9 dấu hiệu nguy hiểm cho bà bầu khi tập luyện

Google News

Chóng mặt, buồn nôn, chảy máu âm đạo… là những dấu hiệu của cơ thể cho thấy bà bầu đang quá sức với các bài tập của mình.

- Chóng mặt, buồn nôn, chảy máu âm đạo… là những dấu hiệu của cơ thể cho thấy bà bầu đang quá sức với các bài tập của mình.

Buồn nôn

Cảm giác buồn nôn sau khi luyện tập cho thấy hàm lượng axit lactic trong dạ dày đã tăng quá cao. Đây là sản phẩm phụ của quá trình trao đổi chất trong cơ bắp. Khi mang thai, cơ thể sản sinh nhiều estrogen và Beta HCG. Luyện tập trong tình trạng cơ thể như vậy khiến lượng axit lactic trong dạ dày tăng theo.

Bài tập càng căng thẳng, lượng axit lactic sản sinh càng nhiều. Nồng độ axit lactic và 2 loại hormone tăng đồng thời sẽ gây ra tình trạng buồn nôn, dù bà bầu không hề ốm nghén. Để khắc phục tình trạng này, bà bầu nên uống nhiều nước để trung hòa axit.

Chóng mặt

 

Trong trường hợp này, bà bầu thường cảm thấy chóng mặt một lúc lâu hoặc chóng mặt kèm theo một số biểu hiện như mắt mờ, đau đầu hoặc tim đập nhanh, mạnh như đánh trống ngực. Đó có thể là triệu chứng của bệnh thiếu máu hoặc một chứng bệnh nghiêm trọng nào khác có thể ảnh hưởng tới thai nhi.

Nếu hiện tượng này diễn ra sau khi chạy, bà bầu đang bị nóng và mất nước do gắng sức quá mức. Để đề phòng, bà bầu nên chú ý nghỉ giữa quãng trong quá trình luyện tập.

Thân nhiệt thay đổi đột ngột

Biểu hiện của bà bầu lúc này là bàn tay bỗng dưng trở nên ẩm ướt hoặc cơ thể có cảm giác nóng hay lạnh đột ngột. Điều này có thể gây ảnh hưởng tới thai nhi bởi khi thân nhiệt tăng cao, lượng máu lưu thông tới tử cung sẽ được điều phối tới vùng da để làm mát cơ thể, từ đó tác động xấu tới sự phát triển của trẻ trong bụng mẹ.

Ngoài ra, tình trạng mất nước làm giảm lượng máu lưu thông tới bào thai và làm tăng nguy cơ co thắt tử cung trước kỳ sinh. Để phòng tránh, bà bầu nên tránh mặc đồ bó, không thoáng khí hoặc tránh tập luyện trong thời tiết nóng ẩm.

Sưng bắp chân

 

Bàn tay và bàn chân của bà bầu có thể sẽ bị sưng một chút sau khi luyện tập, đó là dấu hiệu bình thường. Tuy nhiên, theo nghiên cứu của Đại học chuyên đào tạo bác sĩ sản khoa của Hoa Kỳ, nếu hiện tượng sưng và đau xuất hiện ở vùng bắp chân, đó có thể là dấu hiệu của bệnh viêm tĩnh mạch huyết khối.

Tốt nhất, bà bầu nên đến gặp bác sĩ nếu chỗ sưng không dịu bớt trong khoảng 1 tiếng đồng hồ. Có thể tạm thời khắc phục triệu chứng bằng cách nâng hạ chân liên tục một lúc và chườm nước ấm.

Chảy máu âm đạo

Theo website American Pregnancy, hiện tượng chảy máu âm đạo sau luyện tập có thể xảy ra tại bất cứ thời điểm nào trong thai kỳ và là dấu hiệu đáng báo động về sức khỏe của thai phụ và thai nhi. Lượng máu chảy ra chỉ khoảng 1-2 giọt, có màu nâu đỏ sẫm hoặc đỏ tươi.

Bà bầu thường không để ý khi bị chảy máu và chỉ có cảm giác như một chút dịch âm đạo chảy ra khi đứng lên hoặc di chuyển. Máu sẽ chảy ra nhiều hơn nếu thực hiện các bài tập có cường độ mạnh như chạy.

Bà bầu trong trường hợp này nên đến gặp bác sĩ ngay. Chảy máu âm đạo sau luyện tập có thể là dấu hiệu sảy thai, sinh non hoặc bong nhau thai sớm.

Mờ mắt

Cảm giác mắt mờ đi khi đang giữa bài tập là dấu hiệu cho thấy bà bầu bị mất nước, khiến huyết áp tụt và tim phải làm việc quá sức. Điều này sẽ làm giảm lượng máu lưu thông tới các cơ quan quan trọng của thai nhi.

Trong một số trường hợp, đây còn là triệu chứng của bệnh preeclampsia (huyết áp cao trong thai kỳ). Preeclampsia sẽ ngăn triệt để máu lưu thông tới nhau thai, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của thai nhi. Lúc này, bà bầu nên tìm sự hỗ trợ khẩn cấp từ người khác.

Choáng váng

Không nên coi nhẹ hiện tượng choáng khi mang thai. Đây có thể là triệu chứng của tình trạng mất nước hoặc nặng hơn là rối loạn hệ tuần hoàn.

Lượng oxy lên não bà bầu không đủ đồng nghĩa với việc thai nhi cũng không được tiếp nhận đủ lượng oxy cần thiết. Lúc này, bà bầu nên ngồi nghỉ hoặc nằm xuống với phần đầu hạ thấp, thở sâu và nới lỏng trang phục.

Đau nhói ở bụng và ngực

 

Nguyên nhân gây ra hiện tượng này có thể là do dây chằng bị giãn sau khi luyện tập hoặc co thắt tử cung liên tục khi sắp sinh, nhất là khi cảm giác đau xuất hiện lặp lại và khoảng thời gian giữa mỗi lần đau đều nhau.

Trong trường hợp này, bà bầu nên trang bị cho mình một thiết bị theo dõi thai nhi để các bác sĩ có thể xác định khi nào thì trường hợp này là đau đẻ.

Dịch âm đạo

Đây có thể là hiện tượng rỏ rỉ nước ối, báo hiệu tình trạng vỡ ối non hoặc sắp sinh. Thông thường, khi đã đủ tháng sinh, lớp màng của túi nước ối sẽ bục ra và nước ối theo đường âm đạo chảy ra ngoài. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, lớp màng âm đạo bị rách hoặc nứt khiến nước ối rò rỉ ra ngoài trước kỳ sinh.

Hiện tượng này dễ xảy ra ở tuần thứ 37-38 của thai kỳ, gọi là hiện tượng vỡ ối non. Nước ối thường có màu vàng, xanh, nâu hoặc hồng nhạt. Bà bầu nên tập phân biệt rõ màu của dịch âm đạo và nước ối để có thể ứng phó kịp thời khi chuyện này xảy ra.

Thu Thương (Theo Baby Center, Live Strong)

Bình luận(0)