Tổ quốc lâm nguy, sức mạnh bùng phát

Google News

(Kiến Thức) -   Càng phải sống trong điều kiện khó khăn, sức sống, sức vươn lên của người Việt càng mãnh liệt.

Dĩ bất biến, ứng vạn biến
TS Nguyễn Ánh Hồng, Khoa Văn hóa phát triển, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết, người Việt Nam có khả năng thích ứng rất cao bởi sống trong điều kiện tự nhiên xã hội đặc thù. Cái khó ló cái khôn, “dĩ bất biến ứng vạn biến”, tùy trong từng trường hợp cụ thể để luôn có những biện pháp ứng phó phù hợp trong tất cả các lĩnh vực ngoại giao, kinh tế, chính trị, văn hóa. Trong tự nhiên, sản xuất, sức sáng tạo của người Việt không ngừng nghỉ. 
Trong cuộc đối mặt với kẻ thù, tùy từng đối tượng mà Việt Nam luôn có những kế sách đối phó. Trong lịch sử đấu tranh chống Trung Quốc xâm lược, Việt Nam thường sử dụng nghệ thuật “gậy ông đập lưng ông” để trừng trị. Triều Lý, vua Lý Thường Kiệt đã cử ông Lê Văn Thịnh sang Trung Quốc đòi lại đất đai. Nguyễn Trãi cũng chủ trương “lấy đại nghĩa để thắng hung tàn”. Nghệ thuật ứng biến của người Việt thể hiện rõ một nền tảng đời sống văn hóa xã hội lâu đời.
Theo PGS.TS Ngô Văn Giá, trường Đại học Văn hóa, cái khó có thể bó cái khôn, nhưng với người Việt, trong những tình huống cụ thể, cái khó thường ló cái khôn. Càng ở trong những tình huống hiểm nghèo, người Việt càng thể hiện rõ nét tố chất này. Tinh thần yêu nước của người Việt cũng được thể hiện trong từng hoàn cảnh “dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Ngày thường có thể không nhìn thấy, nhưng khi Tổ quốc, dân tộc đứng trước những nguy cơ lớn thì nhất định lòng yêu nước ấy bùng phát. Chiến thắng Điện Biên Phủ đã đi vào lịch sử thế giới như một bản anh hùng ca vẻ vang bất khuất của người Việt, cũng là chiến thắng của lòng yêu nước, của ý chí quật cường, của mưu mẹo, trí thông minh...  
 
