Xét tuyển đại học 2015: Học mà không thích, hậu quả nặng nề!

Google News

(Kiến Thức) - Những ngày qua, xã hội “nóng hầm hập” với câu chuyện sĩ tử nộp – rút – nôp hồ sơ vào trường nào để chắc chắn đỗ trong đợt đầu xét tuyển đại học 2015.

Theo PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, đổi mới cách thi cử là cần thiết, nhưng việc nhiều em phải bằng mọi cách đỗ được đại học trong các đợt xét tuyển đại học 2015, không cần biết ngành học đó có đáp ứng sở thích hay không sẽ để lại hậu quả nặng nề.
Cái mất trong cái… được
- Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2015 đã kết thúc. Đến thời điểm này, sau nhiều ngày chờ đợi thì các thí sinh đã có thể biết mình đỗ hay trượt nguyện vọng 1. Ông đánh giá thế nào về những đổi mới trong kỳ thi lần này?
- Tôi muốn so với cái cũ xem đổi mới thì có cái gì mới không, tốt hơn không. Cái được nhất của kỳ thi này là tiết kiệm được một kỳ thi, thay vì hai kỳ thi gây ra sự lãng phí và mỏi mệt. Tôi hoan nghênh ngành giáo dục đã làm ra một kỳ thi với những đổi mới. Nhưng trong cái được có những cái không được bộc lộ ra.
- Ông có thể nói rõ cái không được ấy là gì?
- Đầu tiên về quy định môn thi là 4 môn, cách làm đó tạo ra sự học lệch cho học sinh. Học sinh từ lớp 10 trở đi chỉ học văn, toán, ngoại ngữ và một môn tự chọn. Giáo viên khổ nhất khi lên lớp, trong 50 học sinh chỉ có 10 em thích học, 40 em còn lại để đầu óc ở đâu đâu ấy. Thế là lãng phí sức vì học cả trong 3 năm.
- Thế thì nên chăng quy định em nào thích học cái gì thì chỉ cần học cái đó?
- Không được, chúng ta đang bố trí chương trình phổ thông toàn diện, học toán nhưng cũng phải biết lịch sử một chút. Đứng ở gò Đống Đa mà chẳng biết gò Đống Đa là gì, ông Nguyễn Huệ và ông Quang Trung là hai anh em, thì chuyện đó không ai chấp nhận được. Tôi tự hỏi tại sao Bộ không cho làm một bài thi tự nhiên, một bài xã hội để các em phải học toàn diện.
- Nhưng ở trường phổ thông, học đến đâu kiểm tra đến đấy rồi cơ mà?
- Với tình hình như thế này thì tôi thấy không tin tưởng được. Nhiều khi thầy nể nang trò. Nếu làm như Đại học Quốc gia vừa rồi, học sinh không học toàn diện thì không thi được, thì sẽ toàn diện.
- Còn điều gì là “không được” nữa?
- Bộ quy định lấy điểm phổ thông để làm căn cứ nhưng chỉ lấy điểm lớp 12 thì rất dễ dẫn đến tiêu cực. Nếu lấy điểm của cả 3 năm, thì có muốn tiêu cực cũng khó. Từ 2 - 3 điểm mà nâng lên 5 -6 điểm là rất dễ dàng. Có đúng không, cô có đồng ý thế không? Vấn đề này tôi cũng đã góp ý kiến.
- Còn khâu tổ chức thi và xét tuyển?
- Sở GD&ĐT quản lý các trường phổ thông trong cả 12 năm, giờ lại “đẻ” ra 38 cụm thi giao cho các trường đại học, còn Sở chỉ tổ chức thi cho số học sinh không thi đại học. Thế năm nay nó không đi đại học nhưng năm sau lại muốn đi thì sao? Rồi cô thử đặt địa vị cô cầm cái bằng tốt nghiệp phổ thông không được thi vào đại học, thì rõ là không thoải mái chút nào hết. Tại sao không tạo ra sự bình đẳng cho tất cả mọi người, giỏi thì cứ việc xét tuyển vào đại học. Hơn 100 cụm thi được tổ chức, có những cụm thi 60 cán bộ chỉ có 1 học sinh. Đổi mới như thế nào mà lại thế?
Hoc ma khong thich, hau qua nang ne!
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng nói về hệ lụy của việc tuyển sinh ĐH năm nay. 
Hậu quả từ học thứ mình không thích
- Một trong những điều mà cá nhân tôi thấy băn khoăn với việc chọn trường hiện nay là liệu học sinh có được học cái mình thích, khi cứ nộp vào rút ra hồ sơ chỉ để chắc chắn đỗ đại học?
- Trước đây học sinh muốn đi học trường nào đã có ý tưởng từ lâu. Ví dụ em thích học báo chí thì em đã hun đúc mơ ước đó, thích làm nghề đó và sẽ lăn lộn để làm. Nên khi thi đại học, dù em có thừa điểm vào ngoại thương, bách khoa, y dược em cũng không vào, quyết tâm chỉ học báo chí. 
- Còn cách thi tuyển hiện nay có tạo điều kiện cho học sinh thực hiện điều đó?
