Những thực phẩm tăng nguy cơ mắc tim mạch

Google News

(Kiến Thức) - Bệnh tim mạch được mệnh danh là kẻ sát thủ thầm lặng, có thể có nhiều hay ít triệu chứng, nhưng khi đã nổi loạn, can thiệp y học rất khó đỡ.

Bệnh tim mạch được mệnh danh là kẻ sát thủ thầm lặng, có thể có nhiều hay ít triệu chứng, nhưng khi đã nổi loạn, can thiệp y học rất khó đỡ. Kẻ tòng phạm của bệnh tim mạch, không ngờ tới, lại là thực phẩm. Vậy những thực phẩm làm tăng nguy cơ và làm nặng thêm tính nguy hiểm của bệnh là gì?
Ít muối giảm trên 20% mắc bệnh 
Chúng ta không thể không ăn muối trong cuộc sống thường ngày vì đó là gia vị rất cần thiết giúp điều hòa vị giác, nếu có thể giảm được lượng muối trong chế độ ăn, bệnh tim mạch sẽ giảm được trên 20%. Bình thường mỗi ngày chúng ta ăn từ 5 - 10g muối nhưng nếu muốn giảm nguy cơ tim mạch, cần ăn dưới 3g/ngày. 
Nếu đang bị bệnh tim mạch cần khống chế dưới 2g. Sở dĩ vậy, vì muối làm tăng trữ nước trong lòng mạch, muối làm tăng tích nước giữa các tế bào gây phù. Do đó, muối làm tăng gánh nặng của hệ tim mạch, đẩy cao con số huyết áp và không có lợi cho người bệnh suy tim. 
Các thực phẩm mà bạn cần hạn chế là muối, cá biển, cá khô, cá kho, dưa cà muối, các thực phẩm giàu muối. Khi xào nấu cần giảm tay muối, nhẹ tay mắm. Lạp sườn, xúc xích, giăm bông cũng là thực phẩm không được khuyến khích. Cách tính: 1 thìa cà phê muối có khối lượng chừng 4g muối. Mỗi ngày chỉ nên ăn chừng 3/4 lượng này, hay là mỗi bữa chỉ ăn 1/4 thìa cà phê muối là đủ.
Ảnh minh họa. 
Mỡ động vật gây xơ vữa mạch
Mỡ động vật làm tăng lượng cholesterol xấu trong máu, trực tiếp làm tăng rối loạn mỡ máu. Mỡ động vật làm giảm độ trơn nhẵn thành mạch, dễ tạo thành cục máu đông bất thường trong lòng mạch, làm tắc nghẽn mạch vành. Vì thế, mỡ động vật không có lợi với sức khoẻ tim mạch. Lý do chính là vì trong mỡ động vật nhiều axit béo no, thủ phạm gây ra các biến chứng trên. Một ngày, chúng ta chỉ nên ăn trung bình từ 35 - 40g chất béo, trong đó chỉ nên sử dụng chừng 10g mỡ động vật (tương đương với 10g axit béo no) mà thôi. 
Các thực phẩm giàu chất béo động vật là mỡ lợn nước, mỡ khối, mỡ lá, thịt ba chỉ, mỡ gà, thịt vịt, thịt ngan, thịt ngỗng vì những loại thịt này vô cùng nhiều axit béo no. Dầu thực vật là tốt nhất vì ít axit béo no nhưng không phải tất cả. Dầu dừa, dầu cọ là hai loại có độ béo ngậy cao, lại có nhiều axit béo no như mỡ động vật, cũng cần hạn chế. 
Cách tính: 1 thìa canh dầu thực vật khoảng 5g dầu. Một ngày không nên ăn quá 6 thìa canh vì chất béo còn có ở trong thịt nữa. Các món cần hạn chế là món quay, món chiên, món xào...
Cholesterol gây chai cứng thành mạch
Cholesterol là chất béo gây thừa thãi nhất và cũng dễ tích lũy nhất. Hầu như các bệnh tim mạch đều có liên quan ít nhiều đến cholesterol. Cholesterol là chất béo làm chai cứng thành mạch, xơ vữa mạch máu, khiến lớp lót trong mạch máu xù vì. Cholesterol cũng là thủ phạm gây ra các nguy cơ tắc mạch, nhồi máu, biến chứng mạch vành. Một ngày chỉ nên ăn khoảng 300mg cholesterol. Nếu đã mắc bệnh tim mạch thì chỉ nên ăn một ngày không quá 200mg chất này. 
Nếu ăn đủ lượng như vậy, sẽ rất khoẻ mạnh, không thiếu chất và không lo có nguy cơ bị bệnh tim mạch nữa. Những thực phẩm giàu cholesterol là lòng đỏ trứng gà, tim lợn, bầu dục lợn, óc lợn, trứng vịt lộn... Một quả trứng gà có chừng 150 - 180mg cholesterol. Vậy nên, một ngày không nên ăn quá 1 quả trứng gà và không nên ăn 2 ngày liên tục. Như vậy, một tuần chỉ nên ăn 3 - 4 quả trứng mà thôi. Nếu đã bị bệnh tim mạch chỉ nên ăn 2 lần trứng trong tuần. Đặc biệt, cần thay đổi thói quen một buổi sáng ăn 2 quả trứng vịt lộn.
Một số thực phẩm khác cần tránh là gà rán, gà chiên, thức ăn nhanh, bánh mỳ kẹp, hăm-bơ-gơ, đồ hộp, bơ, kem, nước béo. Đây là những thực phẩm rất không có lợi. Rượu, bia, thuốc là cũng là những thứ cần tránh tối đa.
BS Yên Lâm Phúc (Học viện Quân y 103)

Bình luận(0)