Nhận biết bệnh sốt rét "mang về" từ châu Phi

Google News

(Kiến Thức) - Gần đây, một số người Việt sinh sống, làm việc từ châu Phi trở về nước đã mang mầm bệnh sốt rét khiến nhiều người dân lo ngại. 

Khu vực phổ biến bệnh sốt rét 
Sốt rét là bệnh phổ biến ở các nước vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới, chủ yếu là ở các nước nhiệt đới do ký sinh trùng sốt rét gây ra. Ký sinh trùng sốt rét có tên khoa học là plasmodium sp, gồm 4 loài là plasmodium falciparum, plasmodium vivax, plasmodium malaria, plasmodium ovale.  Các chủng này phân bố tùy theo vùng địa lý và quốc gia. 
Tại châu Phi, sốt rét là bệnh rất phổ biến bên cạnh các bệnh truyền nhiễm khác, gây tử vong rất nhiều cho người dân. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Angola (nằm ở phía Tây Nam châu Phi) là quốc gia có bệnh sốt rét lưu hành nặng nề. Tại đây, bệnh sốt rét chiếm tỷ lệ 60% các trường hợp nhập viện dưới 5 tuổi, tỷ lệ tử vong do sốt rét chiếm đến 35% tất cả các trường hợp tử vong dưới 5 tuổi. Hằng năm có khoảng 2,5 triệu trường hợp mắc bệnh sốt rét, trong đó tử vong gần 10.000 người.  
Cũng theo báo cáo của WHO, tỷ lệ bệnh nhân nhiễm từng loại ký sinh trùng sốt rét tại Angola phân bố như sau: 90% do plasmodium  falciparum, 7% do plasmodium vivax, 3% do plasmodium malaria, một số ít còn lại là do plasmodium ovale. Trẻ em và phụ nữ có thai là nhóm có nguy cơ tử vong cao nhất khi mắc bệnh sốt rét. Mặt khác, ký sinh trùng sốt rét tại châu Phi nói chung có tỷ lệ kháng thuốc cao, nhất là chủng plasmodium falciparum gây sốt rét ác tính. 
 Ảnh minh họa.
Không biết mình mang mầm bệnh!
Người lao động Việt Nam sang du lịch và làm việc tại Angola có nguy cơ nhiễm ký sinh trùng sốt rét cao. Bởi vì họ chưa hiểu nhiều về tình hình dịch bệnh nơi đây, thiếu biện pháp bảo vệ như ngủ màn, uống thuốc khi đi vào vùng dịch, chủ quan không biết mình bị bệnh. Đặc biệt, vì điều kiện y tế của nước sở tại còn kém nên đã có lao động Việt Nam tại Angola bị sốt rét ác tính và tử vong. Mặt khác, nhiều người quay về từ Angola cũng chủ quan không biết mình đã bị nhiễm ký sinh trùng sốt rét. 
Đa số bệnh nhân tại Angola bị nhiễm ký sinh trùng sốt rét plasmodium  falciparum, là tác nhân gây sốt rét ác tính. Tại Việt Nam, theo báo cáo mới nhất của Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng T.Ư, tỷ lệ kháng thuốc của plasmodium falciparum ở một số tỉnh cao nguyên là từ 16% lên 22%. Tại Angola, tỷ lệ kháng thuốc cao hơn nhiều. Do đó, những bệnh nhân mang mầm bệnh sốt rét từ Angola về nước có tỷ lệ kháng thuốc cao, đồng nghĩa với tỷ lệ tử vong cao hơn.   
Xét về chủng ký sinh trùng sốt rét thì tại Angola, chủng plasmodium  falciparum chiếm 90% số bệnh nhân, cũng tương đồng với tỷ lệ ở Việt Nam. Tuy nhiên, điều đang lo ngại là chủng plasmodium falciparum ở Angola kháng thuốc và có triệu chứng lâm sàng không điển hình, dễ gây sốt rét ác tính. 
Bệnh sốt rét có thời gian ủ bệnh từ 2 tuần đến hằng tháng. Thường bệnh khởi đầu bằng các triệu chứng không rõ ràng như sốt, mệt mỏi, chán ăn, đôi khi có triệu chứng giống như viêm họng, sổ mũi, nhức đầu... nên bệnh nhân chủ quan, cho đến khi nhập viện thường đã muộn, không điều trị kịp thời, dễ rơi vào hôn mê, tử vong. Tại Angola, thuốc đặc trị sốt rét là coartem, đây là thuốc kết hợp có tác dụng tốt trên các chủng ký sinh trùng kháng thuốc, giảm tỷ lệ sốt rét các tỉnh và tử vong.  
Để phòng ngừa bệnh sốt rét chỉ có cách không để muỗi đốt bằng cách ngủ màn, hoặc sử dụng màn có tẩm thuốc diệt muỗi. Những người từ Angola, châu Phi trở về nếu thấy có những triệu chứng như sốt, mệt mỏi, chán ăn, nhức đầu thì nên đến bệnh viện để được khám và xét nghiệm máu tìm ký sinh trùng sốt rét, điều trị sớm để tránh biến chứng, nguy hiểm đến tính mạng. 
TS.BS Trần Phủ Mạnh Siêu (Phó Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Trãi TPHCM)

Bình luận(0)