“Con nghiện” không nên ngừng uống rượu đột ngột

Google News

Anh Đ.V.G. đã uống rượu 13 năm nay với số lượng nhiều, được gia đình đưa tới viện trong tình trạng rối loạn ý thức, mất ngủ.

- Anh Đ.V.G. (46 tuổi, Đống Đa, Hà Nội) đã uống rượu 13 năm nay với số lượng nhiều, được gia đình đưa tới viện trong tình trạng rối loạn ý thức, mất ngủ. Qua thăm khám được biết, 3 ngày trước khi vào viện anh thấy mệt mỏi nên ngừng uống rượu. Sau đó, anh mất ngủ, run tay chân, vã mồ hôi, có cảm giác kiến bò khắp cơ thể, xuất hiện ý nghĩ vợ đi ngoại tình.... Bệnh nhân còn có cơn co giật sùi bọt mép. Anh được bác sĩ chẩn đoán là sảng rượu.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Lời bàn: Sảng rượu là một cấp cứu tâm thần tối khẩn cấp, tỷ lệ tử vong rất cao (20 - 30%). Sảng rượu được phân loại gồm: Sảng do ngộ độc rượu cấp, sảng do cai rượu. Trường hợp của anh Đ.V.G. là sảng do cai rượu xuất hiện trên bệnh nhân nghiện rượu mạn tính (thường trên 10 năm uống rượu với số lượng trên 400ml rượu 400 cồn), ngừng hoặc giảm uống rượu đột ngột vì một lí do nào đó (bệnh nội khoa, ngoại khoa hoặc tự cai).
 
Khi ngừng rượu đột ngột, người bệnh có biểu hiện mất ngủ hoàn toàn, rối loạn ý thức, rối loạn định hướng không gian (không biết mình ở đâu), thời gian (không biết giờ là sáng hay chiều), nặng hơn là rối loạn định hướng bản thân (không biết mình là ai), rối loạn nhận thức, hoang tưởng (ghen tuông, bị hại), ảo giác (ảo thanh, ảo thị, ảo xúc giác) rầm rộ...
 
Những trường hợp uống rượu lâu năm trước khi định cai rượu nên tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa và việc cai phải cai theo liệu trình. Tốt nhất là không uống rượu tới mức bị nghiện, phụ thuộc vào rượu kẻo cơ thể bị tàn phá bởi loại đồ uống này.  
BS Đinh Việt Hùng (Bệnh viện Quân y 103)
[links()]

Bình luận(0)