Ấn Độ hiện đại hóa căn cứ đối phó Trung Quốc

Google News

(Kiến Thức) - Ấn Độ đang xúc tiến kế hoạch hiện đại hóa, mở rộng căn cứ hải quân tương lai ở bờ biển phía Đông nhằm đối phó với Trung Quốc.

Times of India dẫn nguồn tin từ chính phủ Ấn Độ cho hay, gần đây đã diễn ra một loạt các cuộc họp và trao đổi giữa Văn phòng Thủ tướng và Bộ Quốc phòng nhằm cụ thể hóa kế hoạch mở rộng căn cứ hải quân ở gần Rambilli, hay gọi là “Dự án Varsha” trên bờ biển Andhra. Nơi này cách Bộ Chỉ huy Hải quân miền Đông Visakhapatnam 50km.

Căn cứ hải quân này nhằm đối phó với Trung Quốc, sẽ bao gồm các hầm ngầm, boongke để bảo vệ tàu ngầm khỏi bị các vệ tinh do thám của đối phương dò xét (hoặc các cuộc tấn công).

Mặc dù giờ vẫn còn quá sớm để nói về Dự án Varsha nhưng giới phân tích cho rằng, đây là câu trả lời đối với việc Trung Quốc xây dựng căn cứ tàu ngầm tại vịnh Yalong (thành phố Tam Á, đảo Hải Nam) - nơi đón tiếp các tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân và tàu ngầm hạt nhân chiến lược của Trung Quốc.

Ấn Độ triển khai việc cắm đất và phát triển hạ tầng căn cứ cách đây đây vài năm nhưng sắp tới, một loạt các công trình quan trọng như đường hầm, kho tàng, nhà xưởng và khu ở sẽ được khởi công.
Ấn Độ tăng cường hiện đại hóa căn cứ hải quân nhằm đối phó với Trung Quốc. Ảnh minh họa

“Hiện việc thu hồi thêm đất để diện tích căn cứ có tổng diện tích 20 km2 đang tiến hành. Cùng với đó là chi ngân sách dài hạn cho căn cứ được lên kế hoạch”, nguồn tin nói.

Nỗ lực này trùng khớp với chính sách tổng thể của Ấn Độ nhằm tăng cường triển khai lực lượng ở khu vực biển phía đông.
Ngoài ra, nước này cũng xây thêm các căn cứ quân sự tiền phương (FOB), căn cứ luân phiên (OTR) nhằm đối phó Trung Quốc tăng cường sự hiện diện ở khu vực Ấn Độ Dương; bảo vệ toàn bộ tuyến bờ biển dài của Ấn Độ... 

Dự án Varsha trong những năm tới dự kiến còn xây dựng căn cứ hải quân trên bờ biển bang Karrnataka. Nó sẽ tạo cho Ấn Độ có thêm chiều sâu cả về chiến lược lẫn linh hoạt trong triển khai quân tại khu vực phía tây chống lại Pakistan. 

Trong khi căn cứ Karrwar sẽ "giải tỏa" cho cảng Mumbai, căn cứ mới xây dựng sẽ giải tỏa cho cảng Vizag ở phía đông. Hiện Karwar có thể đón tiếp 11 tàu chiến cỡ lớn. Ủy ban an ninh nội các (CCS) đã chuẩn y khoảng 2 tỷ USD để mở rộng giai đoạn 2A nhằm bảo đảm căn cứ có thể neo đậu 32 tàu mặt nướcvà tàu ngầm trước năm 2018-2019.
Căn cứ mới sẽ là nơi đóng quân của tàu ngầm hạt nhân chiến lược và tàu ngầm hạt nhân tấn công. Ảnh minh họa

Karwar sẽ được dùng làm căn cứ chính cho tàu sân bay INS Vikramaditya dự kiến bàn giao cho Ấn Độ vào cuối năm nay. Căn cứ cũng sẽ đón thêm 6 tàu ngầm phi hạt nhân Scorpene (Pháp thiết kế) đang được nhà máy Mazagon đóng.

Cùng với chương trình nâng cấp căn cứ, Ấn Độ đang tích cực xây dựng sức mạnh tàu ngầm hạt nhân.

Hải quân Ấn Độ đang lên kế hoạch đưa vào trang bị 3 tàu ngầm hạt nhân chiến lược (mang tên lửa đạn đạo) và 6 tàu ngầm hạt nhân tấn công (trang bị tên lửa hành trình) nhằm củng cố khả năng răn đe hạt nhân có hiệu quả.

Ấn Độ cũng đang tiến hành chạy thử tàu ngầm hạt nhân nội địa lớp Arihant có lượng giãn nước 6.000 tấn. Đây là bước ngoặt quan trọng trong chương trình phát triển tàu ngầm hạt nhân chiến lược này.

Tàu ngầm nội địa Arihant và 3 tàu ngầm hạt nhân kế tiếp của nó sẽ trang bị tên lửa đạn đạo “K”. Chúng sẽ tiếp tục hoàn thiện “tam giác hạt nhân” của Ấn Độ.

Trước khi hoàn thành mục tiêu đó, tạm thời Ấn Độ phải thuê tàu ngầm hạt nhân tấn công INS Chakra của Nga với thời hạn 10 năm. Nước này cũng đang tính thuê thêm một tàu ngầm nữa.

TIN LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU:
Phạm Ngọc Uyển (theo Times Of India)

Bình luận(0)