Sau điều trị ung thư có còn bị sụt cân hay không?

Google News

(Kiến Thức) - Yếu tố sụt cân nhiều không rõ lý do là dấu hiệu chứng tỏ bạn có nguy cơ mắc bệnh ung thư.

Hỏi: Bệnh nhân ung thư sau đợt điều trị (phẫu thuật, hóa trị, xạ trị) một thời gian nay đã ổn định (ăn uống ngon trở lại, hết bị nôn và khó chịu), vậy có còn bị yếu tố sụt cân trong ung thư ảnh hưởng nữa không? Cần tiếp tục chú ý gì trong chế độ ăn uống? (Ngọc Hương – Đồng Nai)
 Cần chú ý đến hiện tượng sụt cân không rõ nguyên nhân. (Ảnh minh họa)
BS. Đoàn Lực (Bệnh viện K Hà Nội):  
Bệnh nhân sau khi điều trị được bác sỹ xác nhận bệnh ổn định, bệnh nhân chuyển sang chế độ theo dõi thì không còn yếu tố gây sụt cân nữa vì các yếu tố gây sụt cân gắn liền với sự phát sinh, phát triển của khối u. Khi khối u không còn thì các yếu tố này cũng mất đi. Chế độ ăn uống trở lại bình thường. 
Có 2 vấn đề bệnh nhân cần lưu ý:

Sau điều trị bệnh nhân còn trong chế độ theo dõi, thường là 5 năm. Chế độ ăn cần hợp lý, cần đủ chất dinh dưỡng và nên bỏ thói quen ăn uống có hại như ăn gỏi, ăn sống, thịt nướng, muối...với thời gian sử dụng thường xuyên và kéo dài; không dùng nhiều chất kích thích như rượu, bia, các thức ăn có nhiều chất cay...cũng không nên ăn quá nhiều hoặc kiêng quá mức cần thiết.

Một số bệnh ung thư có một phần nguyên nhân là ăn uống nên tuân thủ nghiêm túc như ăn ít chất béo, nhiều chất xơ và hoa quả. Một số bệnh ung thư sau điều trị bệnh có ảnh hưởng đến hệ thống tiêu hóa cần tuân thủ ý kiến của bác sỹ điều trị như sau phẫu thuật cắt bỏ một số cơ quan như dạ dày, tụy, đại tràng hoặc sau tia xạ vùng miệng, họng, thực quản...cần chế độ chế biến phù hợp với từng bệnh nhân.

Theo Prosure

Bình luận(0)