Cô giáo cả đời tình nguyện vào trại hủi chăm sóc bệnh nhân

Google News

(Kiến Thức) - Suốt cuộc đời phục vụ trong trại phong, chị không ngần ngại tắm rửa, vệ sinh, giặt giũ quần áo cho bệnh nhân, thậm chí ăn, ngủ cùng người sắp qua đời...

Đọc bài Người tử tế trong "bóng đen hủi" viết về chị Nguyễn Thị Xuân ở xã Đại Xuân, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh, tôi thực tâm khâm phục một con người có lương tâm thánh thiện, một nhân vật đặc biệt có một không hai như chị.
Chị Nguyễn Thị Xuân thăm hỏi một trường hợp bị hủi.
Khi nhắc đến trại phong, trong suy nghĩ của nhiều người sẽ có sự ghê sợ, thành kiến, thế nhưng với chị Xuân, một người có nhan sắc, một giáo viên giỏi giang không ít chàng trai say mê lại không hề mảy may nghĩ đến chuyện gia đình, chị đã tình nguyện vào trại hủi (Trại phong quả cảm Bắc Ninh) để được làm chị, làm mẹ cho những bệnh nhân kém may mắn mang bệnh tật lở loét khắp người. 
Suốt cuộc đời phục vụ trong trại phong, chị không ngần ngại, sợ sệt lăn vào với người bệnh để tắm rửa, vệ sinh, giặt giũ quần áo cho bệnh nhân, thậm chí còn cùng ăn, cùng ở, cùng ngủ với người bệnh sắp qua đời. Chị còn chắp nối cho những bệnh nhân trẻ thành vợ thành chồng, có một gia đình hạnh phúc ngay trong trại hủi.
Với những đóng góp của mình, chị Xuân đã được Nhà nước tặng thưởng huân chương, được Chính phủ tặng bằng khen, như thế theo tôi vẫn chưa đủ với công lao và sự hy sinh cả đời tư của chị, đã làm vơi đi nỗi buồn tủi của bệnh nhân phong. 
Gương sáng này của chị Xuân cần được nhân rộng ra cả nước, các ngành chức năng cần phải phát động một đợt học tập gương sáng hy sinh, đức tính thánh thiện của chị, để mỗi người dân Việt Nam noi theo, trở thành một người tử tế, làm những việc tử tế phục vụ cho đời.
Đặng Lê Văn (Xuân Lộc, Thanh Thủy, Phú Thọ)

Bình luận(0)