Đừng quá kham khổ khi tuổi xế chiều

Google News

(Kiến Thức) - Vấn đề tài chính, chi tiêu luôn là nỗi ám ảnh với người già. Có cụ thì lo sợ sự túng thiếu bởi không có thu nhập, phải sống dựa vào con cháu. 

Vấn đề tài chính, chi tiêu luôn là nỗi ám ảnh với người già. Có cụ thì lo sợ sự túng thiếu bởi không có thu nhập, phải sống dựa vào con cháu. Trong khi cũng có cụ thì có thu nhập nhưng lại không dám chi tiêu, sống kham khổ, tằn tiện. 
Sáng diện comple, chiều đi móc cống
Khi được hỏi về vấn đề tài chính của gia đình, ông Quang Chính (65 tuổi ở Giáp Nhất, phường Thượng Đình, Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ: "Tôi nghỉ mất sức nên lương hưu chỉ có 1.750.000đ/tháng, còn vợ không có lương". Tuy nhiên, nhìn nhà cửa khang trang, đồ đạc trong nhà không thiếu cái gì, ông Chính giải thích: "Lương hưu thấp, lại không muốn sống dựa vào con cái thì lao động". 
Ông kể, đấy chính là lý do vì sao mà ông rất tích cực tham gia các công tác đoàn thể ở địa phương. Ông hiện là Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường, tổ trưởng tổ dân phố... mỗi việc cũng giúp ông kiếm thêm chút thu nhập để cải thiện kinh tế gia đình. Ông cho biết, trước đây, ông còn mở cả điểm rửa xe, sửa xe, cắt tóc ở nhà, nhưng giờ dự án mở đường đi qua trước nhà nên không làm được những việc ấy nữa. Ông đùa vui: "Có khi sáng tôi mặc comple, cà vạt lên ủy ban phường phát biểu, chiều về tôi lại quần đùi móc cống, chả sao, miễn là chân chính". 
Ông Chính cho hay, nơi khu ông ở chỉ có các gia đình cán bộ quân đội nghỉ chế độ thì lương hưu còn khá, chứ công nhân viên chức nghỉ hưu cũng chỉ từ 2 - 3 triệu đồng/tháng/người, nếu chỉ lo ăn uống, chi tiêu thông thường thì có thể gọi là tạm đủ, nhưng khi ốm đau, nhà có công việc là "đau đầu". Ông bảo, những gia đình có "hoàn cảnh" giống ông, cũng có người đi làm, có người sống dựa vào còn cháu. 
"Sau này già không thể làm được thì đành phải sống dựa vào con cháu, nhưng giờ còn làm được thì mình nên làm, vừa có thêm thu nhập lại vừa vui khoẻ", ông vui vẻ kể. "Các khoản gộp lại, tôi chia thành 3 phần, một phần phục vụ chi tiêu hằng ngày, một phần để phục vụ vào những việc ma chay cưới hỏi, một phần khác thì để dành nhỡ ốm đau bệnh tật và phòng khi già yếu không làm được gì nữa, có một khoản để đỡ phải nhờ đến con cái sau này".
Ông Chính cố đảm bảo cuộc sống bằng cách chi tiêu hợp lý dù đồng lương ít ỏi. 
Khuyến khích đi làm thêm 
Không giống với ông Chính, ông Nguyễn Văn Khoan, xấp xỉ 70 tuổi ở Cầu Giấy, Hà Nội, đang là chủ nhân của 4 cửa hàng cho thuê, ngoài tiền lương hưu, mỗi tháng hai ông bà còn có thêm 18 triệu đồng tiền cho thuê cửa hàng. Có điều, "nằm trên đống tiền" nhưng ông bà vẫn sống tằn tiện, kham khổ, tiền có bao nhiêu ông đem gửi tiết kiệm hết. Ông bảo: "Già rồi còn thích gì nữa, có một đồng thì cứ dành ra đấy phòng thân, còn thì để lại cho con cho cháu".
ThS Trần Mạnh Hoàng, Trung tâm bồi dưỡng kỹ năng mềm cho hay: Không ít con cái thấy cha mẹ già tiết kiệm, hoặc cố gắng đi làm thêm thì chê cười, khích bác hoặc cấm đoán. Hãy đặt mình vào hoàn cảnh của bố mẹ để lý giải. Đa số người già sống qua thời đói khổ, nên việc ki cóp, cất giấu tiền bạc, tiết kiệm thái quá cũng là để phòng khi cơ nhỡ... 
Theo ThS Trần Mạnh Hoàng, đối với người cao tuổi, việc đi làm thêm là cần được khuyến khích bởi đó là cách để giúp người già vận động, giao lưu với thế giới bên ngoài, đặc biệt giúp người già "tự chủ động về mặt tài chính". Ngoài ra, người già cũng cần "mở rộng" hơn để nhìn về xã hội hiện đại, việc chi tiêu tiết kiệm là tốt bởi người cao tuổi không muốn phụ thuộc vào con cái, nhưng đừng quá kham khổ, hãy chia sẻ vấn đề tài chính với con cái và cùng nhau bàn bạc xem chi tiêu thế nào cho hợp lý, người già hãy nhớ "trẻ cậy cha, già cậy con".
Đối với con cái, hãy tìm hiểu và tư vấn cho cha mẹ để có được công việc phù hợp với sức khoẻ. Nếu thấy cha mẹ quá chắt bóp, hãy là người chủ động mua sắm để cha mẹ có cuộc sống bớt khổ cực, cho cha mẹ biết thu nhập của chính mình và tỏ ra sẵn sàng chia sẻ khoản tài chính ấy với cha mẹ để đảm bảo cha mẹ bạn cảm thấy yên tâm. 
"Người già vẫn nên tùy sức khoẻ, sở trường của mình để tìm cho mình những công việc phù hợp. Đi làm vừa là cách kiếm thêm thu nhập, ổn định cuộc sống, đồng thời cũng là cách để tiếp xúc với cuộc sống bên ngoài, giúp người già nhanh nhẹn, cởi mở hơn. Nếu chỉ "gói" trong 4 bức tường vừa hạn chế sinh hoạt, khiến mình trì trệ, khó tính, rồi kinh tế khó khăn lại còn làm cho con người mình dễ trở nên bần tiện. Tất nhiên cũng không nên vì quá tham công tiếc việc mà hại đến sức khoẻ".
Ông Quang Chính
Huy Khánh

Bình luận(0)