Yêu nước kiểu người Việt
Theo TS Nguyễn Ánh Hồng, sức mạnh của người Việt chính là lòng yêu nước được nâng lên thành chủ nghĩa yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý thức nguồn cội, chủ quyền tổ quốc. “Sức mạnh mềm” ấy có trong máu thịt của người Việt. Có người sẽ thắc mắc, dân tộc nào chẳng yêu nước. Đúng thế, dân tộc nào cũng yêu nước, nhưng sắc thái hoàn toàn khác nhau. Người Trung Quốc yêu nước nghĩa là trung quân, người phương Tây yêu nước gắn với vật chất, lòng yêu nước gắn với các giá trị vật chất cơ bản trong đời sống. Nhưng lòng yêu nước của người Việt Nam khác hẳn. Yêu nước chính là yêu nhà. Việt Nam là nước duy nhất trên thế giới có tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên cấp quốc gia dân tộc. Đó là giá trị văn hóa, là sức mạnh nội lực của dân tộc.
“Người Việt khác với các dân tộc khác vì có ý thức cộng đồng, ý thức dân tộc đặt lên cao nhất. Nói như một nhà nghiên cứu văn hóa thì điểm mạnh nhất của người Việt mà không quốc gia nào có chính là ý thức gia đình, gia tộc và dân tộc đồng nhất. Sức mạnh văn hóa là lòng yêu nước, đó là vũ khí mang tính “hủy diệt” để người Việt chiến thắng hàng nghìn năn Bắc thuộc, gần trăm năm Pháp thuộc và mấy chục năm đế quốc Mỹ xâm lược”, TS Nguyễn Ánh Hồng chia sẻ.
Theo lý giải của PGS.TS Ngô Văn Giá, lòng yêu nước của người Việt khác các quốc gia khác, một phần do điều kiện tự nhiên quy định. Việt Nam là đất nước nhỏ bé, nằm cạnh một quốc gia rất lớn là Trung Quốc. Thường xuyên bị đe dọa xâm lược... bởi vậy lòng yêu nước được tôi rèn và trở nên rất mẫn cảm. Bất cứ khi nào cần thiết là lòng yêu nước lại trở nên sục sôi. 
Ảnh trong bộ ảnh “Hướng về biển Đông - Chạm vào Tổ Quốc”. 
Quốc sỉ
TS Nguyễn Ánh Hồng cho rằng, ngày nay, sức mạnh ấy của người Việt vẫn đang tiềm ẩn mạnh mẽ, chỉ cần được đánh thức. Bộn bề cuộc sống làm sức mạnh ấy đang ngủ yên, nhưng khi đất nước cần, những thanh niên “đầu xanh đầu đỏ” sẵn sàng cầm súng xả thân vì Tổ quốc ngay. Trước tình hình căng thẳng trên Biển Đông, có người lo lắng về khả năng xảy ra chiến tranh, nhưng trong xu thế thời đại ngày nay, chiến tranh bằng vũ lực có lẽ sẽ không còn. Có thể tiềm lực quân sự không bằng, nhân lực của chúng ta không bằng Trung Quốc nhưng sức mạnh của chính nghĩa, của lẽ phải sẽ chiến thắng. Lòng yêu chính là sức mạnh văn hóa.
PGS.TS Ngô Văn Giá, trường Đại học Văn hóa cho rằng, người Việt rất tự trọng. Quốc sỉ của người Việt là một thứ không thể xâm phạm. Có thể người này người khác xúc phạm cá nhân của nhau thì dễ bỏ qua, nhưng nếu tự trọng quốc gia bị động chạm thì đây sẽ là một vấn đề rất lớn. Người Việt trọng danh dự, trọng tình, nên có thể tha thứ cho trộm cướp nhưng rất khó tha thứ cho người xúc phạm danh dự, nhân phẩm.
 PGS.TS Ngô Văn Giá nhớ lại câu chuyện của GS Phan Ngọc từng kể rằng: Thời nhà Trần, vua Trần Nhân Tông đánh giặc Nguyên, có 2 làng ở vùng Sơn Nam Hạ (Thái Bình và Nam Định ngày nay) không chịu tòng quân đánh giặc. Sau khi dẹp loạn yên giặc xâm lược, nhiều quan lại tố 2 làng này và đề nghị phải có các biện pháp trừng trị thích đáng. Vua Trần Nhân Tông ngẫm nghĩ mãi, tha không được, nhưng phạt cũng không nên. Vua bèn nghĩ ra cách trừng phạt là đặt tên hai ngôi làng này là chó bởi cái tội quay lưng với dân tộc trong hoàn cảnh khó khăn. Vậy là đêm đêm, không ai bảo ai, từng gia đình trong làng dời đi biệt xứ. Sau chưa đầy 1 năm, 2 ngôi làng trở thành vùng đất hoang không người ở. Những người biệt tích đó cũng giấu luôn tung tích gốc gác của mình để giấu đi nỗi tủi hổ. Đó chính là quốc sỉ, là lòng tự trọng dân tộc có trong ở bất kỳ người Việt nào.
“Trong lịch sử dân tộc, có những giai đoạn đất nước rơi vào thời kỳ suy mạt do khi đó, quyền lợi của giai cấp cầm quyền độc lập với quyền lợi của nhân dân lao động. Nếu một thể chế không vì lợi ích của người lao động thì những sức mạnh ấy sẽ phân tán. Bởi vậy hơn lúc nào hết, trong hoàn cảnh độc lập chủ quyền dân tộc đang bị uy hiếp, người dân phải đồng lòng để đánh thức lòng yêu nước và ý chí quật cường dân tộc, bảo vệ giữ vững Tổ quốc”.
PGS.TS Ngô Văn Giá
Bảo Khánh

Bình luận(0)