Lễ hội Đền Hùng, có nên dâng cúng tiên tổ bánh chưng "khủng"?

Google News

(Kiến Thức) -  Bao đời nay, ông cha ta vẫn dâng Tổ tại Lễ hội Đền Hùng bằng những chiếc bánh chưng, bánh dày xinh xinh chứ tuyệt nhiên không hề có thứ bánh chưng khủng.

Trong mỗi chúng ta, không ai không thuộc nằm lòng câu: "Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà, đậm đà bản sắc dân tộc".
Nhưng từ lời nói đến hành động quả là xa vời. Dường như chúng ta vẫn chưa định hình được cụ thể, để "Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà, đậm đà bản sắc dân tộc" thì phải làm gì, và vì thế câu nói trên vẫn mang tính chất hô khẩu hiệu, thuyết lí chung chung. Hậu quả thì ai cũng đã biết: Văn hóa ngày càng xuống cấp mà minh chứng sinh động nhất đấy là sự biến tướng của một số lễ hội văn hóa trong thời gian gần đây.
Le hoi Den Hung, co nen dang cung tien to banh chung
 Lễ hội Đền Hùng.
Bài viết này chỉ bàn đến một chuyện nhỏ nhân ngày giỗ Tổ - Lễ hội Đền Hùng năm nay, Công viên văn hóa Đầm Sen dự tính sẽ gói chiếc bành chưng khổng lồ nặng 2,5 tấn để dâng Tổ. Khi tôi viết những dòng này thì các phương tiện truyền thông cũng đã tràn ngập thông tin, các nghệ nhân ở Đầm Sen đang tiến hành công việc gói và nấu chiếc bánh khổng lồ này.
Tục dâng lễ vật nhân ngày giỗ Tổ là nét đẹp có tự ngàn xưa trong văn hóa dân tộc. Nó thể hiện truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, tấm lòng thơm thảo, biết ơn tiên tổ của con cháu. Tục dâng bánh có lẽ xuất phát từ câu chuyện dân gian về sự tích bánh chưng bánh dày để rồi mỗi khi Tết đến xuân về, trên mâm cỗ cúng tổ tiên, ông cha ta thường làm hai thứ bánh này để tạ ơn trời đất. Đây cũng là hai thứ bánh không thể thiếu trong mâm cỗ cúng ngày Giỗ Tổ Hùng Vương hằng năm.
Xin lưu ý là cỗ cúng tổ tiên được bày trên mâm, chỉ cần một người bưng, trang nhã, thành tâm và nghiêm cẩn. Từ bao đời nay, ông cha ta vẫn làm cỗ dâng Tổ bằng những chiếc bánh chưng bánh dày xinh xinh đặt trên mâm gỗ sơn son hoặc mâm đồng như thế chứ tuyệt nhiên không hề có thứ cỗ với bánh chưng khủng nặng hàng tạ, hàng tấn.
Đó mới là nét thuần phong mĩ tục, là bản sắc văn hóa dân tộc.
Để "Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà, đậm đà bản sắc dân tộc" thì trước hết phải giữ cho được những nét thuần phong mĩ tục ấy thông qua việc tổ chức các lễ hội chứ không phải bằng sự hô hào, thuyết lí suông.
Trước thông tin Công viên văn hóa Đầm Sen sẽ dâng bánh chưng khổng lồ dịp giỗ Tổ năm nay, ông Hà Kế San - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ cho biết: “Lễ giỗ Tổ Hùng Vương thuộc hoạt động văn hóa dân gian, gắn liền với việc gìn giữ thuần phong mĩ tục của người Việt. Cho nên, chúng tôi kiên quyết không nhận những vật phẩm trái với thực tế đời sống ngày xưa, không có chuyện bánh chưng, bánh dày “khủng” tồn tại trong Lễ hội Đền Hùng – Giỗ tổ Hùng Vương năm 2016”.
Thiết nghĩ đó là một việc làm đúng đắn của tỉnh Phú Thọ và Ban tổ chức Lễ hội Đền Hùng. Chủ trương này cần được sự ủng hộ rộng rãi của dư luận và báo chí.
Đã đến lúc chúng ta nói không với việc dâng cúng tổ tiên, tiền nhân bằng những lễ vật khủng. Tổ tiên ta xuất phát từ nghề nông, chắt chiu cần kiệm từng hạt lúa, củ khoai quyết không có tư tưởng lãng phí xa hoa nên càng không thể mỉm cười nơi chín suối khi con cháu dâng những chiếc bánh khủng mà sinh thời có nằm mơ họ cũng không nghĩ đến.
Cái mà tiên tổ cần ở con cháu là tấm lòng thơm thảo "uống nước nhớ nguồn", là thái độ và hành động yêu quí, trân trọng, gìn giữ cho muôn đời những giá trị văn hóa dân tộc chứ quyết không phải là mâm cao cỗ đầy hay của ngon vật lạ dâng tiến.
Nguyễn Duy Xuân

Bình luận(2)

Minh Hiền

Phú

Bánh chưng khủng thể hiện tài hoa của nguoi nấu. Bạn tuong dễ nấu chín 1 cái bánh chưng lắm à. Đó chính là cách nâng tầm nghệ thuật nấu bánh đó. Tại sao lại quy kết nhung nguoi làm bánh khủng ko có tâm. Bài viết thực sự ko có tầm.

Minh Hiền

Quang Anh

Những người làm bánh khủng nói rằng sẽ chia bánh cho khách tới thăm thưởng thức khi đã xong nghi lễ. Tôi không biết bánh có hương vị giống bánh chưng thật không khi đã phải qua thời gian trưng bày nhiều. Nó có thể đã ôi thịu như những chiếc bánh khủng ở Đền Hùng năm nào. Phải nói rằng bánh chưng Việt Nam là đặc biệt, có cả nếp (Bắc), đậu xanh và thịt heo, và khi cắt phải cắt khéo để mỗi phần vừa một người ăn lại có đủ cả nếp-đậu-thịt cho nên phải cắt theo đường chéo qua tâm bánh. Cái bánh khủng kia có thể chia vậy được không?