Khô âm đạo vì tự đặt thuốc chữa viêm nhiễm vùng kín

Google News

(Kiến Thức) - Nhiều phụ nữ lâm vào tình trạng khổ sở vì khô âm đạo, hậu quả của việc  tự ý đặt thuốc khi bị viêm nhiễm vùng kín.

Kho am dao vi tu dat thuoc chua viem nhiem vung kin
 Ảnh minh họa.
Bình thường, trong âm đạo có nhiều vi khuẩn thường trú của ruột và những vi khuẩn sống ngoài da. Ước tính có khoảng 108 - 109 vi khuẩn trong 1ml dịch tiết âm đạo. 
Vì vậy, việc chẩn đoán viêm nhiễm vùng kín khó khăn nếu chỉ dựa vào xét nghiệm vi khuẩn. Tùy vào các tác nhân gây viêm mà cách điều trị khác nhau. Có những bệnh chỉ cần đặt thuốc và vệ sinh kỹ, đúng cách là khỏi, nhưng cũng có những bệnh cần điều trị lâu dài và tốn kém. Không nên tự ý mua thuốc đặt, vì có thể thuốc không trị đúng chủng loại vi khuẩn mà bạn mắc phải, dẫn đến bệnh nặng hơn. Hãy đi khám phụ khoa ở những bệnh viện phụ sản, hoặc khoa phụ sản ở các bệnh viện đa khoa để được thăm khám, xét nghiệm chẩn đoán và điều trị thích hợp.
Các dạng thường gặp của viêm sinh dục dưới gồm như nhiễm Chlamydia, viêm âm đạo do Trichomonas, nấm, vi trùng. Viêm âm đạo do nấm thì huyết trắng đục như váng sữa, nóng rát, ngứa. Thường gặp ở phụ nữ mang thai, bệnh tiểu đường, dùng kháng sinh kéo dài, thiếu máu mạn tính, điều trị thuốc ức chế miễn dịch. Viêm âm đạo do Trichomonas: 50 - 90% nữ bị nhiễm có triệu chứng nhưng không nặng, thường kèm theo nhiễm nhiều loại vi khuẩn khác nên khó xác định triệu chứng đơn thuần của Trichomonas. Triệu chứng thường gặp là huyết trắng hôi, ngứa, giao hợp đau, tiểu đau, trằn bụng dưới. Viêm âm đạo do vi trùng: huyết trắng tanh mùi cá, nhất là sau khi giao hợp.
Không nên tự ý mua thuốc về đặt vì chưa xác định được tác nhân gây viêm và thuốc đặt đơn thuần không trị hết bệnh. Tùy vào tác nhân gây viêm sinh dục dưới (viêm âm đạo - cổ tử cung) mà có thể gây vô sinh. Những tác nhân như lậu cầu, Chlamydia gây viêm cổ tử cung và dễ dẫn đến vô sinh nếu không điều trị kịp thời. Nhiễm HPV, đặc biệt type nguy cơ cao như 16 và 18 có khả năng gây ung thư cổ tử cung sau này. Như vậy, các nguy cơ như bệnh tăng nặng, vô sinh... là do điều trị không phù hợp chứ không phải do thuốc. Những tác dụng phụ có thể gặp là dị ứng với thành phần của thuốc, gây nhờn thuốc, gây mất cân bằng hệ sinh thái âm đạo, gây khô âm đạo. Không nên quan hệ vợ chồng trong thời gian đặt thuốc.
Theo cấu trúc giải phẫu học, âm đạo nằm cạnh niệu đạo nên viêm âm đạo dễ dẫn đến viêm niệu đạo. Phòng ngừa viêm âm đạo cần có lối sống lành mạnh, vệ sinh vùng kín đúng cách, đặc biệt vào những ngày “đèn đỏ” và khi giao hợp. Dinh dưỡng và nghỉ ngơi hợp lý, tinh thần thoải mái cũng góp phần phòng ngừa viêm nhiễm. Khám phụ khoa định kỳ nhằm phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm và điều trị kịp thời.
TS.BS Lê Thị Thu Hà (Trưởng khoa Hậu sản M, Bệnh viện Từ Dũ TPHCM)

>> xem thêm

Bình luận(0)