- Cách tuyển sinh như thế này khiến học sinh không quan tâm mình thích học cái gì mà chỉ cần chắc chắn mình đỗ đại học, mình phải đỗ đại học. Là bởi lấy điểm từ trên lấy xuống, nên học sinh phải lăn xả nộp hồ sơ để làm sao đỗ được đại học. Cho học sinh được tha hồ rút ra nộp vào, gây nên tình trạng lộn xộn. Một người phải cân nhắc được mình muốn học cái gì chứ? 
- Một thế hệ học sinh không học thứ mình thích thì hậu quả thế nào?
- Khi học, khi người ta yêu thích một nghề nào đó thì mới có thể phát triển tài năng. Còn cố vào cho được với một điểm số này, học một thời gian, không thích ngành đó thì học sinh sẽ tự bỏ thôi.
- Tôi đồng tình với ông, như tôi ngày thi đại học, điểm thi của tôi thừa để vào các khoa khác, nhưng vì chỉ thích học báo chí nên tôi quyết tâm thi lại, chứ không nộp hồ sơ vào khoa thấp điểm hơn!
- Do vậy, cô không thích thì cô không học được. Còn nếu thích, bao nhiêu khó khăn, lăn lộn cũng chẳng là gì. Còn không thích, việc đêm hôm lấy tin làm bài thấy vất vả quá, một vài hôm là chán, là bỏ nghề thôi. Nên việc phát huy năng lực, lòng yêu mến của học sinh rất quan trọng. Học sinh phải thích thì mới có thể ham học, còn nếu không thích thì có nói bằng trời chúng cũng không học. 
- Hẳn là ông cũng chứng kiến những người phải học cái mình không thích?
- Tôi có một người bạn, khi học phổ thông thì bạn này rất giỏi văn. Cùng thời gian để viết bài tôi chỉ viết được 4 trang, bạn viết được 12 trang. Sau đó, bạn được phân công đi học địa chất ở Liên Xô, cũng cái kiểu phân bổ điểm cao thì học cái này, thấp thì học cái kia như bây giờ. Về nước, bạn không theo ngành đó vì không thích, đâm ra chán chường, bỏ công tác, không làm gì liên quan đến địa chất cả. Nhìn lại cả cuộc đời bạn mình, đáng lẽ là một nhà văn nổi tiếng thì đến lúc già vẫn không làm được gì, địa chất không làm được, văn cũng chẳng viết được. Tôi vừa mới đi thăm bạn về, đời sống rất khó khăn.
- Thật buồn cho những người “được” rơi vào hoàn cảnh đó!
- Thế đấy, nếu bạn được học đúng thứ bạn thích thì giờ có lẽ đã có rất nhiều tác phẩm lớn đóng góp cho xã hội rồi. Học thứ mình không thích nó nguy hại như thế đấy. 
Hãy giao cho địa phương
- Để tránh những vấn đề nảy sinh, theo ông nên tổ chức kỳ thi như thế nào?
- Theo tôi nên giao cho Sở GD&ĐT và chính quyền địa phương, học sinh thi ngay ở tại trường. Bộ sẽ chẳng việc gì phải mỏi mệt.
- Nhưng sợ thi ở địa phương không nghiêm túc?
- Tôi không nghĩ thế, một là cơ sở vật chất như vậy không ai làm gì được cả, công an gác cổng, bố trí ngồi cách xa nhau làm sao nhìn bài được, tráo các mã đề. Hoàn toàn có thể làm nghiêm được. Chính quyền địa phương sẽ phải chịu trách nhiệm thì đỡ tốn kém nhiều. Và học xong thi luôn chứ không để học xong chờ 1 tháng mới thi. 1 tháng với 1 triệu học sinh là 30 triệu ngày công của xã hội bỏ phí. Cần thì các trường đại học về địa phương giám sát.
- Hy vọng những điểm chưa ổn này sẽ được giải quyết ở kỳ thi năm sau?
- Tôi cũng hy vọng như thế, năm sau Bộ sẽ phải rút kinh nghiệm nên hãy cho bài thi thành 5 bài thi gồm văn, toán, ngoại ngữ và các bài tự nhiên, xã hội, trong đó kết cấu các môn học được phân bổ đồng đều. Buộc học sinh phải học hết chứ không được học lệch. Thi xong phát phiếu điểm cho học sinh. Các trường công bố điểm sàn, do đã đăng ký nguyện vọng học từ ban đầu, học sinh cứ thế nộp phiếu điểm mà học thôi.
Xin cảm ơn ông!
Nếu ngay từ học kỳ 1 lớp 12 đã cho phép học sinh đăng ký theo nguyện vọng, các trường sẽ biết hết có bao nhiêu em có nguyện vọng vào trường mình. Sau đó Bộ GD&ĐT dựa trên các tiêu chí để phân bổ chỉ tiêu cho từng trường. Khi thi xong sẽ công bố điểm chuẩn từng trường. Những em có nguyện vọng (đã đăng ký từ đầu năm lớp 12) đầu tiên học ở trường có điểm số đạt ngưỡng trúng tuyển thì sẽ chọn. Khi không đủ chỉ tiêu thì hạ điểm xuống để lấy. Việc tổ chức thi sẽ đơn giản hơn nhiều.
Tô Hội (Thực hiện)

>> xem thêm

Bình luận(0)