Khó xin việc vì “mác”… Nghệ thì về quê lập nghiệp!

Google News

Mặc dù bị các  doanh nghiệp "làm khó" nhưng không ít lao động có xuất xứ từ tỉnh Nghệ An vẫn bám trụ ở phía Nam để xin việc làm.

- Mặc dù bị các doanh nghiệp “làm khó” nhưng không ít lao động có xuất xứ từ tỉnh Nghệ An vẫn bám trụ ở phía Nam để xin việc làm. Một số người khác chấp nhận trở về quê tìm kế mưu sinh.

Những ngày cuối tháng 9 đầu tháng 10/2012, cứ ngỡ khi có tin lao động xứ Nghệ bị một số doanh nghiệp phía Nam từ chối thì nhiều vùng quê sẽ “nhộn nhịp” bởi thanh niên trở về làng. Ấy vậy mà quê nghèo vẫn vắng bóng thanh niên.

Anh Nguyễn Văn Hiền
Anh Nguyễn Văn Hiền
Anh Nguyễn Văn Hiền (31 tuổi ở xóm Tân Phong, xã Diễn Nguyên, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An) giải thích: “Có ai về mô (đâu). Bị làm khó nhưng chúng (thanh niên) vẫn bám trụ lại, rồi cũng xin được việc thôi”.

Tìm hiểu thì từ 4 năm trước, anh Hiền cũng đã theo chúng bạn vào Nam làm công nhân nhưng được 6 tháng thì anh lại trở về quê. “Ngay thời điểm đó, chúng tôi đi nộp hồ sơ ở khu công nghiệp Sóng Thần cũng đã khó với cái mác là người Nghệ An rồi. Con gái thì dễ hơn nhưng con trai thì ngay từ vòng cổng, bảo vệ cũng làm khó rồi”, anh Nguyễn Văn Hiền chia sẻ.

Sau đó, năm 2010, anh Hiền lại tiếp tục vào Nam xin việc. Bấy giờ thì việc “từ chối” đã rầm rộ hơn. Anh Hiền cho biết: “Bảo vệ mà thấy hồ sơ là dân Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa là viện đủ lí do như đã đủ người hay ngoại hình thấp,… nói chung là đủ kiểu từ chối. Tuy nhiên rồi ai cũng xin được việc nhưng là lâu hơn thôi. Vì trong đó họ cũng cần công nhân mà”.

Hai ba năm lặn lộn ở Nam làm công nhân nhưng thấy cuộc sống chẳng khá hơn, anh Hiền chấp nhận về quê lập nghiệp. Hiện tại anh là ông chủ của một ki ốt xay lúa gạo ở gần nhà.

“Tôi thấy ở nhà làm ăn cũng ổn. Gần vợ, gần con mà kinh tế cũng không kém phần đi Nam. Ngoài việc xay xát, khi nào rảnh rang thì tôi lại đi làm thợ xây”, anh Hiền nói.

Lý giải việc bị doanh nghiệp phía Nam “chê” anh Hiền thừa nhận: “Đúng là lao động của chúng tôi rất siêng, giỏi nghề. Tuy nhiên lại hay bỏ việc, thậm chí, khi mà đồng lương trả không tương xứng thì đứng lên kêu gọi đình công.

Hầu như cuộc nào lộn xộn cũng do người Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa đứng đầu cả, khác với lao động miền Tây, hay phía Bắc, họ chỉ có tập trung làm, không đòi hỏi gì cả. Có lẽ thế mà lao động Nghệ bị ghét!”.

“Tuy nhiên tỉnh nào cũng có lao động này khác, riêng gì đâu Nghệ An. Không nên đánh đồng như thế!”, anh Hiền khẳng định.

Trọng Đức
[links()]

Bình luận(0)