Quan “vi hành” sẽ thấy ngay thói hư tật xấu của công chức

Google News

(Kiến Thức) - "Vi hành" là sẽ thấy ngay lập tức nhiều cách giao tiếp ứng xử khó chấp nhận của những công chức khi thực thi công vụ.

Sau khi đăng tải bài viết "Cứ vi hành sẽ thấy" trò chuyện với ông Đỗ Văn Ân, nguyên Trưởng ban Cơ yếu Chính phủ, tòa soạn đã nhận được nhiều phản hồi của bạn đọc. Chúng tôi xin trích đăng một số ý kiến.
Không nên thể hiện bằng con số đơn thuần
Ông Văn Quý (Hai Bà Trưng Hà Nội) bày tỏ, "Vi hành" là sẽ thấy ngay lập tức nhiều cách giao tiếp ứng xử của những công chức khi thực thi công vụ ở các công sở. Với thực trạng phổ biến là vào làm việc chậm giờ, nói trống không,  thái độ thờ ơ lạnh nhạt, thiếu niềm nở. Có những lúc còn tụ tập "buôn dưa lê", gọi điện thoại nói chuyện riêng... để khách cứ dài cổ mà chờ mà đợi. Thứ nữa là không quan tâm tạo điều kiện thuận lợi cho dân nhằm hạn chế việc phải đi lại nhiều lần chỉ để xin một chữ ký của lãnh đạo, một con dấu vào một văn bản hành chính nào đó. 
Việc đưa ra con số tỷ lệ dân hài lòng với hành chính công theo điều tra xã hội học cần phân tích kỹ những yếu tố, những nguyên nhân vì sao có được chứ không thể chỉ là con số đơn thuần, như thế thì mới có sức thuyết phục với dư luận xã hội. 
 Ảnh minh họa.
Công cuộc cải cách hành chính còn phải tiếp tục đổi mới hơn nữa
Đồng tình với quan điểm của ông Đỗ Văn Ân, bạn đọc Đặng Lê Văn (Thanh Thủy, Phú Thọ) cho biết thêm, công cuộc cải cách hành chính của Nhà nước ta đã được đặt ra từ nhiều năm nay, đã có một số ngành địa phương chuyển biến tốt. Nhưng nếu nói có 80% người dân hài lòng về dịch vụ công này thì có lẽ nền cải cách sẽ không cần phải quan tâm nữa, và sẽ không có tình trạng một người nhà bệnh nhân nổi nóng đánh bác sĩ, một lái xe đâm thẳng vào cảnh sát giao thông đứng đường, một phụ huynh cãi nhau tay đôi với thầy cô giáo... 
Tình trạng gây phiền hà, quan liêu, hách dịch ở các cơ quan công quyền từ cơ sở xã phường trở lên vẫn còn phổ biến, là một bệnh kinh niên, mãn tính khó chữa. Những hiện tượng tiêu cực nơi công sở nếu cấp trên "vi hành" mà báo trước thì sẽ không bao giờ thấy. 
Một lời chào, một lời xin lỗi, một lời cảm ơn chỉ dành cho người dân đến cơ quan công quyền cầu cạnh, không bao giờ có được từ người đương chức, đương quyền như những lời của các nhà lãnh đạo cấp trên thường nhắc nhở cấp dưới. 
Theo tôi, công cuộc cải cách hành chính phải tiếp tục có những biện pháp mạnh hơn nữa, phải thường xuyên giáo dục cán bộ đương quyền có những quyết sách mới nhằm nâng cao trách nhiệm phục vụ nhân dân, do dân và hết lòng vì dân, gần gũi với dân và trên hết là phải biết thương dân thực sự mới có thể hoàn thành nhiệm vụ cải cách hành chính căn bản và lâu dài được. 
Ban Bạn đọc (tổng hợp)

Bình luận(1)

Minh Hiền

Đoàn Hồng Hải

Có những Quan trước mặt công chức tỏ vẻ ta đây là đúng đắn. Nhưng sau lưng còn rất tệ hơn là nhân viên, nhất là hối lộ