng đầu, phải lo cho dân từ cái nhỏ nhất từ cái ăn, cái mặc đi đã rồi anh hẵng bàn đến những việc khác lớn lao... Nhưng nhiều nơi không coi trọng dân sinh, đó là điều dễ dàng nhìn thấy. Tôi thỉnh thoảng tự hỏi mình, hiện có những tuyến đường họ gọi là tâm linh (như Mỹ Đình - Chùa Hương - Phủ Lý - Bái Đính, Ninh Bình...) thậm chí là những xa lộ hiện đại nhiều làn xe, nó có thực sự cần thiết không khi chúng ta đang thiếu cả ngàn cây cầu nhỏ cho dân đi lại, cả triệu bữa ăn, cả nhiều chục nghìn chiếc áo ấm cho trẻ con đến trường ngày lạnh giá? Dân sinh là cái gì, đơn giản là được lo đủ ăn, mặc đủ ấm được đi lại an toàn. Tối thiểu hẵng cứ là thế đã.
Nhiều chính sách các bộ ngành đề ra nhân dân đều kịch liệt phản đối. Ngay chuyện thu phí giao thông bây giờ cũng đang phí chồng lên phí. Mọi thứ đều đổ lên đầu người dân. Mà tôi nhận ra, một khi người dân phải đối, chẳng bao giờ sai cả.
Anh không đề cập đến một vấn nạn mà đâu đâu cũng nhắc tới hiện nay: tham nhũng để lý giải những câu chuyện ở trên. Tại sao?
Cây cầu hơn 1 tỷ đồng do UBND huyện làm chủ đầu tư, nếu tham nhũng cũng chả được bao nhiêu. Tôi cũng cho rằng, nếu sau khi anh cắt xén mà anh vẫn làm việc cho nó với cái tâm mong muốn tránh rủi ro, sự việc cũng có thể không xảy ra thương tâm như vậy. Cái tôi sợ đó là sự vô cảm là thiếu lương tâm. Mà sự vô cảm còn nguy hiểm hơn cả tham nhũng. Tôi lại phải sử dụng một từ rất cũ nhưng đồ rằng nó chính xác, ở đây chúng ta phải thấy có lỗi hệ thống, có sự tha hóa hệ thống. Từ trên xuống dưới có không ít những người đã tự biến mình thành những cỗ máy không mang trái tim con người.

Cảm ơn nhà văn Phạm Ngọc Tiến về cuộc đối thoại này!

Kim Sen thực hiện

Bình luận(0)